Tiền thân là Phân Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp miền Nam được thành lập năm 1977, trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào về nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ trong lâm nghiệp, góp phần đáng kể cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng ở các tỉnh phía Nam.
Trụ sở Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ
Thành tựu chọn tạo giống
Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ là tác giả và đồng tác giả của 8 giống keo lá tràm, 9 giống keo lai tự nhiên, 2 giống keo tai tượng, 11 giống bạch đàn, 3 giống tràm ta và 6 giống tràm Úc đã được công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật (TBKT), trong đó có 4 giống đã được công nhận là giống quốc gia là AA1, AA9, AH1, AH7 năng suất rừng trồng đạt trên 25m3/ha/năm. Ngoài ra, Viện còn là đồng tác giả của 57 giống keo lai, keo lá tràm, keo tai tượng và bạch đàn được công nhận là giống TBKT và giống Quốc gia.
Đã cải tiến công nghệ giâm hom ngoài trời là bước đột phá cho sản xuất đại trà cây hom keo lai phục vụ trồng rừng kinh tế. Đã ứng dụng công nghệ sinh học để nhân giống vô tính các loài thông, keo, bạch đàn, gáo cung cấp giống cây lâm sản ngoài gỗ như: Vàng đắng, lan kim tuyến, anh thảo, hoắc hương, tràm trà,… Bước đầu đã nghiên cứu đa dạng di truyền, chọn giống bằng chỉ thị phân tử cho loài keo lá tràm, dầu rái, sao đen và nghiên cứu chuyển gen kháng sâu cho thông nhựa và nghiên cứu chọn dòng cho một số loài cây bản địa mọc nhanh như gáo trắng, gáo Vàng,... theo hướng phát triển trồng rừng rừng gỗ lớn.
Viện đã xây dựng hướng dẫn kỹ thuật trồng và quản lý lập địa bền vững đối với keo và bạch đàn bằng việc giữ lại vật liệu hữu cơ sau khai thác; bón phân; quản lý thực bì cạnh tranh làm tăng năng suất rừng tối đa 5,7 m3/ha/năm so đối chứng, cải thiện được độ phì của đất. Kết quả nghiên cứu đã được Bộ NN-PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật.
Đã nghiên cứu tối ưu hóa kỹ thuật trồng rừng keo cung cấp gỗ xẻ như: Chọn và đánh giá lập địa, bón phân, tỉa đơn thân, tỉa cành, tỉa thưa và chăm sóc để từng bước chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng trồng cung cấp gỗ lớn có năng suất cao và chất lượng gỗ xẻ tốt, lợi nhuận thu được tăng 36% so với rừng trồng gỗ nhỏ.
Kỹ thuật trồng rừng keo trên đất phèn đã giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng rừng ở Tây Nam Bộ đã phá thế độc canh cây tràm. Việc lên líp và biện pháp thâm canh trồng rừng đã cho năng suất rừng đạt từ 30 - 44 m3/ha/năm và giảm chu kỳ kinh doanh 3 - 4 năm so với trồng tràm. Hiệu quả kinh tế trồng keo lai đã tăng gấp 2 lần so với trồng tràm.
Đã nghiên cứu trồng cây bản địa, mọc nhanh cung cấp gỗ lớn ở vùng Nam bộ có triển vọng như: thanh thất, chiêu liêu, bời lời, sấu tía, lò bo, xoan mộc, gáo trắng, gáo vàng,... góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.
Nghiên cứu rừng tự nhiên và bảo tồn gen
Hiện nay, Viện đã xây dựng được các kỹ thuật trong làm giàu rừng tự nhiên nghèo kiệt, như trồng theo băng, rạch hay đám với 13 loài cây bản địa mọc nhanh ở vùng Đông Nam bộ. Bốn loài cây có triển vọng là: lim xanh, chiêu liêu, xà cừ và nhạc ngựa. Đã nghiên cứu phát triển trồng cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng tự nhiên, đánh giá và bảo tồn, sử dụng bền vững tiềm năng cây thuốc ở trong rừng tự nhiên ở một số vườn quốc gia vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế ở vùng dân tộc thiểu số.
Trong 40 năm qua Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Bộ có đóng góp to lớn cho ngành lâm nghiệp nước nhà
Đối với bảo tồn nguồn gen thực vật rừng, Viện đã duy trì và phát triển tốt vườn thực vật Trảng Bom xây dựng từ năm 1905 hiện có 279 loài, thuộc 67 họ, là nơi lưu giữ bảo tồn nhiều nguồn gen quý hiếm có trong Sách Đỏ Việt Nam. Từ năm 2002, Viện tiếp tục xây dựng 2ha vườn sưu tập thực vật ở Trạm Thực nghiệm Lâm nghiệp Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, gồm 153 loài, thuộc 52 họ. Ngoài ra, còn có 2 vườn sưu tập thực vật thân gỗ trên vùng đất phèn (6ha) và 1 vườn sưu tập thực vật trên vùng đất ngập mặn (1ha) ở đồng bằng sông Cửu Long được thiết lập năm 1995 và 2003 tại tỉnh Long An và Cà Mau.
Với lĩnh vực sinh thái, môi trường rừng, Viện đã nghiên cứu và xây dựng được giải pháp phục hồi rừng tràm sau cháy tại Cà Mau, giải pháp chống suy thoái rừng ngập mặn Cần Giờ ở TP.HCM. Xây dựng được các hướng dẫn kỹ thuật về trồng rừng trên các dạng lập địa khó khăn ở các đảo ven bờ, kỹ thuật trồng cây chống sạt lở ven sông rạch, kỹ thuật trồng rừng trên các lòng hồ bán ngập nhằm chống sạt lở và giảm bồi lắng lòng hồ. Xây dựng được kỹ thuật trồng rừng phòng hộ cho một số loài cây trên vùng đất cát khô hạn và trồng rừng chống cát bay ở vùng duyên hải Nam Trung bộ. Trong 5 năm gần đây, Viện đã và đang thực hiện hơn 60 hợp đồng tư vấn dịch vụ với tổng doanh thu hơn 15 tỷ đồng, góp phần tạo nguồn thu cho các đơn vị và đóng góp một phần cho ngân sách Nhà nước.
Theo GS.TS Võ Đại Hải - Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ là đơn vị Viện vùng lớn nhất trực thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cả về quy mô, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng thiết bị và quỹ đất phục vụ cho nghiên cứu thực nghiệm. Viện là đơn vị đã và đang đổi mới mạnh mẽ sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; Lấy chất lượng sản phẩm nghiên cứu khoa học và hiệu quả chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ đang từng bước vươn lên và đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp khoa học lâm nghiệp Việt Nam. |