Dấu ấn khoa học công nghệ
Ngày 14/10, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (RIA3) long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm thành lập.
Tiền thân là Trung tâm Nghiên cứu Thủy sản III được thành lập năm 1984 theo Quyết định số 272 của Bộ Thủy sản, ngày 14/10/2004, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1105 đổi tên Trung tâm thành Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III trực thuộc Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN-PTNT).
Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, Viện đã không ngừng đổi mới, đạt được nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, đặc biệt là khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đóng góp vào thành tích chung của Bộ, của ngành thủy sản.
Theo PGS.TS Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, các thành tựu khoa học công nghệ nổi bật của Viện đã đạt được thể hiện qua 3 thời kỳ gồm: Thời kỳ xây dựng và phát triển từ năm 1984 - 2004; thời kỳ mở rộng phát triển và hội nhập từ năm 2004 - 2014; thời kỳ ổn định phát triển và từng bước tự chủ từ năm 2014 - 2024.
Trong đó, thời kỳ xây dựng và phát triển là giai đoạn “vạn sự khởi đầu nan”, lực lượng cán bộ ban đầu chỉ với 14 người, cơ sở vật chất thiếu thốn, lạc hậu, nhưng bằng quyết tâm và sự nỗ lực không ngừng nghỉ, các lực lượng nghiên cứu đã từng bước phát triển, gặt hái nhiều thành công đáng tự hào.
Nổi bậc nhất trong công trình nghiên cứu là sản xuất giống tôm sú thành công và nuôi thương phẩm trong ao, sản xuất artemia trong ruộng muối, góp phần phát triển nghề nuôi tôm sú ở khu vực miền Trung và nhân rộng ra cả nước.
Sau đó, các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ được triển khai trên các đối tượng như tôm hùm, cua biển, ghẹ xanh, cá chẽm, cá măng, ốc hương, điệp quạt, bào ngư, sò huyết, vẹm xanh, trai ngọc, cá chình, tôm càng xanh... đều thành công và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Kết quả trong giai đoạn này có 25 quy trình công nghệ, trên 100 công trình được xuất bản và 14 mô hình nuôi, trong đó trên 80% quy trình được hoàn thiện và ứng dụng thành công vào sản xuất.
Thời kỳ mở rộng phát triển và hội nhập, Viện tiếp tục được thực hiện chuyển giao công nghệ với các đối tượng như tôm sú, tôm hùm, tôm thẻ chân trắng, cua, ốc hương, hải sâm, tu hài, cá biển. Kết quả có 179 công trình và trên 20 quy trình, mô hình được phổ biến, ứng dụng, trong đó nhiều mô hình phát triển mạnh, đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội rất cao.
Thời kỳ ổn định phát triển và từng bước tự chủ, Viện đã chủ trì thực hiện 153 đề tài, nhiệm vụ các cấp, tập trung vào 5 nhóm nghiên cứu chính. Cụ thể, về công nghệ giống đã sản xuất giống nhân tạo nhiều đối tượng như cá tầm Nga và Xiberi, hải sâm trắng, hải sâm đen, các loài cá mú, cá chẽm, sò huyết, bào ngư, sá sùng..., thành công trong chọn giống thế hệ G9 tôm thẻ chân trắng và thế hệ G3 cá chẽm sinh trưởng nhanh, kháng bệnh.
Về công nghệ nuôi, đã thành công công nghệ RAS (tuần hoàn) trong nuôi cá chình và tôm hùm; nuôi cá tầm, cá hồi an toàn sinh học ở các vùng nước lạnh tại các tỉnh Tây Nguyên. Về dinh dưỡng thức ăn đã sản xuất thành công thức ăn công nghiệp nuôi ốc hương; cá chình hoa; cua lột; tôm hùm; thức ăn giun nhiều tơ cho tôm bố mẹ; vi tảo.
Về bệnh và môi trường đã xây dựng quy trình kiểm soát bệnh do vi khuẩn gây ra trên một số đối tượng thủy sản quan trọng, kháng thể IgY để phòng và trị bệnh trên tôm, giải pháp kỹ thuật phòng trị bệnh sữa và bệnh đỏ thân trên tôm hùm nuôi lồng; vacxin phòng bệnh trên cá biển; quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi thủy sản tập trung tại các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên...
Từ những kết quả nghiên cứu nêu trên, đã có 15 tiến bộ kỹ thuật, 1 độc quyền sáng chế, 1 giải pháp hữu ích, 6 giống mới được đăng ký sở hữu; 232 bài báo được đăng trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế. Đây là tiền đề để Viện từng bước tiến tới tự chủ.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - ông Nguyễn Tấn Tuân cảm ơn những đóng góp to lớn của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đối với sự phát triển nuôi trồng thủy sản khu vực miền Trung nói chung và khu vực Duyên hải Nam Trung bộ nói riêng.
Tại tỉnh Khánh Hòa, theo ông Tuân, thời gian qua các nhà khoa học của Viện đã giúp địa phương nhiều đề tài nghiên cứu, thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt mới đây đã nghiên cứu thành công mô hình nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển hở. Ông Tuân mong muốn thời tới, Viện tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu để tạo ra những giống loài thủy sản mới, những công nghệ nuôi trồng tiên tiến, nhất là phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thực hiện công nghệ số để giúp nghề nuôi trồng thủy sản ngày càng phát triển theo hướng xanh, sạch, đẹp.
Cơ quan nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực nuôi trồng
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến biểu dương những thành công của Viện trong chặng đường 40 năm qua, góp phần quan trọng vào phát triển ngành thủy sản.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, qua các thời kỳ xây dựng và phát triển, Viện đã trưởng thành, lớn mạnh và đang phát huy mạnh mẽ thế mạnh nghiên cứu về các lĩnh vực như nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ; nghiên cứu về bệnh và môi trường; nghiêu cứu thức ăn, dinh dưỡng… Viện đã thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ Bộ giao, đóng góp tích cực cho sự phát triển ngành thủy sản các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Viện tiếp tục khẳng định được vị trí là một trong những viện chuyên ngành có nhiều thế mạnh trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của Bộ NN-PTNT.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tin tưởng rằng, Viện sẽ không ngừng phát huy truyền thống đoàn kết, trí tuệ tập thể, tinh thần lao động cần mẫn, cống hiến cho khoa học. Đồng thời đề đề nghị Viện thời tới tiếp tục quán triệt sâu rộng, bám sát chủ trương, quan điểm, định hướng lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ NN-PTNT trong tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể, khát vọng phát triển, quyết tâm cao, nỗ lực lớn đổi mới sáng tạo, thống nhất trên dưới một lòng vì sự phát triển của Viện.
"Viện cần bám sát Nghị quyết 36 ngày 22/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các nghị quyết, đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để chủ động nghiên cứu, tìm tòi hướng đi, giải pháp mới kịp thời, hiệu quả trong tham mưu cho lãnh đạo Bộ và triển khai nhiệm vụ được giao" Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Đặc biệt, tăng cường hợp tác quốc tế và trong nước, huy động, khai thác hiệu quả các nguồn lực, chuyên gia, nhà khoa học để phục vụ công tác nghiên cứu, phát triển thủy sản cũng như tăng cường nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và cơ sở vật chất trang thiết bị; xây dựng đội ngũ chuyên môn sâu và nâng cao đời sống viên chức, người lao động, công đoàn viên, thanh niên. Qua đó tiếp tục giữ vững vị thế, vai trò của một cơ quan nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản không chỉ ở Việt Nam mà còn vươn ra tầm khu vực và quốc tế.
Nhân kỷ niệm 40 năm thành lập, 4 tập thể và 7 cá nhân của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III vinh dự đón nhận Bằng khen Bộ trưởng Bộ NN-PTNT. Ngoài ra, 14 cá nhân được nhận kỷ niệm chương Vì sự nghiệp NN-PTNT. Các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Lâm Đồng cũng tặng bằng khen cho 3 tập thể, 6 nhân đã có đóng góp trong việc nghiên cứu, chuyển giao khoa công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương.