| Hotline: 0983.970.780

40 năm Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III: [Bài 3] Giúp người nuôi chủ động phòng ngừa dịch bệnh

Thứ Tư 09/10/2024 , 08:30 (GMT+7)

Nhờ thực hiện quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường thủy sản, người nuôi các tỉnh Nam Trung bộ đã chủ động phòng ngừa dịch bệnh thủy sản, hạn chế thiệt hại.

Cán bộ của Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Trung thực hiện quan trắc môi trường tại vùng nuôi tôm hùm ở khu vực Nam Trung bộ. Ảnh: KS.

Cán bộ của Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Trung thực hiện quan trắc môi trường tại vùng nuôi tôm hùm ở khu vực Nam Trung bộ. Ảnh: KS.

Quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi thủy sản

Bài liên quan

Chúng tôi đến Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Trung tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) khi các cán bộ nơi đây đang khẩn trương hoàn thiện báo cáo kết quả quan trắc, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường nguồn nước một số vùng nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Bà Võ Thị Ngọc Trâm, Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Trung (gọi tắt là Trung tâm) cho biết, hiện nay biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, thời tiết có những diễn biến bất thường ảnh hưởng đến sức khỏe thủy sản nuôi. Mặt khác, nuôi trồng thủy sản hiện nay thường xuyên đối mặt với rủi ro do bệnh nguy hiểm, gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Vì vậy, việc quan trắc và giám sát môi trường vùng nuôi để cảnh báo là nhiệm vụ rất quan trọng.

Là đơn vị trực thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản III (gọi tắt Viện) với nhiệm vụ chủ yếu là quan trắc, cảnh báo môi trường và nghiên cứu bệnh thủy sản; chuyển giao và tư vấn công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, bệnh học và các vấn đề về sức khoẻ thủy sản nuôi, thời gian qua, Viện được Cục Thủy sản giao thực hiện quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh trọng điểm khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên gồm Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Lâm Đồng.

Hiện Trung tâm việc thực hiện quan trắc cảnh báo môi trường đã đi vào nề nếp, nghiêm túc, trách nhiệm, đảm bảo kết quả phản hồi kịp thời sau 3 - 5 ngày thu mẫu. Ảnh: KS.

Hiện Trung tâm việc thực hiện quan trắc cảnh báo môi trường đã đi vào nề nếp, nghiêm túc, trách nhiệm, đảm bảo kết quả phản hồi kịp thời sau 3 - 5 ngày thu mẫu. Ảnh: KS.

Bài liên quan

Khu vực quan trắc tập trung các đối tượng nuôi chính như tôm nước lợ, tôm hùm và cá nước lạnh. Bên cạnh quan trắc về môi trường, Trung tâm cũng thực hiện cùng lúc thu mẫu xác định tác nhân gây các bệnh nguy hiểm trên các đối tượng quan trắc nhằm so sánh, đánh giá quan hệ giữa các yếu tố môi trường và bệnh trên các đối tượng nuôi. Chẳng hạn, thu mẫu xác đinh tác nhân gây bệnh sữa, bệnh đỏ thân trên tôm hùm nuôi lồng tại 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa; thu mẫu xác định tác nhân gây bệnh vi bào tử trùng, bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp tôm nước lợ ở các vùng quan trắc tỉnh Bình Định; thu mẫu xác định tác nhân gây bệnh xuất huyết trên cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi vân) ở các vùng quan trắc tỉnh Lâm Đồng...

"Nhân lực cùng cơ sở vật chất, thiết bị của Trung tâm hiện nay cơ bản đảm bảo đáp ứng được yêu cầu. Việc thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường tại Trung tâm đã đi vào nề nếp, nghiêm túc, trách nhiệm, đảm bảo kết quả phản hồi kịp thời sau 3 - 5 ngày thu mẫu", bà Võ Thị Ngọc Trâm, Phó Giám đốc Trung tâm nhấn mạnh.

Các kết quả quan trắc hiện nay được Viện gửi thông báo đến sở NN-PTNT, chi cục thủy sản các tỉnh, phòng NN-PTNT các huyện, thị xã nơi có điểm quan trắc. Hình thức gửi bằng zalo, email và chuyển phát nhanh (EMS). Từ đó, cơ quan có thẩm quyền ở địa phương phổ biến bản tin quan trắc, có giải pháp ổn định môi trường đảm bảo phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững.

Hiện nhân lực tại Trung tâm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường. Ảnh: KS.

Hiện nhân lực tại Trung tâm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường. Ảnh: KS.

Trong trường hợp có những thông số môi trường vượt giới hạn cho phép hoặc phát hiện chỉ tiêu bệnh trên các đối tượng thu mẫu trong quá trình quan trắc, Viện cử cán bộ trực tiếp gọi điện thoại để thông báo kết quả cho các bên có liên quan. Điều này kịp thời giúp cơ quan quản lý địa phương, người nuôi (có mẫu được thu) nắm bắt được chất lượng nước, tình hình sức khỏe của đối tượng đang nuôi để có hướng xử lý tức thời.

Hiện nay số liệu quan trắc được cập nhật vào phần mềm cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường của Cục Thủy sản qua từng đợt quan trắc, thuận tiện cho việc theo dõi, tra cứu, phục vụ cho công tác quản lý, quy hoạch, nuôi trồng thủy sản cũng như công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm của các đoàn thanh tra nước ngoài về an toàn thực phẩm.

Giúp người nuôi ứng phó dịch bệnh kịp thời

Là người nuôi tôm hùm lồng bè tại phường Xuân Yên (thị xã Sông Cầu, Phú Yên), anh Trần Văn Tú cho rằng, trong nuôi trồng thủy sản, ngoài kinh nghiệm kỹ thuật thì việc nắm bắt thông tin quan trắc môi trường, dịch bệnh trong nguồn nước là vô cùng cần thiết. Thời gian qua, người nuôi tôm hùm ở địa phương thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về môi trường từ ngành chức năng nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh thủy sản, giảm thiểu thiệt hại.

Nhờ thực hiện quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường thủy sản, đã giúp người nuôi các tỉnh Nam Trung bộ chủ động phòng ngừa dịch bệnh. Ảnh: KS.

Nhờ thực hiện quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường thủy sản, đã giúp người nuôi các tỉnh Nam Trung bộ chủ động phòng ngừa dịch bệnh. Ảnh: KS.

Bà Lê Thị Hằng Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Yên cho biết, Phú Yên là tỉnh ven biển có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản với các đối tượng như tôm sú, tôm thẻ, tôm hùm, cá biển...

Để giúp người nuôi hạn chế thấp nhất thiệt hại cho các đối tượng nuôi trồng thủy sản, thời gian qua, ngoài các kế hoạch, chương trình quan trắc môi trường, giám sát dịch bệnh của tỉnh, Sở NN-PTNT Phú Yên còn phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản III thực hiện quan trắc môi trường tại vùng nuôi tôm hùm lồng bè tập trung tại xã Xuân Phương, các phường Xuân Thành, Xuân Yên (thị xã Sông Cầu) cùng các vùng nuôi và sản xuất giống tôm nước lợ tại xã Hòa Hiệp Nam (thị xã Đông Hòa), các xã Xuân Hải Xuân Hòa (thị xã Sông Cầu).

Kết quả các đợt quan trắc được Viện thông tin kịp thời đến cơ quan quản lý tại các địa phương, hỗ trợ công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản, cũng như giúp người nuôi trên địa bàn tỉnh chủ động theo dõi diễn biến chất lượng nước nuôi trồng và phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả.

“Những năm qua, việc thực hiện các chương trình, kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường và giám sát dịch bệnh thủy sản của Bộ NN-PTNT do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản III thực hiện đã giúp người nuôi trên địa bàn tỉnh Phú Yên chủ động phòng ngừa dịch bệnh thủy sản, hạn chế thiệt hại. Đồng thời giúp cho cơ quan quản lý thủy sản của tỉnh có thêm dữ liệu và cơ sở khoa học để chỉ đạo hoạt động nuôi trồng thủy sản hiệu quả hơn, ứng phó kịp thời với diễn biến thời tiết bất thường như nắng nóng, mưa lũ”, bà Nga chia sẻ.

Cán bộ Trung tâm lấy mẫu nước và đo các chỉ số môi trường tại vùng nuôi tôm hùm huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Cán bộ Trung tâm lấy mẫu nước và đo các chỉ số môi trường tại vùng nuôi tôm hùm huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Đặc biệt những năm qua, khi có sự cố tôm hùm, thủy sản nuôi bị chết bất thường với số lượng lớn tại một số vùng nuôi, Sở NN-PTNT Phú Yên đã phối hợp kịp thời với Viện, đơn vị quan trắc môi trường thực hiện quan trắc môi trường đột xuất để xác định nguyên nhân gây chết, từ đó đề xuất một số giải pháp chỉ đạo sản xuất, hạn chế thiệt hại cho người nuôi. Mới đây nhất, các đợt cá mú, tôm hùm nuôi lồng chết đột xuất tại đầm Cù Mông thuộc các xã Xuân Cảnh, Xuân Thịnh (thị xã Sông Cầu) vào tháng 5 - 6/2024 cũng đã được Viện quan trắc, thu mẫu kịp thời để xác định nguyên nhân.

Còn ông Phan Ngọc Tấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho rằng, quan trắc môi trường là hoạt động quan trọng của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Công tác quan trắc, cảnh báo môi trường phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và có hệ thống nhằm phát hiện những yếu tố có nguy cơ tác động xấu đến môi trường nuôi trồng thủy sản, giúp cơ quan quản lý đưa ra cảnh báo và hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp xử lý và khắc phục cần thiết.

Từ năm 2016 đến nay, công tác triển khai quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản tại Khánh Hòa đã giúp cảnh báo môi trường nước nuôi thủy sản trong điều kiện thời tiết ngày càng bất lợi cho thủy sản nuôi, kiểm soát sức khỏe thủy sản nuôi. Từ đó giúp cơ quan quản lý chủ động, kịp thời trong việc chỉ đạo sản xuất cũng như làm giảm thiểu dịch bệnh, góp phần phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh.

Theo ông Phan Ngọc Tấn, hàng năm, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III cũng thực hiện quan trắc các điểm không thuộc các điểm quan trắc do Chi cục thực hiện. Sau khi có kết quả phân tích các chỉ tiêu môi trường nuôi trồng thủy sản, Viện có thông báo đến các cơ quan quản lý nhà nước như Sở NN-PTNT, Chị cục Thủy sản, Phòng kinh tế/nông nghiệp và các địa phương nơi lấy mẫu quan trắc để khuyến cáo người nuôi các biện pháp kỹ thuật nhằm mang lại hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản, đồng thời giúp cơ quan quản lý có thông tin, kịp thời trong chỉ đạo sản xuất.

Xem thêm
Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.