Nghiên cứu khoa học dựa trên 3 trụ cột
Theo PGS.TS Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản III (gọi tắt Viện), thời gian qua, hoạt động nghiên cứu khoa học về lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản tại Viện đã đóng góp tích cực cho việc phát triển ngành thuỷ sản các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Cùng với đó, Viện tiếp tục khẳng định được vị trí là một trong những viện nghiên cứu có nhiều thế mạnh về hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là nuôi biển.
Với những thành tựu trong công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, 7 giải thưởng cao quý đã được trao tặng cho các cá nhân của Viện có những công trình nghiên cứu xuất sắc, trong đó 1 đồng giải thưởng Hồ Chí Minh, 1 đồng giải thưởng Nhà nước, 3 giải thưởng VIFOTEC (Nhất, Nhì, Ba), 1 giải thưởng đặc biệt của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO-World Intellectual Property Organization).
Ngoài ra, trong giai đoạn 2014 - 2024, Viện đã xây dựng thành công 7 TCVN, 4 QCVN, xuất bản được hơn 230 ấn phẩm về nghiên cứu khoa học trên các tạp chí/nhà xuất bản chuyên ngành quốc tế và trong nước. Trong đó có 6 cuốn sách tham khảo, 172 bài báo xuất bản trong nước và 54 bài báo xuất bản quốc tế. Viện cũng đã hợp tác nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cho các địa phương, đơn vị. Nhiều công nghệ đang được ứng dụng, chuyển giao vào thực tiễn sản xuất ở 32 tỉnh thành trên cả nước.
Để tiếp tục phát huy những kết quả được, trên cơ sở định hướng của Bộ NN-PTNT tại Quyết định số 354 ngày 18/01/2023 về việc ban hành chiến lược nghiên cứu, phát triển của Viện đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, PGS.TS Võ Văn Nha cho biết ngoài đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả và đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ khoa học công nghệ thì hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện trong thời gian tới sẽ dựa trên 3 trụ cột.
Thứ nhất, về thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ: Viện tiếp tục tập trung vào công nghệ sản xuất và chọn giống thuỷ sản; nghiên cứu và phát triển công nghệ nuôi tiên tiến; nghiên cứu môi trường và phòng trị bệnh thuỷ sản; nghiên cứu dinh dưỡng, công nghệ sản xuất thức ăn cho các đối tượng thuỷ sản; nghiên cứu công nghệ khai thác, chế biến, bảo quản và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.
Mở rộng nghiên cứu các đối tượng thủy sản nuôi, trong đó tập trung nhất là nhóm đối tượng phục vụ nuôi biển nhằm góp phần thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như Chiến lược phát triển thuỷ sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh đó, Viện cũng sẽ nghiên cứu, phát triển một số đối tượng nuôi có tiềm năng, mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với người dân và doanh nghiệp tại các tỉnh khu vực Miền Trung - Tây Nguyên như cá tầm, cá hồi, cá chình, lươn và một số loài cá nước ngọt có giá trị kinh tế khác.
Ngoài ra, Viện cũng sẽ tập trung nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới, tăng cường công tác bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh trên các đối tượng nuôi biển.
"Mục tiêu là tạo ra công nghệ nuôi tiến tiến ngang tầm khu vực và thế giới. Để làm tốt việc đó, chúng tôi cần phải có đội ngũ cán bộ đầy đủ về trình độ, năng lực, được đào tạo bài bản. Về vấn đề này, chúng tôi sẽ có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho những nhà khoa học có năng lực", PGS.TS Võ Văn Nha cho biết.
Đồng thời, Viện sẽ chú trọng lấy cán bộ có kiến thức, kinh nghiệm trong nghiên cứu làm nòng cốt để dẫn dắt đội ngũ cán bộ kế cận cùng tham gia nghiên cứu khoa học. Song song đó, không quên tính toán, đào tạo để tránh trường hợp không có đội ngũ kế cận.
Thứ hai, hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp và địa phương. Hiện nay, Viện đang tập trung vào việc mở rộng, tìm kiếm các nhiệm vụ khoa học công nghệ ở các tỉnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên và hợp tác cùng doanh nghiệp theo 2 hướng là hợp tác nghiên cứu và hợp tác chuyển giao nếu doanh nghiệp có nhu cầu.
Thứ ba, hợp tác quốc tế và đào tạo ngắn hạn. Viện sẽ tiếp tục duy trì, củng cố và tăng cường khả năng kết nối, mở rộng hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, các trường đại học, viện nghiên cứu nước ngoài. Từ đó, tạo cơ hội gặp gỡ các nhà khoa học nước ngoài đang công tác tại Viện và cán bộ của Viện làm việc tại các phòng thí nghiệm ở nước ngoài để trao đổi kinh nghiệm nhằm ứng dụng thành công các kết quả nghiên cứu cũng như cùng nhau triển khai hiệu quả hoạt động hợp tác nghiên cứu có thế mạnh của Viện.
Thực tế những năm gần đây, Viện cũng đã ký hợp tác với một số trường đại học ở Australia và các tổ chức hợp tác quốc tế khác như JICA, ACIAR, NUFU… Theo kế hoạch, mỗi năm Viện phấn đấu xây dựng 1 - 2 nhiệm vụ hợp tác quốc tế thuộc các lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu của Viện.
Đối với đào tạo ngắn hạn, Viện sẽ tập trung đào tạo, tập huấn những tiến bộ kỹ thuật, quy trình công nghệ của Viện mà các doanh nghiệp hay hợp tác xã, tổ cộng đồng và người nuôi có nhu cầu nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Tiến tới cơ chế tự chủ
Với 25 năm gắn bó với Viện, hiện với cương vị là người đứng đầu, PGS.TS Võ Văn Nha hiểu rõ những tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công nhân viên và người lao động đối với việc thực hiện những yêu cầu đề ra trong tình hình mới, đặc biệt là hướng tới cơ chế tự chủ hoàn toàn.
Vì vậy, với nhiệm vụ trọng tâm trong 3 trụ cột đã nêu trên, PGS.TS Võ Văn Nha cho biết sẽ chú trọng nâng cao thu nhập cho viên chức và người lao động trong gian đoạn tới với nhiều giải pháp.
Một là sẽ tinh gọn đội ngũ cán bộ viên chức và người lao động theo đề án vị trí việc làm. Hai là tạo môi trường làm việc công bằng, cạnh tranh lành mạnh, có sự khuyến khích tốt để cống hiến, phát triển.
Ba là xây dựng và sử dụng hiệu quả các quỹ theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP để tăng thu nhập cho người lao động.
Bốn là khoán chỉ tiêu, công việc trong hoạt động nghiên cứu; khích lệ tinh thần năng động, sáng tạo trong công việc; nâng cao năng suất làm việc của cán bộ, viên chức và người lao động của Viện.
Năm là liên doanh, liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, các địa phương trên cả nước để ứng dụng thành tựu nghiên cứu của Viện vào sản xuất nhằm tăng thu nhập.
PGS.TS Võ Văn Nha cũng cho rằng, Viện cần có cuộc cách mạng thay đổi tư duy, thay đổi nhận thức để đưa khoa học hàn lâm trở thành khoa học thường thức giúp người dân dễ dàng tiếp cận.
“Hiện nay, xu hướng của bà con nông dân là tiếp nhận trực tiếp các thành tựu khoa học kỹ thuật từ sản phẩm khoa học. Tuy nhiên, giữa ngôn ngữ khoa học với ngôn ngữ của nông dân tiếp cận hoàn toàn khác nhau. Do đó thời gian tới, chúng tôi sẽ tìm cách đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo ngắn hạn theo hướng "cầm tay chỉ việc" tại các trang trại nuôi trồng của nông dân hay doanh nghiệp.
Từ đó, chúng tôi sẽ chuyển giao kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật của Viện cho doanh nghiệp và người dân" PGS.TS Võ Văn Nha nhấn mạnh.