Việt Nam và Hàn Quốc đều có những tiềm năng và lợi thế riêng để hợp tác phát triển ngành nông nghiệp. Hàn Quốc là quốc gia có nền nông nghiệp hiện đại, phát triển với đa dạng chủng loại, đặc biệt là rau củ quả và công nghệ chế biến nông, lâm, thủy sản hàng đầu.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề cao kinh nghiệm phát triển nông nghiệp bền vững của Hàn Quốc: “Từ những ngày còn làm ở địa phương đến nay, tôi vẫn luôn nhìn vào các thành tựu khoa học công nghệ của Hàn Quốc, luôn mong muốn được hợp tác để nhân rộng những mô hình đổi mới để làm đẹp thêm cho nông thôn Việt Nam”.
Để triển khai Tầm nhìn hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc trong lĩnh vực NN-PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Đại sứ Choi Youngsam quan tâm thúc đẩy hợp tác đối với 6 lĩnh vực trọng điểm: du lịch cộng đồng gắn với xúc tiến thương mại hàng nông sản đặc sản; ứng dụng chuyển đổi số xây dựng xã nông thôn mới; chuyển giao ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp tuần hoàn; hoàn thiện hệ thống chuỗi cung ứng thực phẩm; xây dựng ngân hàng dữ liệu thương mại nông sản và chia sẻ mô hình hỗ trợ người dân thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, mỗi mặt hàng nông sản của Hàn Quốc đều kết nối giá trị truyền thống với hiện đại, tích hợp đa giá trị. Ví dụ, sản phẩm muối Taepyeong đưa nghệ nhân muối địa phương vào chuỗi giá trị nông sản, góp phần duy trì phương thức sản xuất lâu đời. Một điển hình khác là nhân sâm Hàn Quốc, vốn là thứ thuốc bổ truyền thống, quý hiếm. Nhờ tiếp cận từ nhu cầu thị trường, các nhà khoa học và doanh nghiệp nước bạn đã tạo ra nhiều dòng sản phẩm nhân sâm dạng túi, dạng bột, dạng viên nang, kẹo sâm… và tổ chức tour tham quan cơ sở trồng trọt, chế biến nhân sâm. Đây là những sáng kiến đổi mới nông thôn mà đối tượng hưởng lợi chính là người nông dân.
Trao đổi với lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Đại sứ Hàn Quốc đồng ý rằng hợp tác phát triển nông nghiệp bền vững, lấy nông dân làm chủ thể là trụ cột trong mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Ông cho biết, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc rất quan tâm đến buổi làm việc này. Đại sứ Choi Youngsam ghi nhận 6 đề xuất của Việt Nam, đánh giá cao tinh thần chủ động của Bộ.
Ông Choi Youngsam nói: “Sự trao đổi xuyên suốt từ các cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PTNT, kết hợp với kinh nghiệm ứng dụng công nghệ cao của Hàn Quốc, sẽ đảm bảo sự chuyển đổi bền vững của toàn ngành. Đặc biệt, chúng tôi coi đây là tiền đề để tăng cường xúc tiến thương mại nông, lâm, thủy sản trong năm 2024”.
Những năm gần đây, Việt Nam đã đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Hàn Quốc nhờ tận dụng lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA). Năm 2023, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả lớn thứ 3 của Việt Nam; năm 2024 được kỳ vọng tạo ra bước đột phá xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Hàn Quốc. Các sản phẩm trái cây nhiệt đới của Việt Nam vẫn còn dư địa rất lớn tại thị trường Hàn Quốc.
Nhằm xúc tiến thương mại nông sản, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) Huỳnh Tấn Đạt đề nghị Hàn Quốc phối hợp, sớm hoàn thiện, công bố điều kiện nhập khẩu đối với quả bưởi của Việt Nam. Cục Bảo vệ thực vật cũng đã gửi hồ sơ quả nhãn, vải, chôm chôm và chanh leo tới cơ quan chuyên trách phía bạn. Thời gian tới, để đẩy mạnh thương mại rau quả, ông Đạt đề nghị Hàn Quốc phối hợp chuẩn hóa quy trình kiểm dịch thực vật, tổ chức kết nối doanh nghiệp hai nước, trao đổi kinh nghiệm kỹ thuật nhằm tăng cường khả năng xuất khẩu.
Đại sứ Choi Youngsam đồng ý về khả năng kết nối doanh nghiệp song phương và đề xuất Bộ NN-PTNT phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề về đổi mới trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cam kết sẽ chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ NN-PTNT triển khai hiệu quả chương trình, dự án hợp tác với Hàn Quốc để nâng cao năng lực cho các tác nhân liên quan, góp phần phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.