| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam cần khoảng 6 triệu con giống cá nước lạnh mỗi năm

Thứ Bảy 22/10/2022 , 11:17 (GMT+7)

Hiện nhu cầu nuôi cá nước lạnh rất lớn trong khi các cơ sở sản xuất con giống của nước ta còn nhiều hạn chế về quy mô cũng như đầu tư.

Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ sản xuất các giống cá nước lạnh. Ảnh: PH.

Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ sản xuất các giống cá nước lạnh. Ảnh: PH.

Chia sẻ về vấn đề sản xuất con giống trong việc phát triển nuôi cá nước lạnh tại Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thủy sản nước lạnh (Viện Nghiên cứu Thủy sản 1), Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá nước lạnh Việt Nam, nhận định, hiện Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ sản xuất các giống cá nước lạnh. Tuy nhiên, năng lực sản xuất con giống mới chỉ đáp ứng được khoảng 20 - 30% nhu cầu của thị trường nên vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn giống nhập khẩu.

Lí giải cho vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hải cho rằng, do thời gian tiếp cận và làm quen với đối tượng cá nước lạnh của Việt Nam còn mới và chưa đủ thời gian hoàn thiện quy trình công nghệ, năng lực sản xuất, cơ sở hạ tầng, đầu tư khoa học… Bên cạnh đó, hiện nay nhu cầu nuôi cá nước lạnh là rất lớn trong khi các cơ sở sản xuất con giống còn nhiều hạn chế về quy mô cũng như đầu tư.

Trong khi nhu cầu tiêu thụ cá nước lạnh trên toàn quốc hiện nay là rất lớn, mỗi năm, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu hàng chục nghìn tấn cá hồi và cá tầm do năng lực sản xuất mới chỉ đáp ứng được khoảng 15 - 20% nhu cầu.

“Để có thể đáp ứng được nhu cầu vô cùng lớn đó, đến năm 2030, sản xuất giống cần phải tăng từ 2 - 3 lần so với hiện tại. Hiện nay, mỗi năm Việt Nam có thể sản xuất được 2 triệu con giống cá hồi và cá tầm, đến năm 2030 cần tăng đến 5 - 6 triệu con giống”, ông Hải phân tích, dự báo.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá nước lạnh Việt Nam cho rằng, chỉ có các doanh nghiệp mới có thể hướng đến việc sản xuất lớn trong khi để các doanh nghiệp chú trọng đầu tư, Nhà nước cần có sự quan tâm hơn về chính sách, tài chính thông qua các dự án, chương trình cho vay ưu đãi, tập huấn chuyển giao công nghệ… để các doanh nghiệp yên tâm hoạt động.

Đặc biệt, đối với sản xuất con giống, các doanh nghiệp cần đầu tư cơ sở hạ tầng, tiếp nhận các công nghệ nghiên cứu của các đơn vị… từ đó mới có đủ năng lực để sản xuất đủ lượng giống cung cấp cho thị trường.

Việt Nam cần phải đầu tư mạnh mẽ, quyết liệt để thúc đẩy yếu tố khoa học công nghệ, công nghệ sản xuất giống, công nghệ nuôi cá nước lạnh. Ảnh: PH.

Việt Nam cần phải đầu tư mạnh mẽ, quyết liệt để thúc đẩy yếu tố khoa học công nghệ, công nghệ sản xuất giống, công nghệ nuôi cá nước lạnh. Ảnh: PH.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đều có những kế hoạch dài hạn nên Nhà nước có thể hỗ trợ về mặt quản lý chất lượng cá thương phẩm trên thị trường; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về xuất nhập khẩu; hỗ trợ các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận thị trường; hỗ trợ quảng bá, truyền thông xúc tiến thương mại. Ngoài ra, nhu cầu về nguồn vốn đầu tư nuôi cá nước lạnh là rất lớn, Nhà nước có thể hỗ trợ cho vay với mức lãi suất ưu đãi.

Phân tích về kinh nghiệm phát triển nuôi cá nước lạnh của nước bạn Trung Quốc, ông Nguyễn Thanh Hải cho biết, hiện nay, sản lượng cá nước lạnh của Trung Quốc hàng năm đang đứng đầu thế giới. Lí do Trung Quốc thành công là do họ đầu tư nghiêm túc, bài bản cho khoa học công nghệ. Hệ thống khuyến nông cũng như truyền thông được triển khai thực hiện tốt, mang lại hiệu quả.

Từ bài học kinh nghiệm của Trung Quốc, đại diện Hiệp hội Cá nước lạnh Việt Nam cho rằng, không còn cách nào khác, Việt Nam cần phải đầu tư mạnh mẽ, quyết liệt để thúc đẩy yếu tố khoa học công nghệ, công nghệ sản xuất giống, công nghệ nuôi, thúc đẩy thị trường trong nghiên cứu, phát triển cá nước lạnh.

“Các địa phương có tiềm năng lớn cần thực hiện theo quy hoạch phát triển ngành hàng cá nước lạnh để người dân cũng như doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất. Các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương cần có biện pháp, chế tài không để xảy ra tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh”, ông Nguyễn Thanh Hải nêu kiến nghị.

Với những kết quả đã đạt được, Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu trong chiến lược ngành thủy sản là đến năm 2030, sản lượng cá nước lạnh nuôi đáp ứng được 100% nhu cầu tiêu dùng trong nước và một số sản phẩm cá nước lạnh được xuất khẩu. Sản phẩm trứng cá nước lạnh đạt từ 5 - 1 tấn/năm, giá trị sản phẩm xuất khẩu đạt khoảng 20 - 25 triệu USD.

Xem thêm
Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.