Trước khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường châu Âu (EU) bị áp thuế 45%. Một số nước trong khối thậm chí áp mức thuế nhập khẩu với gạo Việt Nam lên tới 100% hoặc cao hơn.
Khi EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, EU dành cho Việt Nam ưu đãi thuế suất 0% với hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm. Bao gồm: 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm sau 5 năm.
Theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), những ưu đãi từ EVFTA giúp Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 100.000 tấn gạo tấm vào EU hàng năm.
Trong năm 2021, các doanh nghiệp Việt Nam đang từng bước tận dụng những ưu đãi từ Hiệp định khi xuất khẩu gạo sang EU 11 tháng đạt khoảng 54 nghìn tấn, tương đương 38 triệu USD, tăng 0,8% về lượng nhưng tăng tới 21,6% về trị giá xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2020.
Giống thị trường Mỹ, Nhật Bản và một số thị trường cao cấp khác, người tiêu dùng EU ưa chuộng các giống gạo chất lượng cao như: gạo thơm, gạo hạt dài, gạo đặc sản.
Phân tích cụ thể, gạo Việt Nam được xuất chủ yếu sang các nước: Đức (đạt 10 triệu USD), Hà Lan (đạt 6 triệu USD), Italy (đạt 6 triệu USD) và Ba Lan (đạt 4 triệu USD).
Gạo tuy không phải là thực phẩm chính tại EU, song thị trường này vẫn có nhu cầu nhất định với một số sản phẩm, đặc biệt là các loại gạo dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. Thời gian tới, xu thế sử dụng gạo tại EU gia tăng do sự phổ biến của thức ăn châu Á tại đây.
Một lý do nữa khiến Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu sang EU là bởi các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Trung Quốc chưa có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU như chúng ta.
Tuy nhập khẩu gạo của EU từ Việt Nam có xu hướng tăng, thị phần gạo của Việt Nam tại EU còn thấp, chỉ chiếm 1,3% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong 11 tháng năm 2021.
Ngoài gạo, 6 mặt hàng nông sản khác của Việt Nam cũng hưởng lợi từ EVFTA. Theo Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính của Việt Nam (bao gồm cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu, gạo và chè) sang thị trường EU trong 11 tháng năm 2021 đạt khoảng 2,2 tỷ USD và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Với kết quả này, EU tiếp tục là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất nước ta, chiếm 13,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính.
Về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, tỷ trọng các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU là: cà phê (chiếm 42,2% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính sang EU), hạt điều (chiếm 33%), cao su (chiếm 7,9%), rau quả (chiếm 7,8%), hạt tiêu (chiếm 7,4%), gạo (chiếm 1,7%) và chè (chiếm 0,1%).
Về thị trường xuất khẩu sang các nước thành viên EU, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu nông sản sang các thị trường chủ lực của Việt Nam tại khu vực EU đều tăng trưởng tích cực hoặc chỉ giảm nhẹ.
Cụ thể: Đức (chiếm 28,8% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính của Việt Nam sang EU, đạt 641 triệu USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2020), Hà Lan (chiếm 22,5%, đạt 500 triệu USD, tăng 1,9%), Italy (chiếm 12,8%, đạt 285 triệu USD, tăng 3,2%), Tây Ban Nha (chiếm 9%, đạt 202 triệu USD, giảm nhẹ 0,6%), Pháp (chiếm 6,4%, đạt 142 triệu USD, tăng 25,2%),...
Bên cạnh đó, một số thị trường có kim ngạch xuất khẩu nhỏ nhưng đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ, cho thấy tiềm năng xuất khẩu: Phần Lan (tăng 198%), Hungary (tăng 86,9%), Cộng hoà Séc (tăng 49,2%),...
Hai nông sản chủ lực của Việt Nam xuất EU là cà phê và hạt điều. Với cà phê, nhờ 93% dòng thuế về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, cà phê đạt trị giá xuất khẩu đạt 939 triệu USD trong 11 tháng 2021, chiếm gần 34,8% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của nước ta.
Với hạt điều, các mặt hàng như điều nhân vẫn hưởng ưu đãi là 0% khi xuất sang EU, nhưng điều chế biến sâu vẫn chịu thuế từ 7 đến 12%. Xuất khẩu hạt điều sang EU trong 11 tháng 2021 đạt 122 nghìn tấn, tương đương 734 triệu USD, tăng 15,2% về lượng và tăng 6,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.