| Hotline: 0983.970.780

Nông sản Việt tự tin đi vào thị trường Nhật Bản

Chủ Nhật 02/01/2022 , 07:50 (GMT+7)

Hoa quả Việt Nam vào Nhật khó, nhưng không phải rất khó và hoàn toàn khả thi khi người sản xuất đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật của bạn.

Xoài Việt Nam bày bán trong siêu thị ở Nhật Bản. Ảnh: TL.

Xoài Việt Nam bày bán trong siêu thị ở Nhật Bản. Ảnh: TL.

Nhật Bản là quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp phát triển cao nhất trên thế giới với những sản phẩm chất lượng tốt nhất và mẫu mã đẹp nhất. Những mức giá cho những trái dưa, giỏ táo, thùng dâu… lên đến hàng trăm triệu đồng Việt Nam thì có lẽ không nước nào có những kỷ lục như vậy.

Điều này xuất phát bởi hai đặc tính quan trọng của người sản xuất và tiêu dùng Nhật Bản. Truyền thống sản xuất nông nghiệp có từ ngàn đời nay, cùng với niềm đam mê không giới hạn của các thế hệ gia đình nông dân Nhật Bản luôn tìm kiếm, cải tiến những sản phẩm nông nghiệp ngon và đẹp.

Mặt khác quan trọng hơn, người tiêu dùng Nhật Bản được xếp hạng sành ăn nhất thế giới, luôn đòi hỏi các mặt hàng sản phẩm không chỉ ngon, mà còn phải đáp ứng yêu cầu về mẫu mã và an toàn cho sức khỏe.

Do vậy, việc mặt hàng nông sản của Việt Nam lên được kệ hàng của người tiêu dùng Nhật Bản đồng nghĩa với việc mang lại cho chúng ta một cơ hội lớn tại thị trường hơn một trăm triệu dân với sức mua, sức tiêu thụ cao hàng đầu thế giới. Và hơn thế nữa, nông sản Việt Nam sau khi vào được thị trường Nhật Bản sẽ mang đến cho chúng ta một tâm thế “chẳng sợ ai nữa” khi uy tín được khẳng định và cơ hội sẽ mở ra cho những thị trường rộng lớn hơn nữa.

Lấy quả vải là một ví dụ. Năm 2020 khi quả vải Việt Nam lần đầu tiên được bán ở AEON, mặc dù số lượng không nhiều nhưng lập tức ta thấy quả vải Việt Nam đồng thời cũng đã cùng bay sang châu Âu, Úc, Singapore… Chưa kể tại thị trường trong nước, uy tín hàng chất lượng xuất Nhật thì bán trong nội địa bao nhiêu cũng hết.

Trong quá khứ đã từng có những lúc quả vải giá 500 đồng/kg bán tại vườn, nhiều hộ nông dân đã phải chặt vải, nhưng hiện nay tình hình đã đổi thay tạo chỗ đứng vững chắc cho quả vải. Đó chính là lý do các doanh nghiệp Việt Nam ước ao đưa hàng hóa của họ xâm nhập được vào thị trường Nhật Bản.

Người tiêu dùng Nhật sang chảnh thế, vậy hàng nông sản Việt Nam có cơ hội nào không? Tôi nghĩ hoàn toàn có khả năng.

Rất đơn giản là xuất phát từ nhu cầu và nguồn cung. Nông sản Việt Nam và Nhật Bản, ngoại trừ gạo, thịt bò, heo, gà thì rất ít hàng hóa bị “đụng hàng”. Bạn có nông sản ôn đới, hải sản nước lạnh thì Việt Nam chúng ta giàu có về nông sản nhiệt đới, hải sản biển ấm, thủy sản nước ngọt. Chúng ta không bị cạnh tranh.

Người Nhật thích xoài, bưởi, chuối, nhãn, thanh long, rau, củ, quả…, tôm, cá các loại. Thêm vào đó, hàng triệu người từ các nước trong khu vực châu Á đang sống và làm việc ở Nhật có nhu cầu sử dụng hàng nông sản, hải sản quen thuộc đến từ vùng khí hậu nhiệt đới.

Thanh long Việt Nam trên kệ hàng siêu thị ở Nhật Bản. Ảnh: TL.

Thanh long Việt Nam trên kệ hàng siêu thị ở Nhật Bản. Ảnh: TL.

Về xuất nhập khẩu nông sản, ngoài vấn đề thuế quan, thị trường Nhật Bản mở hoàn toàn cho nông sản Việt Nam thông qua hệ thống thuế quan FTA mà hai nước cùng tham gia như CPTPP, RCEP. Tuy nhiên, khó nhất là các yêu cầu kỹ thuật và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm rất cao cùng nhiều loại quy định mà chúng ta vẫn hay gọi là “hàng rào kỹ thuật”. Những tiêu chuẩn này không chỉ áp đặt lên hàng hóa nhập khẩu mà hàng hóa nông sản nội địa trong Nhật Bản cũng phải tuân thủ. Do vậy, tôi cho rằng cần gọi đúng tên của nó là hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Nhìn nhận đúng vấn đề thì chúng ta mới có hành động ứng xử đúng về việc phải hoàn thiện chất lượng nông sản của Việt Nam sao cho đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đó. Đó là sân chơi công bằng và bình đẳng. Nếu chúng ta không nhận thức đúng như vậy thì người nông dân sẽ cảm thấy mặc cảm, tự cho là bị đối xử không công bằng và không tự tin theo đuổi mục tiêu xuất khẩu.

Thế tại sao hàng Việt Nam lại khó vào Nhật? Hiện nay một số hàng hóa nông, thủy hải sản của Việt Nam đã xâm nhập được vào thị trường Nhật như một số loại tôm, cá, 4 loại quả là chuối, xoài, thanh long (ruột trắng và ruột đỏ), vải, sau quá trình đàm phán xử lý kỹ thuật các vấn đề về sâu, bệnh gây hại… Một số loại quả khác được nhập khẩu tư do không qua đàm phán như sầu riêng, một số loại rau mùi, rau thơm…

Xoài, vải, nhãn, bưởi, chuối… của Việt Nam thì không có nước nào có thể sánh được. Đồng bằng song Cửu Long màu mỡ là vựa lúa, vựa cá tôm ngon và rẻ vào loại bậc nhất trong các nước xuất khẩu thủy sản. Giá nhân công của Việt Nam còn tương đối rẻ, do vậy, giá thành sản xuất hàng hóa nông sản của Việt Nam còn tương đối thấp trong so sánh với các nước khác sản xuất cùng một loại hàng hóa.

Thông qua quá trình đàm phán các loại quả vừa qua có thể nhận thấy, hoa quả Việt Nam vào Nhật khó, nhưng không phải rất khó và hoàn toàn khả thi khi người sản xuất đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật của bạn. Để hướng tới mục tiêu đưa một mặt hàng nào đó vào Nhật, cần lưu ý những điểm sau:

Mẫu mã phải đều và đẹp. Việc này liên quan tới quy trình sản xuất và lựa chọn giống cũng như chăm sóc cây, quả… Nhật Bản duy trì nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến từ nghìn năm nay. Với bản chất ưu việt không tự mãn với những gì có sẵn, người nông dân Nhật Bản đã mày mò lai tạo ra nhiều loại giống khác nhau, tạo nên những mặt hàng nông sản chất lượng cao, nhưng không bao giờ thỏa mãn.

Hệ thống hợp tác xã (Hiệp hội - Association là một nét đặc trưng của nền sản xuất nông nghiệp Nhật Bản, khi các hộ nông dân cá thể nhỏ lẻ tập hợp trong một tổ chức lớn và điều hành như một tập đoàn lớn). Sản xuất nông nghiệp của Nhật lại được hỗ trợ mạnh mẽ của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học nông nghiệp để tạo ra những loại giống mới, tiên tiến về chất lượng, chủng loại và sức đề kháng cao với sâu bệnh.

Việc sử dụng hóa chất để chăm bón và diệt sâu bọ cũng cần tuân thủ các quy trình kỹ thuật của Nhật. Đây là hệ thống phức tạp do nhiều cơ quan của Nhật quy định. Do vậy, rất cần sự hỗ trợ tư vấn của các cơ quan nghiên cứu hệ thống pháp lý chuyên sâu.

Quy trình bảo quản và chế biến sau thu hoạch có vai trò quan trọng để bảo đảm chất lượng hàng hóa của ta giữ được chất lượng và mẫu mã đẹp từ thu hoạch, vận chuyển, lưu kho và trưng bày cho người mua.

Vải Việt Nam bán ở Nhật Bản là một câu chuyện thành công của đàm phán xuất khẩu hoa quả vào thị trường tiêu chuẩn cao này. Ảnh: TL.

Vải Việt Nam bán ở Nhật Bản là một câu chuyện thành công của đàm phán xuất khẩu hoa quả vào thị trường tiêu chuẩn cao này. Ảnh: TL.

Để đáp ứng đủ cả 3 tiêu chuẩn như trên, người sản xuất Việt Nam cần nghiên cứu sâu sắc những yêu cầu về kỹ thuật của hệ thống kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản. Các nhà phân phối trung gian cũng cần đầu tư hệ thống bảo quản và chế biến cho phù hợp với yêu cầu của người mua ở Nhật.

Và điều quan trọng là hệ thống các nhà phân phối có vai trò quan trọng để vận chuyển hàng hóa kịp thời tới người mua một cách nhanh chất, đúng địa điểm, phù hợp khẩu vị người mua. Việc tuân thủ toàn bộ các tiêu chuẩn theo các quy trình như trên phải được thực hiện nghiêm ngặt và luôn luôn phải hoàn thiện. Lòng tin của các cơ quan kiểm dịch và người tiêu dùng sẽ đánh mất nhanh chóng nếu chỉ một lô hàng nhỏ vi phạm dư thừa hóa chất cấm hoặc chưa diệt hết các loại sâu, bọ, vi trùng, nấm bệnh gây hại…

Hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật khó như vậy, nhưng chúng ta không nên bi quan. Cần phải nắm chắc yêu cầu kỹ thuật, thực hiện nghiêm ngặt như một trách nhiệm bắt buộc của nhà sản xuất đối với người tiêu dùng, chúng ta sẽ thành công.

Chìa khóa thành công nằm trong tay của nhà sản xuất. Không tự ti để thấy hàng hóa của chúng ta là ngon và chất lượng, từ đó mạnh dạn nghiên cứu thị trường, yêu cầu kỹ thuật của thị trường và thiết lập hệ thống phân phối hiệu quả. Chúng ta tự tin vào sản phẩm của ta nhưng không được tự mãn.

Việc nghiên cứu thị trường, sở thích của người tiêu dùng là việc cần làm thường xuyên và liên tục để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã cũng như tìm các loại giống mới để đa dạng sản phẩm. Khi lòng tin của người mua đã được thiết lập, người sản xuất sẽ yên tâm để mở rộng và hoàn thiện sản xuất. Đó là chìa khóa cho nông sản, thủy hải sản Việt Nam vững bước đi vào thị trường Nhật Bản.

(Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản)

Xem thêm
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.