| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam – Hà Lan chung tay phát triển ngành rau hoa quả bền vững

Thứ Năm 02/03/2023 , 20:39 (GMT+7)

Hà Lan đã và đang tiếp tục là đối tác của Việt Nam với những sản phẩm, giống, công nghệ hiện đại và cam kết thúc đẩy phát triển ngành rau hoa quả bền vững.

6

Công nghệ tưới tiêu, phân bón, vật tư trồng trọt rau quả được nhiều doanh nghiệp đem sang giới thiệu tại HortEx Vietnam 2023. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Những hạn chế của ngành rau quả Việt Nam

Chia sẻ tại hội thảo “Việt Nam – Hà Lan chung tay phát triển ngành hàng rau hoa quả bền vững” trong khuôn khổ Triển lãm và Hội thảo quốc tế lần thứ 5 chuyên ngành sản xuất và chế biến rau, hoa, quả tại Việt Nam - HortEx Vietnam 2023, ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ NN-PTNT cho biết: Tính đến năm 2021, diện tích cây ăn quả cả nước gần 1,2 triệu ha, trong đó tập trung một số loại cây nhiệt đới như chuối, xoài, bưởi, cam, sầu riêng, nhãn, mít, thanh long. Trong đó, miền Nam có điều kiện nhiệt độ ôn hòa, có khả năng trồng nhiều loại cây ăn quả có khả năng sản xuất quanh năm như sầu riêng, nhãn, xoài.

Việt Nam còn có lợi thế với các loại giống cây ăn quả phong phú, như giống chín sớm, chính vụ, chín muộn… giúp thuận lợi cho sản xuất và đặc biệt có rất nhiều giống đặc sản tiềm năng, các loại quả lạ vùng nhiệt đới mà các nước châu Âu, Bắc Mỹ cũng như những nước phát triển rất thích.

Về chế biến rau quả, theo ông Đức hiện nay tổng công suất các doanh nghiệp có thể chế biến là khoảng 12 triệu tấn sản phẩm/năm, tuy nhiên chúng ta mới chỉ chế biến sâu được trên 446.000 tấn, như vậy còn dư địa rất lớn để hợp tác giữa các doanh nghiệp của Hà Lan và Việt Nam trong việc đầu tư dây chuyền sản xuất vào chế biến sâu.

_G6A8887

Dalat Hasfarm là một trong những doanh nghiệp nhập các loại giống hoa của Hà Lan để về trồng tại Lâm Đồng và cung cấp hoa cho cả nước. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Một trong những hạn chế trong ngành rau quả của Việt Nam, theo ông Đức là sản xuất chưa theo chuỗi, giống hạn chế về chất lượng, mẫu mã; Thứ hai, là tỷ lệ hao hụt lớn, công nghệ bảo quản, tổ chức bảo quản còn hạn chế; thiếu cơ sở xử lý sau thu hoạch (chiếu xạ, xử lý hơi nước), chưa đáp ứng được thị trường xuất khẩu; Thứ ba là số lượng, chất lượng HTX còn hạn chế, an toàn thực phẩm, độ đồng đều sản phẩm chưa cao; Thứ tư là chế biến còn ở quy mô nhỏ hiện mới chỉ có 157 cơ sở chế biến, doanh nghiệp chưa có vùng nguyên liệu, công nghệ chế biến sâu, thương hiệu còn hạn chế; Thứ năm là liên kết sản xuất còn hạn chế, chi phí logistic còn cao.

“Sản lượng cây ăn quả cả nước bình quân khoảng 18 triệu tấn/năm nhưng chủ yếu phục vụ tiêu thụ nội địa cho gần 100 triệu dân, xuất khẩu còn rất hạn chế. Do đó, chúng tôi mong muốn hợp tác về khoa học công nghệ, chọn tạo giống, canh tác an toàn và quản trị để phát huy được tiềm năng của ngành hàng này”, ông Đức nói.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ NN-PTNT. Ảnh: H.L.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ NN-PTNT. Ảnh: H.L.

Thị trường EU là phép thử quan trọng để Việt Nam tiến ra toàn cầu

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ NN-PTNT cho biết, từ năm 2018 đến nay, tăng trưởng thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam - EU trên 10%.

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang EU năm 2022 khoảng gần 200 triệu USD (chiếm 5,5% trong tổng xuất khẩu rau quả của Việt Nam với khoảng 3,3 tỷ USD). Trong khi đó, nhập khẩu rau quả của EU khoảng gần 100 tỷ USD, nhưng Việt Nam mới chỉ xuất khẩu sang EU được dưới 1%, vẫn còn nhiều dư địa để Việt Nam khai thác.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, có hai vấn đề chính mà các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm. Thứ nhất, về chất lượng, thị trường EU là thị trường cao cấp đòi hỏi rất khắt khe về các tiêu chuẩn chất lượng, đặc biệt là dư lượng của các loại phân thuốc, về vấn đề môi trường, áp dụng phương thức canh tác bảo vệ môi trường bền vững, chống xâm lấn rừng. Trong tương lai, chắc chắn EU sẽ áp dụng những biện pháp để quy định các sản phẩm xuất khẩu sang EU phải giảm phát thải.

"Đây là những tiêu chuẩn rất cao, và thị trường EU là phép thử quan trọng để Việt Nam tiến ra toàn cầu. Chính vì vậy, những sự kiện như HortEx Vietnam 2023, không chỉ là câu chuyện về thương mại mà còn là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, cho nền nông nghiệp Việt Nam học hỏi được những kinh nghiệm, tri thức của những nước đi trước như EU. Trong đó, Hà Lan là một trong những quốc gia có Trung tâm Nhà vườn thế giới -  World Horti Center (WHC) - là trung tâm hiện đại, đổi mới sáng tạo về ngành nông nghiệp, đặc biệt trong ngành rau quả.

Chúng tôi rất muốn mong muốn thúc đẩy hợp tác, giao thương với Hà Lan nói riêng và EU nói chung, nhằm học hỏi, đưa những tiến bộ mới nhất, tốt nhất về mặt công nghệ, cải thiện năng suất, nâng cao chất lượng và giảm thiểu những tác động đến môi trường toàn cầu, qua đó “xây dựng một hệ thống lương thực, thực phẩm, một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm và bền vững đối với toàn cầu”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cho rằng, để khai thác hết dư địa của thị trường Hà Lan cũng như EU, thì các doanh nghiệp cần kết nối với nhau theo liên kết khối. “Câu chuyện ở đây không chỉ giữa các doanh nghiệp về rau quả, các đầu mối xuất khẩu, nhập khẩu mà kể cả các doanh nghiệp về logictis, hệ thống tài chính, kể cả hệ thống khoa học công nghệ tham gia cùng hợp tác "đi cùng nhau" sẽ giúp giảm được chi phí rất nhiều. Qua đó, để tạo ra hiệu quả mới trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam - EU cũng như giữa Việt Nam với Hà Lan và các nước trên toàn cầu”, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nói.

Ông Daniel Coenraad Stork, Tổng lãnh sự quán Vương quốc Hà Lan. Ảnh: H.L.

Ông Daniel Coenraad Stork, Tổng lãnh sự quán Vương quốc Hà Lan. Ảnh: H.L.

Hà Lan mong muốn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam

Ông Daniel Coenraad Stork, Tổng lãnh sự quán Vương quốc Hà Lan cho rằng, những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt hiện nay đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp tốt hơn, mạnh mẽ hơn để nông nghiệp phát triển bền vững, giảm dấu ấn nông nghiệp lên môi trường, sử dụng đất đai một cách hiệu quả hơn, giảm lãng phí thực phẩm, áp dụng tốt những thực hành về nông nghiệp.

“Hà Lan - Việt Nam cần thực hiện một cách thiết thực nhằm quản lý nước và tài nguyên thiên nhiên, từ đó hướng tới phát triển bền vững ngành nông nghiệp và có tham vọng lớn là những quốc gia có vai trò chính trong thị trường quốc tế”, ông Daniel Coenraad Stork nói.

Tổng lãnh sự quán Vương quốc Hà Lan cho rằng, tương lai của ngành nông nghiệp đòi hỏi phải đổi mới và áp dụng các phương pháp tiếp cận mới hơn nữa và sống thuận thiên. Do đó, cần tập trung giảm nguyên liệu thô, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên theo nguyên tắc tuần hoàn, thuận thiên.

“Để cân bằng nhu cầu sản xuất nhiều hơn khi dân số ngày càng tăng Hà Lan đã và đang tiếp tục là đối tác của Việt Nam với những sản phẩm, công nghệ tiên tiến, hiện đại. Và cam kết thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và rau hoa quả nói riêng, mong muốn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam”, Tổng lãnh sự quán Vương quốc Hà Lan Daniel Coenraad Stork khẳng định.

Tại HortEx Vietnam 2023, Hà Lan có 33 doanh nghiệp, đại diện cho tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng, từ đầu vào đến đến đầu ra, từ hạt giống đến những công nghệ bảo quản sau thu hoạch... tham gia trưng bày triển lãm, kết nối giao thương.

Xem thêm
Xuất khẩu dừa mang về cho Bến Tre hơn 350 triệu USD mỗi năm

Toàn tỉnh Bến Tre hiện có 133 mã số vùng trồng dừa với diện tích hơn 8.300 ha và 14 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu dừa tươi.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Chất lượng là yếu tố số 1 để nâng cao thương hiệu rau quả Việt Nam

‘Để nâng cao giá trị thương hiệu ngành rau quả Việt Nam, chất lượng là yếu tố số 1, sau đó mới đến giá cả', Phó Tổng Giám đốc Doveco Nguyễn Thanh Tùng cho hay.

Hà Nội sắp phê duyệt chủ trương cải tạo lại ba chung cư cũ

UBND TP. Hà Nội có văn bản kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP. Dương Đức Tuấn về việc thực hiện đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ ở Hà Nội.