Được mệnh danh là quốc gia không có đất (Netherland) nhưng với dân số 17,7 triệu người đang cung cấp thịt và rau củ cho phần lớn châu Âu. Đất nước nhỏ bé này chỉ có tổng diện tích 41.850 cây số vuông, trong đó đất nông nghiệp chỉ tương đương 2 lần diện tích của khu Manhattan của Mỹ.
Tuy nhiên bằng cách sản xuất rau củ trong nhà kính, ít sử dụng phân bón và nước hơn, nên nông dân Hà Lan có thể sản xuất chỉ trong một mẫu đã làm ra sản lượng lương thực tương đương với 10 mẫu đất canh tác truyền thống. Thống kê cho thấy, các trang trại ở Hà Lan chỉ sử dụng nửa gallon nước (1,8 lít) để tạo ra nửa kg cà chua, trong khi mức trung bình của thế giới là trên 28 gallon (106 lít).
Chỉ với già một nửa diện tích đất đai ở Hà Lan được sử dụng cho mục đích nông nghiệp, nên người dân Hà Lan thường lo lắng thiếu đói và giành sự tập trung vào sản xuất lương thực, nhất là sau nạn đói khủng khiếp mà đất nước đã trải qua trong Thế chiến II. Đến nay quốc gia nhỏ bé này đã sử dụng những tiến bộ khoa học tiên tiến nhất áp dụng trong nhiều lĩnh vực sản xuất như canh tác thẳng đứng, công nghệ hạt giống và người máy (robot) để trở thành một hình mẫu toàn cầu. Và mục tiêu của đất nước này là sản xuất ra gấp đôi sản lượng lương thực chỉ bằng cách sử dụng một nửa tài nguyên.
Theo đó, quốc gia có diện tích chỉ nhỉnh hơn bang Maryland một chút này không chỉ đạt được kỳ tích trên, mà còn trở thành nhà xuất khẩu nông sản lớn thứ hai thế giới tính theo giá trị, sau Mỹ.
Giới chuyên gia đánh giá, có lẽ điều thậm chí còn quan trọng hơn khi đối mặt với một hành tinh đang nóng lên: Đây là một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất về công nghệ nông nghiệp và thực phẩm. Người Hà Lan đã đi tiên phong trong lĩnh vực thịt nuôi cấy tế bào, canh tác thẳng đứng, công nghệ hạt giống và robot trong vắt sữa và thu hoạch nông sản, giúp họ dẫn đầu những đổi mới tập trung vào việc giảm sử dụng nước cũng như giảm lượng khí thải carbon và mê-tan.
Và vị trí trung tâm của họ trong việc khai thác lương thực toàn cầu là không thể chối cãi: 15 trong số 20 doanh nghiệp nông sản lớn nhất, bao gồm Nestlé, Coca-Cola, Unilever, Cargill và Kraft Heinz... đang sở hữu các trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn ở Hà Lan.
Riêng tập đoàn chăn nuôi hàng đầu Vion Food có 12 nhà máy sản xuất thức ăn cho lợn. Bốn trong số này ở Hà Lan và tám ở Đức. Hàng năm công ty này giết mổ 15 triệu con lợn và gần 1 triệu con bò- chiếm hơn một nửa tổng số lợn của Hà Lan và gần 40% tổng đàn lợn của Đức.
Boxtel, một thị trấn ở miền nam Hà Lan, là nơi có cơ sở giết mổ lợn lớn nhất của Vion Food, xuất xưởng 20.000 con lợn mỗi ngày. Doanh nghiệp này sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện và đánh dấu bằng gắn cờ các dấu hiệu ngược đãi động vật và giảm thiểu căng thẳng cho vật nuôi.
Lợn chuẩn bị giết mổ được nuôi 175 ngày tuổi và nặng khoảng 265 pound (120 kg). Khi xuất chuồng đem đi các lò mổ, chúng đều được các bác sĩ thú y sẽ kiểm tra tình trạng sức khỏe, trước khi được đưa đến khu vực gây mê an thần bằng khí carbon monoxide.
Các mẫu máu cũng được lấy để xác minh sức khỏe của động vật trước khi con lợn được nhúng vào nước nóng để loại bỏ lông, phần còn lại được đốt cháy ở nhiệt độ cao (đồng thời giết chết vi khuẩn). Thân lợn sẽ được xẻ làm đôi theo chiều dọc và sau đó được làm lạnh từ 98,6 độ F (trên 37 độ C) xuống 44 độ F (6,6 độ C) và đưa đi chế biến thành các sản phẩm khác nhau.
Con số thống kê cho thấy, Hà Lan là nước xuất khẩu thịt lớn nhất ở Liên minh Châu Âu. Vào năm 2020, nước này đã xuất khẩu thịt lợn, thịt bò và gia cầm đạt trị giá 8,8 tỷ euro (tương đương 9 tỷ USD), chủ yếu sang Đức (thịt bò và thịt bê), Anh (thịt gia cầm) và Trung Quốc (chủ yếu là thịt lợn).
Với diện tích đất hạn chế và khí hậu mưa nhiều, người Hà Lan đã trở thành bậc thầy về hiệu quả. Tuy nhiên hiện họ cũng phải đối mặt với những thách thức phát sinh gồm: Ngành công nghiệp nhà kính phát triển mạnh một phần nhờ năng lượng rẻ, nhưng Tây Âu đang phải đối mặt với giá khí đốt tăng cao. Và các hoạt động nông nghiệp chăn nuôi thâm canh của đất nước cũng đang gặp rủi ro. Bằng chứng là vào mùa hè này, một liên minh chính phủ bảo thủ đã cam kết cắt giảm một nửa lượng khí thải nitơ vào năm 2030, điều sẽ đòi hỏi phải giảm đáng kể số lượng động vật được nuôi trong nước, khiến nhiều nông dân và chủ trang trại phản đối, và vấn đề vẫn đang bị bế tắc chưa biết sẽ giải quyết như thế nào.