| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam là quốc gia thứ 3 trên thế giới phê chuẩn Hiệp định VPA/FLEGT với EU

Thứ Tư 08/05/2019 , 14:19 (GMT+7)

Phát biểu tại buổi họp báo công bố thông tin bề Hiệp định đối tác tự nguyện về FLEGT giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) sáng 8/5, ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Hà Nội cho biết, Việt Nam là quốc gia thứ 2 ở châu Á, thứ 3 trên thế giới phê chuẩn Hiệp định VPA/FLEGT với EU.

Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn và ngài Bruno Angelet họp báo công bố thông tin bề Hiệp định đối tác tự nguyện về FLEGT giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu

Theo ông Bruno Angelet, Indonesia là quốc gia đầu tiên ký Hiệp định VPA/FLEGT với EU năm 2016 và Ghana là quốc gia thứ 2. Hiện tại, xuất khẩu gỗ của Indonesia vào EU từ 2017 - 2019 tăng trưởng rất mạnh và ổn định.

Tuy nhiên, theo ông Bruno Angelet, khác với Indonesia chỉ sản xuất gỗ bằng nguồn nguyên liệu trong nước, Việt Nam hiện đang là nhà nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ 40 quốc gia khác nên thuận lợi và triển vọng hơn rất nhiều so với Indonesia.

Bên cạnh đó, giữa Việt Nam và EU cũng đã ký hiệp định thương mại song phương về kinh tế, trong khi Indonesia thì chưa nên đây cũng là lợi thế rất lớn của Việt Nam trong việc xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ hợp pháp vào thị trường EU.

Ông Bruno Angelet nhấn mạnh, vượt qua chặng đường dài, có những lúc khó khăn tưởng chừng phải dừng lại, nhưng đến thời điểm này VPA/FLEGT đã được cả phía Nghị viên châu Âu và Chính phủ Việt Nam thông qua là dấu son quan trọng trong quá trình hợp tác và tin tưởng lẫn nhau giữa phía EU và Việt Nam. Hơn nữa, VPA/FLEGT cũng là một phần rất quan trọng không thể tách rời trong Hiệp định thương mại tự do EVFTA giữa Việt Nam và EU.

Báo cáo tóm tắt quá trình đàm phán, phê chuẩn Hiệp định, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị cho biết, tháng 10/2010, Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đã khởi động tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi Luật  lâm nghiệp, quản trị Rừng và thương mại Lâm sản.

Ngày 19/10/2018 tại Brusels, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường và Chủ tịch Hội đồng Liên minh Châu Âu, Sebastian Kurz cùng Đại diện cấp cao của Liên minh về Đối ngoại và Chính sách an ninh bà Federica Mogherini đã ký Hiệp định VPA/FLEGT.

Hiệp định VPA/FLEGT được thực thi là dấu mốc khởi đầu việc Việt Nam và EU cùng cam kết hợp tác để giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, Hiệp định VPA/FLEGT được thực thi là dấu mốc khởi đầu việc Việt Nam và EU cùng cam kết hợp tác để giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp.

Để thực hiện Hiệp định, Việt Nam sẽ xây dựng và vận hành Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) nhằm đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam có nguồn gốc hợp pháp, bao gồm việc xác minh một cách hệ thống để đảm bảo các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu gỗ được khai thác và mua bán hợp pháp phù hợp với pháp luật của quốc gia khai thác.

Ngày 15/4/2019, Hội đồng Châu Âu đã gửi công hàm cho Phái đoàn Việt Nam tại Brusels, thông báo kết thúc quá trình phê chuẩn Hiệp định VPA/FLEGT với Việt Nam sau khi Nghị viện Châu Âu chính thức bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định vào ngày 12/3/2019. Ngày 23/4/2019, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP phê duyệt Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU. Như vậy, Hiệp định VPA/FLEGT sẽ có hiệu lực vào ngày 1/6/2019.

Trong lúc chờ đợi sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam bắt đầu cấp phép FLEGT, gỗ và sản phẩm gỗ được nhập khẩu từ Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục phải thực hiện trách nhiệm giải trình về truy xuất nguồn gốc theo quy định của Quy chế gỗ của EU nhằm đảm bảo loại trừ rủi ro nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ bất hợp pháp vào thị trường EU.

Các cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT cùng với quy định tại Luật Lâm nghiệp năm 2017, cùng  4 Nghị định và 7 Thông tư hướng dẫn, trong đó có hai Thông tư hỗ trợ việc thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT là Thông tư 27 về quản lý, truy suất nguồn gốc lâm sản và Thông tư 28 về quản lý rừng bền vững đã tạo ra hành lang pháp lý cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, sử dụng nguyên liệu hợp pháp. 

"Tuy nhiên, để thực hiện Hiệp định, Việt Nam tiếp tục  hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật hài hòa hóa các cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT, bao gồm việc xây dựng Nghị định quy định Hệ thống VNTLAS. Theo kế hoạch, Nghị định này sẽ được trình Chính phủ ban hành vào cuối năm 2019", Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho hay.

Một đánh giá chung sẽ được thực hiện trước khi cơ chế cấp phép FLEGT của Hệ thống VNTLAS chính thức hoạt động để xác định các cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT sẵn sàng vận hành theo quy định của Hiệp định.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, các bên cũng nhất trí thành lập một Ủy ban thực thi chung Việt Nam - EU (JIC) để giám sát và đánh giá việc thực thi đầy đủ các cam kết của Hiệp định, một quá trình có thể sẽ kéo dài trong vài năm.

Hiệp định được triển khai đầy đủ khi cơ chế cấp phép FLEGT bắt đầu hoạt động. Khi đó, mỗi lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ đi kèm với giấy phép FLEGT. Cơ chế cấp phép FLEGT sẽ đảm bảo việc đáp ứng các yêu cầu của Quy chế gỗ của EU, một quy chế được xây dựng nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu gỗ bất hợp pháp vào thị trường EU.

EU là một trong 5 thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ lớn nhất của Việt Nam

Đại diện phía EU đánh giá, việc thực hiện cam kết FLEGT bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường từ việc quản lý rừng tốt hơn tại Việt Nam, cơ chế cấp phép FLEGT sẽ góp phần tăng uy tín ngành chế biến gỗ Việt Nam không chỉ tại thị trường EU mà còn tại các thị trường xuất khẩu khác, các thị trường đang ngày càng có nhu cầu cao về gỗ hợp pháp.

Gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản là ngành hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam và liên tục tăng trưởng cao trong thập kỷ qua. Kim ngạch xuất khẩu tăng từ 3,4 tỷ USD năm 2010 lên trên 9,3 tỷ USD vào năm 2018, đứng thứ hai châu Á và thứ 5 thế giới. Liên minh Châu Âu (EU) là một trong năm thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất