Bỗng dưng bị kiện ngược
Căn cứ vào hồ sơ của vụ án và đơn kêu cứu của Công ty Xây dựng Hoàng Thắng (Cty Hoàng Thắng) gửi báo NNVN cho thấy: Cty Hoàng Thắng có nhu cầu phát triển sản xuất nên đã vay tiền của Vietcombank Thái Bình. Để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ, Công ty Hoàng Thắng đã sử dụng 6 GCNQSDĐ của ông Phạm Đình Thắng và bà Bùi Thị Sen (vợ ông Thắng) để thế chấp.
Đơn kêu cứu của Cty Hoàng Thắng |
Đến năm 2011, các khoản nợ đối với ngân hàng đã được tất toán, nhưng 6 GCNQSDĐ trên, ngân hàng vẫn cầm giữ. Sau thời điểm này, Cty Hoàng Thắng tiếp tục kí với Vietcombank Thái Bình nhiều hợp đồng tín dụng thế chấp tài sản hoặc hợp đồng thế chấp tài sản gắn liền với đất, chứ không còn hình thức thế chấp QSDĐ như trước nữa.
Để bảo đảm hoạt động lâu dài, ổn định, tạo niềm tin cho ngân hàng, Cty Hoàng Thắng đã kí Hợp đồng thuê 6 thửa đất mang tên ông Thắng và bà Sen đã được Văn phòng Công chứng số 1 Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình xác lập.
Từ năm 2011 đến 2014, Cty Hoàng Thắng thực hiện đúng cam kết của mình trả tiền gốc và lãi cho ngân hàng đúng hạn. Tuy nhiên, do nhu cầu sản xuất, Cty Hoàng Thắng đã nhiều lần đề nghị ngân hàng tăng hạn mức vay nhưng không được chấp nhận, buộc DN này phải liên hệ với các ngân hàng thương mại khác để tăng vốn sản xuất kinh doanh.
Mặc dù Cty Hoàng Thắng luôn trả gốc và lãi cho Vietcombank Thái Bình đúng hạn, thế nhưng trên cổng thông tin của ngân hàng này lại quy kết cho Cty Hoàng Thắng thuộc đối tượng khách hàng nợ xấu, nên các ngân hàng thương mại khác đều khước từ cho vay.
Trước sự việc này, Cty Hoàng Thắng nghi ngờ mới soát xét lại tình trạng khi kí Hợp đồng tín dụng số 021/050/14/0000176/VCT-TP ngày 30/6/2014, vì sao ngân hàng lại yêu cầu ông Thắng, bà Sen cùng tới để kí nhận vào nhiều văn bản, trong khi Hợp đồng cấp hạn mức tín dụng chỉ có Giám đốc Cty Hoàng Thắng kí?
Thì ra Vietcombank Thái Bình đã thực hiện “chiêu” với Cty Hoàng Thắng để hợp pháp hóa các thủ tục thế chấp tài sản vay chưa hoàn thiện theo quy định trước đây, chứ không phải như lời hứa của ngân hàng là nâng hạn mức vay cho Cty.
Cho rằng Vietcombank Thái Bình có dấu hiệu gian dối, ngày 30/4/2015, Cty Hoàng Thắng đã khởi kiện Vietcombank Thái Bình ra TAND TP Thái Bình đề nghị hủy 6 Hợp đồng đã kí và tuyên vô hiệu do bị lừa dối.
Ngày 3/8/2015, TAND TP Thái Bình đã nhận đơn khởi kiện và ra Quyết định thụ lí số 09/2015/TLST-KDTM và Cty Hoàng Thắng đã thực hiện tạm ứng án phí 2 triệu đồng theo luật định.
Sau hơn 1 tháng, biết Cty Hoàng Thắng khởi kiện, Vietcombank Thái Bình cũng có đơn khởi kiện DN này ra tòa và cũng được Tòa chấp nhận và ra Quyết định thụ lí số 01/2016/TLST-KDTM, ngày 4/1/2016.
Bỗng dưng ngày 19/5/2016, Cty Hoàng Thắng lại nhận được Quyết định 01/2016/QĐ-NVA của TAND TP Thái Bình nhập vụ án khởi kiện của Cty trước đây với vụ án đòi nợ của Vietcombank Thái Bình; biến Cty từ nguyên đơn trở thành bị đơn trong nhập vụ án này (!?)
Cty Hoàng Thắng đã có đơn khiếu nại nhưng không được TAND TP Thái Bình giải quyết theo luật định, mà ngày 20/11/2018, đưa vụ án ra xét xử.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 20/11/2018, Cty Hoàng Thắng và luật sư bảo vệ quyền lợi cho Cty đã yêu cầu HĐXX tạm dừng phiên tòa để xác định rõ tư cách tham gia tố tụng của vụ án và tính xác thực của các tài liệu chứng cứ theo quy định của pháp luật, nhưng không được Thẩm phán Nguyễn Hồng Thái - Chủ tọa phiên tòa chấp nhận.
Xét thấy quyền lợi không được bảo đảm theo luật định, Cty Hoàng Thắng đã không tham dự phiên tòa. Tuy nhiên, Thẩm phán Nguyễn Hồng Thái vẫn ban hành Bản án số 08/2018/KDTM-ST.
Những dấu hiệu vi phạm tố tụng nghiêm trọng
Việc TAND TP Thái Bình ban hành Quyết định 01/2016/QĐ-NVA, ngày 19/5/2016, nhập vụ án, biến Cty Hoàng Thắng với tư cách là nguyên đơn trở thành bị đơn đã bộc lộ những khuất tất của lãnh đạo Tòa và Thẩm phán, có dấu hiệu vi phạm Điều 42 Bộ luật TTDS năm 2015.
Vietcombank Thái Bình bị DN tố lừa đảo |
Theo đó, Tòa án có quyền nhập 2 hay nhiều vụ án làm 1 để giải quyết nhưng việc nhập vụ án chỉ thực hiện trong các trường hợp có nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau cần giải quyết và việc nhập các quan hệ pháp luật để giải quyết trong cùng một vụ án vẫn đảm bảo đúng pháp luật.
Đối với vụ án có nhiều người cùng yêu cầu khởi kiện đối với 1 cá nhân hoặc cùng cơ quan, tổ chức thì Tòa có thể nhập các yêu cầu của họ để giải quyết trong cùng một vụ án.
Thất thoát hàng nghìn tỷ ở Vietcombank Tây Đô Ngày 20/2, TAND TP Cần Thơ tổ chức xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" gây thất thoát hơn 1.800 tỷ đồng xảy ra tại Vietcombank Tây Đô - Cần Thơ. Các bị cáo là giám đốc và cán bộ chi nhánh này ký và thực hiện 56 hợp đồng tín dụng cho 41 doanh nghiệp thuộc 6 nhóm khách hàng gồm: Nam Sông Hậu, Du lịch Đại Dương, Cơ khí Tây Đô, An Đô, Thép Đông Dương và Trường Nguyên. Hành vị này gây thiệt hại cho DN hơn 1.800 tỷ đồng. |
Trở lại vụ án này, Cty Hoàng Thắng là người khởi kiện trước và đã được Tòa án thụ lí, sau đó Vietcombank Thái Bình mới khởi kiện. Nếu Tòa thấy nhập vụ án để cùng giải quyết thì phải xác định Vietcombank Thái Bình là bị đơn và có yêu cầu phản tố. Nguyên đơn phải được xác định là Cty Hoàng Thắng mới phù hợp quy định pháp luật.
Điều 6 Bộ luật TTDS năm 2015 quy định, nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện; bị đơn là người bị nguyên đơn khởi kiện và do các đương sự tự quyết định chứ không phải Tòa án. Đáng quan tâm hơn, tài liệu chứng cứ có trong vụ án là yếu tố căn bản để xác lập tính chính xác và là cơ sở pháp lí để giải quyết theo luật định.
Tuy nhiên, trong vụ án này, Cty Hoàng Thắng cam kết Hợp đồng thế chấp QSDĐ số 11. 0662/VCK-TB, ngày 9/12/2011 là gian dối, giả mạo, được tạo ra bởi sự câu kết của công chứng viên với nhân viên Vietcombanhk Thái Bình, nhưng không được Tòa trưng cầu giám định theo luật định.
Ngoài ra, theo đại diện của Cty Hoàng Thắng, Thẩm phán xét xử vụ án có dấu hiệu vi phạm Khoản 9, Điều 70 Bộ luật TTDS năm 2015, về nghĩa vụ của các đương sự về chuyển giao tài liệu chứng cứ; vi phạm về định giá tài sản, vi phạm áp đặt Cty Hoàng Thắng là bị đơn nhưng Tòa lại không ra Quyết định đình chỉ vụ án đã thụ lí đối với Cty Hoàng Thắng là nguyên đơn và trả lại tiền tạm ứng án phí.
Như vậy, trong vụ án có tới hai nguyên đơn và 1 bị đơn, liệu đây có phải là dấu hiệu vi phạm pháp luật của lãnh đạo và Thẩm phán TAND TP Thái Bình?
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, ngày 12/12/2018, Công ty Hoàng Thắng đã có đơn kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm số 08/2018/KDTM-ST, ngày 20/112018 của TAND TP Thái Bình. Đồng thời, ông Thắng và bà Sen cũng đã có đơn tố cáo lãnh đạo và Thẩm phán Nguyễn Hồng Thái TAND TP TP Thái Bình tới các cơ quan chức năng để xử lí theo quy định của pháp luật.