| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân đóng tàu 67 bị Vietcombank Quy Nhơn 'cột' sổ đỏ

Thứ Năm 01/06/2017 , 14:30 (GMT+7)

Trong Nghị định 67 của Chính phủ, không có điều khoản nào quy định khi ngư dân vay tiền để đóng tàu vỏ thép phải thế chấp sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Ấy vây...

Ấy vậy nhưng, để được giải ngân tiền vay đóng tàu vỏ thép, sổ đỏ nhà ở của 2 ngư dân Trần Văn Hạo và Trương Hoài Khánh đã bị “cột” ở ngân hàng…

Ngư dân Trần Văn Hạo (46 tuổi) ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, chủ tàu cá vỏ thép được đóng theo Nghị định 67 mang số hiệu BĐ 99029 TS (940 CV), cho biết: “Cuối năm 2015, tui làm thủ tục vay của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Quy Nhơn (Vietcombank Quy Nhơn) số tiền 17,7 tỷ đồng để đóng mới tàu cá vỏ thép, chiếc tàu mang số hiệu BĐ 99029 TS.

13-38-41_1
Ngư dân Trần Văn Hạo bức xúc trình bày vụ việc với PV NNVN.

Theo quy định của Nghị định 67, ngư dân vay vốn đóng tàu phải góp vốn đối ứng 5% tổng giá trị con tàu. Thế nhưng thực tế tui phải góp vốn đối ứng bằng tiền mặt, đóng 1 lần với số tiền là 1,026 tỷ đồng, tương đương với 6%. Về khoản phải đóng tăng hơn 1% vốn đối ứng so với những ngư dân khác, tui bức xúc mà không biết giãi bày với ai”.

Cùng thời điểm, ngư dân Trương Hoài Khánh cùng ở phường Đống Đa cũng làm thủ tục vay của Vietcombank Quy Nhơn số tiền 17,7 tỷ đồng để đóng mới tàu vỏ thép theo Nghị định 67. Tương tự như ngư dân Trần Văn Hạo, ngư dân Trương Hoài Khánh cũng phải đóng vốn đối ứng 1,026 tỷ đồng. Khi vay tiền đóng tàu, cả 2 ngư dân Hạo và Khánh đều được “tư vấn” là cần thế chấp sổ đỏ để ngân hàng giải ngân nhanh hơn, có vốn thì con tàu mới được đóng đúng tiến độ, nhanh ra khơi đánh bắt, khi tàu đóng xong sổ đỏ sẽ được ngân hàng trả lại.

“Ngư dân bọn tui đâu có hiểu biết gì nhiều về những quy định của ngân hàng, nên nhân viên ngân hàng hướng dẫn sao thì tui làm vậy. Họ bảo tui nộp sổ đỏ, rồi ra phòng công chứng ký 1 hợp đồng thế chấp sổ đỏ cùng tài sản trên đất. Khi ký hợp đồng tín dụng, ngân hàng đã gắn thêm vào quy định về tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền trên đất vào hợp đồng”, ngư dân Hạo trình bày.

Sau khi nghe ngóng, biết được Nghị định 67 của Chính phủ không có điều khoản nào quy định khi vay vốn đóng tàu ngư dân phải thế chấp sổ đỏ, cả 2 ngư dân Trần Văn Hạo và Trương Hoài Khánh cùng đến Vietcombank Quy Nhơn để đòi lại sổ đỏ nhưng bị phía ngân hàng từ chối.

Tàu cá vỏ thép nằm “nối đuôi” tại Cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát, Bình Định) vì không hoạt động được.

Đến kỳ hạn trả nợ gốc quý I/2017 (vào ngày 10/3/2017), ngư dân Trần Văn Hạo phải trả 295 triệu đồng, đây là tiền nợ gốc được trả nhiều đợt theo hợp đồng. Tuy nhiên, do tàu vỏ thép mới đóng xong mà đã bị hư hỏng liên tục, phải nằm bờ sửa chữa thời gian dài nên ngư dân Hạo không có tiền trả nợ đúng hạn cho ngân hàng. Vậy là toàn bộ số tiền vay 17,7 tỉ đồng đã bị ngân hàng chuyển sang nợ quá hạn.

Để có tiền trả nợ 2 đợt (quý I và quý II/2017), ngư dân Trần Văn Hạo yêu cầu Vietcombank Quy Nhơn cho vay lưu động số tiền 600 triệu đồng, tài sản thế chấp là sổ đỏ đang bị ngân hàng giữ.

Tuy nhiên, lãnh đạo Vietcombank có công văn trả lời ông Hạo là Nghị định 67 không có nội dung nào cấm các ngân hàng thương mại nhận tài sản khác (ngoài tài sản hình thành từ vốn vay là con tàu) để đảm bảo cho các khoản vay của khách hàng.

13-38-41_2
Tại một cuộc họp mới đây, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định (đứng) yêu cầu ngân hàng phải trả lại sổ đỏ cho ngư dân vay vốn đóng tàu 67.

Tiếp theo, Vietcombank Quy Nhơn cũng trả lời rằng khi ký kết hợp đồng tín dụng với ngư dân Trần Văn Hạo là do hai bên tự nguyện, kể cả việc giao nộp sổ đỏ để thế chấp, đồng thời đề nghị ông Hạo phải trả hết số tiền nợ 481 triệu đồng trong quý I/2017 (295 triệu đồng nợ gốc và 186 triệu tiền lãi) mới xem xét cho vay lưu động như ông yêu cầu!

Nếu như không có cuộc họp mới diễn ra do UBND tỉnh Bình Định tổ chức nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến những chiếc tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 đang bị hư hỏng, thì chuyện sổ đỏ của 2 ngư dân Trần Văn Hạo và Trương Hoài Khánh đang bị “cột” ở ngân hàng khó có ai biết.

Tại cuộc họp này, ngư dân Trần Văn Hạo đã bức xúc trình bày số phận quyển sổ đỏ nhà ông đang phải nằm ở ngân hàng do ông vay tiền đóng tàu 67. Sau khi ngư dân Hạo phản ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu, khẳng định việc ngân hàng bắt ngư dân thế chấp sổ đỏ khi vay vốn đóng tàu vỏ thép là sai, vì quy định của Nghị định 67 chỉ yêu cầu ngư dân thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay, tức là con tàu vỏ thép đóng mới. “Nếu không bị buộc thì không ai tự nhiên đem sổ đỏ nhà mình nộp cho ngân hàng cả. Nếu đã giữ sổ đỏ của ngư dân thì phải trả lại cho họ”, ông Trần Châu kiên quyết.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho biết, ngành chức năng đã yêu cầu UBND TP Quy Nhơn báo cáo về việc Vietcombank Quy Nhơn giữ 2 sổ đỏ của ngư dân vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67.

“Sau khi UBND TP Quy Nhơn có báo cáo, Sở NN-PTNT Bình Định sẽ làm báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh Bình Định ra văn bản thông báo cho Ngân hàng Nhà nước, đề nghị xử lý vụ việc này. Vietcombank Quy Nhơn cần phải sớm trả lại sổ đỏ cho ngư dân”, ông Hổ nói.

 

Xem thêm
Sầu riêng 'tắc đường' sang Trung Quốc: Kinh nghiệm 10 ngày thần tốc của Thái Lan

Cả hệ thống nông nghiệp Thái Lan đã vào cuộc, nhằm giải quyết dứt điểm việc tồn dư vàng O trên sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất