Phát biểu chỉ đạo tại Lễ tổng kết của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cuối tuấn qua, ông Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp nhấn mạnh, 2022 là một năm thách thức lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp ngành phân bón, hóa chất khi chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất phân bón bị đứt gãy do xung đột, lạm phát toàn cầu tăng cao.
Tuy nhiên, với sự đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo cộng sự chủ động, linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành, lãnh đạo, cán bộ người lao động Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cùng các các doanh nghiệp thành viên vẫn vượt khó vươn lên, trở thành điểm sáng trong việc thích ứng hiệu quả hậu Covid-19, đóng góp to lớn vào nguồn thu vào ngân sách của nNhà nước. Qua đó, tiếp tục nâng cao và khẳng định vị thế của ngành công nghiệp hóa chất trong sáu ngành công nghiệp nền tảng của quốc gia.
Nhận định thị trường sẽ còn gặp nhiều thách thức trong năm 2023, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh lưu ý, Vinachem cần tăng cường công tác dự báo, nắm bắt chặt chẽ diễn biến của thị trường để chủ động cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh cho phù hợp; tập trung nguồn lực và giải pháp tăng sản lượng tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường, xây dựng chiến lược sản phẩm với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinachem cho biết, năm 2022, hoạt động kinh doanh, sản xuất của ngành phân bón nói chung và các đơn vị thuộc Tập đoàn nói riêng gặp rất nhiều khó khăn do xung đột Nga - Ukraine kéo dài, áp lực lạm phát cao, thị trường xuất khẩu thu hẹp, chi phí vận tải lớn,…
Ngoài ra, giá nguyên liệu sản xuất trên thị trường thế giới và trong nước luôn ở mức cao như: lưu huỳnh bình quân tăng 91,7% so với bình quân năm 2021 (cao hơn 178 USD/tấn so với giá kế hoạch năm 2022); Amoniac tăng 82,5%; vải mành, than đen tăng lần lượt 17% và 8%;... Bên cạnh đó, tình trạng khan hiếm, thiếu hụt nguồn cung, giá than các loại so với cuối năm 2021 đã tăng tới 55% gây trở ngại lớn cho sản xuất phân urê cũng như phân lân nung chảy.
Tuy nhiên, nhờ sự chủ động, linh hoạt và chỉ đạo kịp thời của các cấp lãnh đạo nhà nước và Tập đoàn cùng sự nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của cán bộ công nhân viên Vinachem cũng như các đơn vị thành viên, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam năm 2022 đều vượt kế hoạch năm và tăng mạnh so với 2021.
Trong đó, doanh thu cộng hợp của Tập đoàn ước đạt 62.262 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay, bằng 119% so với kế hoạch năm 2022, tăng 17% so với thực hiện năm 2021. Đặc biệt, lợi nhuận đạt trên 6.000 tỷ đồng, tăng gần 4.000 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Một số đơn vị thành viên Vinachem có doanh thu tăng mạnh so với năm 2021 như: Công ty CP Hóa chất Việt Trì tăng 66%, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình tăng 48%, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc tăng 43%, Công ty CP Hóa chất cơ bản miền Nam tăng 36%, Công ty CP DAP số 2 - Vinachem tăng 22%.
“100% các đơn vị thuộc Tập đoàn đều sản xuất kinh doanh có lãi trong năm 2022. Đây là điều vô cùng đáng mừng và cũng sau một thời gian dài Tập đoàn đạt được thành tựu đáng ghi nhận này. Đặc biệt, lần đầu tiên kể từ ngày Chính phủ phê duyệt Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công thương, 3 đơn vị của Tập đoàn gồm Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc và DAP số 2 - Vinachem đều sản xuất kinh doanh có lãi và hoàn thành vượt kế hoạch năm 2022 đề ra”, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinachem nhấn mạnh.
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, ông Phùng Quang Hiệp chia sẻ, 2023 là năm có ý nghĩa rất quan trọng khi Vinachem tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn. Do đó, lãnh đạo Công ty mẹ Tập đoàn và các đơn vị thành viên cần triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành kế hoạch.
Ông Phùng Quang Hiệp cũng đề nghị, các ban chuyên môn của Tập đoàn cần chủ động xây dựng và triển khai phương án chuyển đổi số. Theo dõi sát diễn biến tình hình, tăng cường năng lực phân tích, dự báo thị trường để chỉ đạo, điều hành các đơn vị tranh thủ các điều kiện thuận lợi, kịp thời vận hành sản xuất kinh doanh linh hoạt, khai thác tối đa năng lực sản xuất hiện có.
Bên cạnh đó, cần tổ chức cân đối giữa sản xuất và tiêu thụ, tạo chính sách bán hàng linh hoạt. Tiếp tục bám sát cơ quan có thẩm quyền để hoàn thiện Đề án cơ cấu lại Tập đoàn giai đoạn 2021-2025 làm căn cứ để triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm và chiến lược phát triển của Tập đoàn trong giai đoạn mới. Quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu và hỗ trợ các đơn vị Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP số 2 để chủ động, tích cực triển khai hiệu quả, nhanh chóng Đề án tái cơ cấu đã được Bộ Chính trị thông qua.
Đặc biệt, đối với nhóm ngành chủ lực của Tập đoàn là nhóm sản phẩm phân bón, ông Phùng Quang Hiệp yêu cầu các đơn vị thành viên cần lập kế hoạch sản xuất, bán hàng, bám sát thị trường truyền thống, đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ tại các thị trường mới, thị trường xuất khẩu, giảm giá trị tồn kho, giảm công nợ bán hàng, nhất là nợ quá hạn nhằm giảm rủi ro về tài chính, tiếp tục tăng cường quản trị doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí.
Các đơn vị sản xuất phân bón NPK cần tập trung rà soát, quy hoạch lại sản xuất cho phù hợp với xu thế thị trường. Các đơn vị sản suất DAP, urê và các đơn vị sản xuất NPK tăng cường phối hợp mua bán sản phẩm, dịch vụ của nhau.
Để hiện thực hóa mục tiêu doanh thu đạt hơn 63.100 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 1,5% so với 2022, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong và nước ngoài. Đồng thời, tham gia sâu vào thị trường thế giới bằng cách góp mặt tại các hội chợ triển lãm quốc tế để tìm hiểu nhu cầu, tiếp cận khách hàng, từ đó giữ và tăng thị phần xuất khẩu.
2022 là một năm ghi nhận những nỗ lực vượt bậc của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và những nỗ lực đó xứng đáng được các Bộ, ban, ngành ghi nhận bằng những thành tích cụ thể. Trong đó, tập thể Tập đoàn, cá nhân đồng chí Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an.