Trạm y tế xã Vĩnh Hưng đạt chuẩn tiêu chí về y tế |
Vĩnh Hưng là xã đồng bằng, nằm hướng Tây Bắc của huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Nằm dọc theo tuyến Cầu sập – Ninh Quới – Ngan Dừa đi tỉnh Kiên Giang. Hiện toàn xã có 8 ấp: ấp Tam Hưng, ấp Đông Hưng, ấp Trần Nghĩa, ấp Trung Hưng 2, ấp Nam Hưng, ấp Nam Thạnh, ấp Thạnh Hưng 1 và ấp Thạnh Hưng 2.
Ông Tô Thanh Tân, Chủ tịch UBND, kiêm phó ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Vĩnh Hưng cho biết, để thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” của Chính phủ, xã đã Quyết định thành lập 08 Ban Phát triển ấp, mỗi ban phát triển ấp có 7 thành viên, do đồng chí Bí thư Chi bộ làm Trưởng ban; Thành lập Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, gồm 9 thành viên, do đông chí Chủ tịch UB MTTQ VN xã làm trưởng ban.
Ông Tân cho biết thêm, sau 6 năm thực thiện phong trào xây dựng NTM xã đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ như: Sản xuất nông nghiệp của xã tiếp tục phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng sản xuất nông nghiệp có bước tăng trưởng khá toàn diện. Xã đang tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp với trọng tâm là đầu tư phát triển các cây trồng, vật nuôi.
Trong lĩnh vực trồng trọt, cây lúa vẫn chiếm ưu thế cả về năng suất, chất lượng; sản xuất lúa theo cánh đồng lớn đã có bước phát triển nhất định và đem lại hiệu quả cao cho cả người nông dân và doanh nghiệp, tính đến nay diện tích lúa sản xuất theo cánh đồng lớn tăng từ 100 ha (chiếm 5,27% tổng diện tích gieo trồng) năm 2013 lên 217 ha (chiếm 11,43% tổng diện tích gieo trồng) năm 2017. Sản xuất lúa theo cánh đồng lớn có năng suất cao hơn, giá thành giảm, lợi nhuận cao hơn so với ngoài cánh đồng lớn. Đây được xem là mô hình liên kết có hiệu quả, bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ, là hạt nhân để nhân rộng và phủ kín vùng lúa chất lượng cao của xã.
Bên cạnh đó, xã đã triển khai thực hiện một số mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình tưới ngập khô xen kẽ, mô hình trồng rừng, chăn nuôi gà trên điệm lót sinh học, nhân giống lúa cộng đồng,...Đồng thời tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất; áp dụng và chọn một số giống có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện địa phương và dự báo biến đổi khí hậu. Từ năm 2011 đến nay, toàn xã đã tổ chức hội thảo, tập huấn 127 cuộc, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 4.856 lượt nông dân.
Xã đã tập trung thực hiện các chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp - thương mại - dịch vụ, nhằm phát triển kinh tế - xã hội chung của xã, đồng thời triển khai kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn gắn với việc thực hiện các đề án khuyến công và chú trọng phát triển công nghiệp nông thôn. Hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản hàng hóa được chú trọng, ngày càng có nhiều doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm đầu tư, từ năm 2011 đến nay, xã phối hợp tổ chức 27 lớp đào tạo nghề ngắn hạn và cấp chứng chỉ nghề cho 677 lao động nông thôn, trong đó lao động được đào tạo, cơ bản đáp ứng được nhu cầu, điều kiện của người học và bước đầu đã đem lại hiệu quả. Phần lớn lao động được đào tạo nghề nông nghiệp đã biết vận dụng những kiến thức cơ bản về trồng trọt, chăn nuôi, qua đó đã giúp họ từng bước làm chủ quy trình sản xuất, mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Công tác giải quyết việc làm tiếp tục được quan tâm đầu tư, tính đến nay toàn xã đã giải quyết việc làm cho 4.259 lao động tìm việc làm trong và ngoài tỉnh.
Ông Tô Thanh Tân, Chủ tịch UBND, kiêm phó ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Vĩnh Hưng |
Ngoài ra, xã đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo, qua đó đã phối hợp cùng NHCSXH huyện cho vay theo chính sách tín dụng ưu đãi là 25,468 tỷ đồng. Cấp miễn phí 184 thẻ BHYT cho đối tượng hộ nghèo, 253 thẻ BHYT cho đối tượng thuộc hộ cận nghèo và 344 thẻ BHYT cho các đối tượng bảo trợ xã hội.
Việc tập trung đẩy mạnh triển phát sản xuất và thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đã có nhiều tác động tích cực đến khu vực, đời sống của người dân từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 20.800.000 đồng năm 2012 lên khoảng 41 triệu đồng năm 2017; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 28,5% năm 2011 xuống còn 3,4% năm 2017; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên tăng từ 89 % năm 2012 lên 92,7% năm 2017.
Về công tác đào tạo cán bộ xã sẽ tiếp tục bồi dưỡng trình độ, kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức. Bố trí công chức xã chuyên trách về xây dựng nông thôn mới. Giữ vững danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh và các tổ chức chính trị - xã hội đạt từ loại khá trở lên.
Về an ninh và quốc phòng: Xây dựng và phát triển lực lượng dân quân ngày càng rộng khắp, đông về số mạnh về chất và đưa quân đạt chỉ tiêu trên giao. Nâng cao chât lượng, hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và đây lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, không để khiếu kiện đông người.
Tính từ năm 2011 đến nay, xã Vĩnh Hưng đã huy động được hơn 115,260 tỷ đồng để đầu tư cho Chương trình, trong đó: Vốn lồng ghép là 5,175 tỷ đồng đồng; Ngân sách địa phương (tỉnh, huyện, xã) hơn 100,571: tỷ đồng; Vốn vận động doanh nghiệp: 3,090 tỷ đồng; Vốn huy động nhân dân đóng góp: 6,424 tỷ đồng; Vận động nhân dân hiến đất làm lộ, xây dựng cơ sở hạ tầng 101.430 m2, quy thành tiền 5,071 tỷ đồng.
Hiện nay, xã Vĩnh Hưng đã đạt 19/19 tiêu chí Nông thôn mới, Đảng bộ cùng với nhân dân xã sẽ quyết tâm phấn đấu giữ vững tất cả các tiêu chí chờ ngày công nhận Nông thôn mới.