| Hotline: 0983.970.780

Vĩnh Phúc kích cầu sản xuất thanh long

Thứ Sáu 16/10/2020 , 06:15 (GMT+7)

Vĩnh Phúc đã và đang dành nhiều nguồn lực hỗ trợ, cùng nhiều giải pháp nhằm khai thác tiềm năng, đưa cây thanh long huyện Lập Thạch thành sản xuất hàng hóa giá trị cao.

Cây thanh long được một số bà con nông dân xã Vân Trục (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) đưa về trồng thử từ những năm 2005 – 2010, tuy nhiên phải từ năm 2009 – 2010 trở đi, sau khi một số giống thanh long ruột đỏ được trồng thử nghiệm và cho kết quả tốt, cây thanh long mới thực sự được mở rộng, lan tỏa sang nhiều xã khác ở huyện Lập Thạch.

Đặc biệt ngay từ năm 2011-2013, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã sớm dành nguồn lực để triển khai Dự án thí điểm trồng cây thanh long ruột đỏ huyện Lập Thạch giai đoạn 2011 – 2013. Theo đó, diện tích thanh long ruột đỏ đã khẳng định được chỗ đứng ở các vùng đồi núi, phù hợp ở một số tiểu vùng khí hậu ở 3 xã Vân Trục, Ngọc Mỹ, Xuân Hòa của huyện Lập Thạch.

Theo ông Trần Văn Thơ, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc: Từ 2010-2011, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc phối hợp với các đơn vị của huyện Lập Thạch đã tiến hành khảo sát, xây dựng một số mô hình trồng thanh long ruột đỏ. Qua đó, đã đánh giá được tình hình thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu, sinh trưởng phát triển, năng suất, mẫu mã, chất lượng của quả thanh long trên địa bàn huyện Lập Thạch.

Một số mô hình hỗ trợ người dân trồng thanh long thí điểm chong đèn sưởi ấm cho thanh long trong mùa đông đang được triển khai ở Lập Thạch (Vĩnh Phúc). Ảnh: Lê Bền

Một số mô hình hỗ trợ người dân trồng thanh long thí điểm chong đèn sưởi ấm cho thanh long trong mùa đông đang được triển khai ở Lập Thạch (Vĩnh Phúc). Ảnh: Lê Bền

Song song đó, Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cũng đã triển khai một số dự án nghiên cứu, đánh giá, chọn ra bộ giống thanh long ruột đỏ phù hợp cho huyện Lập Thạch, nhất là giống TL4. Điều này cũng đã góp phần thúc đẩy cây thanh long ruột đỏ ngày càng phát triển bền vững, hiệu quả trên vùng đất đồi nghèo kiệt của huyện Lập Thạch.

Nhằm tiếp tục khai thác tiềm năng, giá trị của cây thanh long trên đại bàn huyện Lập Thạch, từ năm 2018, tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp tục triển khai Chương trình thí điểm đầu tư phát triển vùng sản xuất thanh long ruột đỏ bền vững phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ giai đoạn 2018-2020.

Theo đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã ưu tiền dành nguồn lực trên 240 tỉ đồng để hỗ trợ tổng thể cho phát triển cây thanh long Lập Thạch thành sản xuất hàng hóa bền vững, theo chuỗi giá trị, từ công tác điều tra quy hoạch vùng trồng, vật tư, sơ chế đóng gói, chuyển giao tiến bộ KH-KT, quy trình sản xuất theo GAP, tiêu thụ sản phẩm...

Đến năm 2020, sẽ có thêm 200 ha thanh long ruột đỏ được hỗ trợ đầu tư trồng mới theo hướng thâm canh, chủ động tưới tiết kiệm theo hướng hàng hóa, tập trung tại huyện Lập Thạch. Ảnh: Lê Bền

Đến năm 2020, sẽ có thêm 200 ha thanh long ruột đỏ được hỗ trợ đầu tư trồng mới theo hướng thâm canh, chủ động tưới tiết kiệm theo hướng hàng hóa, tập trung tại huyện Lập Thạch. Ảnh: Lê Bền

Cụ thể trong 2 năm 2019-2020, hỗ trợ đầu tư trồng mới 200 ha tại các xã Xuân Hòa (50 ha), Vân Trục (30 ha),  Ngọc Mỹ (40 ha), Quang Sơn (50 ha), Hợp Lý (30 ha). Đồng thời, hỗ trợ cải tạo, áp dụng quy trình sản xuất Gap, tiến bộ KH-KT mới cho 100 ha thanh long đã trồng trước đây tại các xã Vân Trục, Xuân Hòa, Ngọc Mỹ.

Từ năm 2019-2020, các hộ gia đình có vùng trồng tập trung từ quy mô 1ha trở lên, có nguồn nước  tưới, có năng lực sản xuất thanh long sẽ được hỗ trợ một cách đồng bộ như: Hỗ trợ 1005 chi phí mua hom giống; 60% chi phí trụ xi măng; 40% phân bón hàng năm (trong 2 năm đầu); 70% chi phí đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cho các diện tích trồng mới; 50% chi phí lưới bảo vệ vườn... cho các hộ trồng mới.

Tỉnh Vĩnh Phúc cũng đầu tư nhiều hệ thống đường giao thông nội bộ, hạ tầng lưới điện phục vụ tưới thâm canh cho thanh long, hỗ trợ máy xới đất, làm cỏ vườn thanh long; tổ chức tập huấn, xây dựng các vùng trồng thanh long VietGap; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, cơ sở sơ chế, đóng gói, truy xuất nguồn gốc, kết nối tiêu thụ; đầu tư trạm dự báo thời tiết tự động... tại các vùng trồng thanh long.

Đến thời điểm này, các diện tích trồng mới thanh long tập trung từ năm 2019 đã cho thu hoạch bói, một số diện tích khác đang được huyện Lập Thạch khẩn trương triển khai hoàn tất trong năm 2020.

Nhiều vùng đồi núi trơ cằn, thậm chí bỏ hoang ở huyện Lập Thạch hiện đã trở thành những vùng trồng thanh long thâm canh, có quy hoạch bài bản, áp dụng tưới nhỏ giọt, quy trình thâm canh theo VietGAP... Hi vọng, đây sẽ là cú hích mới cho quả thanh long ở huyện Lập Thạch trong giai đoạn tới. 

  • Tags:
Xem thêm
Xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, chè Việt Nam vẫn cần lưu ý điều gì?

Nhìn chung các thị trường đều yêu cầu ngày càng cao đối với an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Yến Sào Khánh Hòa lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia

Công ty Yến Sào Khánh Hòa vinh dự lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia và là doanh nghiệp duy nhất của Khánh Hòa đạt được kết quả này trong năm 2024.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...