| Hotline: 0983.970.780

Vĩnh Tường phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

Thứ Hai 20/11/2023 , 15:47 (GMT+7)

Sau 3 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, diện mạo nông thôn của huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) ngày càng khởi sắc, hiện hữu về một miền quê đáng sống.

Ông Nguyễn Thanh Bằng - Phó chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Vĩnh Tường cho biết, năm 2019 toàn huyện Vĩnh Tường đã về đích NTM và bắt tay vào Chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu phấn đấu có 3 xã đạt xã nông thôn mới thông minh, 12 xã nông thôn mới kiểu mẫu và 55 thôn là thôn dân cư kiểu mẫu.

Ông Nguyễn Thanh Bằng - Phó chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Vĩnh Tường. Ảnh: Nam Khánh.

Ông Nguyễn Thanh Bằng - Phó chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Vĩnh Tường. Ảnh: Nam Khánh.

Sau 3 năm thực hiện chương trình, diện mạo nông thôn của huyện Vĩnh Tường ngày càng khởi sắc, khang trang hơn, sạch đẹp hơn. Hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn được quan tâm xây dựng đồng bộ; kinh tế của huyện giữ mức tăng trưởng ổn định trên 10%; tỷ lệ hộ nghèo giảm; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt…

"Quan điểm chỉ đạo của huyện Vĩnh Tường trong Chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu là không chạy theo thành tích, lấy người dân làm chủ thể, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân thấy được việc chung tay cùng chính quyền xây dựng NTM là trách nhiệm của nhân dân và chính người dân được thụ hưởng những thành quả này. Do vậy, Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện đã lan tỏa thành một phong trào lớn", ông Bằng thông tin.

Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, phong trào xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu của huyện Vĩnh Tường đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng và tham gia tích cực của nhân dân. Đến nay, toàn huyện Vĩnh Tường đã có 6/25 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có xã Ngũ Kiên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh; 27 thôn được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 1 thôn đạt chuẩn NTM thông minh. Giai đoạn 2021-2023, tổng nguồn vốn xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn huyện Vĩnh Tường hơn 3.913 tỷ đồng; trong đó, có hơn 739 tỷ đồng huy động từ người dân và cộng đồng.

Một góc làng quê xã nông thôn mới nâng cao Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Ảnh: Hương Trà.

Một góc làng quê xã nông thôn mới nâng cao Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Ảnh: Hương Trà.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn huyện Vĩnh Tường còn gặp một số khó khăn do huyện có số xã tham gia nhiều nhất tỉnh, các nội dung của chương trình xây dựng NTM bao trùm nhiều lĩnh vực, liên quan đến nhiều ngành nên quá trình triển khai tại một số địa phương còn lúng túng. 

Nói về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM đoạn 2021 - 2025 của Vĩnh Tường, ông Nguyễn Thanh Bằng cho biết, Bộ tiêu chí đối với xã NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 có rất nhiều tiêu chí, các tiêu chí có khi đạt ở địa phương này nhưng lại chưa phù hợp ở địa phương khác, đặc biệt là tiêu chí về chất lượng môi trường sống. 

Tại tiêu chí này, nội dung khó thực hiện nhất hiện nay là phân loại rác thải từ nguồn đạt 70% và tỉ lệ chôn lấp dưới 40%. Đây là một trong những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình thực hiện.

Một tiêu chí nữa là tiêu chí về nước sạch, tiêu chí này quy định trên 65% người dân được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung và tỷ lệ công trình cấp nước tập trung có tổ chức quản lý, khai thác hoạt động bền vững. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn huyện mới có một số nhà máy đưa vào sử dụng, tỷ lệ trên mặt bằng toàn huyện của chúng tôi mới đạt được 37%, như vậy tỉ lệ phấn đấu đạt 65% là còn rất xa.

“Tới đây, với sự quan tâm vào cuộc của cấp ủy chính quyền các cấp, nhà máy nước sạch Sông Hồng đang triển khai nếu đi vào hoạt động sẽ cấp thêm cho 11 xã trên địa bàn huyện, lúc đó tiêu chí này cũng sẽ đạt”, ông Bằng chia sẻ.

Người dân xã Bình Dương (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc) tích cực tham gia phong trào vệ sinh môi trường. Ảnh: Duy Học.

Người dân xã Bình Dương (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc) tích cực tham gia phong trào vệ sinh môi trường. Ảnh: Duy Học.

Các tiêu chí như tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn và y tế, ông Nguyễn Thanh Bằng cho rằng đây cũng là một trong những khó khăn, vướng mắc cho các địa phương xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu bởi người dân vẫn chưa có thói quen sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa và sổ khám bệnh điện tử.

Đối với việc tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn trên thực tế ở Vĩnh Tường không phải xã nào cũng có được những sản phẩm hàng hóa tập trung với quy mô lớn hoặc sản phẩm hàng hóa được chế biến sâu thành sản phẩm hoàn chỉnh.

Từ những khó khăn vướng mắc trong thực tế khi thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của Vĩnh Tường, ông Nguyễn Thanh Bằng đưa ra một số giải pháp:

Cấp ủy, chính quyền các cấp hỗ trợ nguồn lực cho các xã của các địa phương có nguồn thu hàng năm là thấp xây dựng các thiết chế như: Nhà văn hóa thôn, nhà văn hóa xã, trường học, đường giao thông, kênh mương thủy lợi nội đồng,... Ưu tiên nguồn lực đối với các xã đăng ký về đích nông thôn mới hàng năm theo kế hoạch. 

Đối với bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu cần nghiên cứu để phù hợp với từng địa phương, vùng miền. Trong thời gian tới, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện cũng sẽ tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền để có những giải pháp cụ thể thực hiện từng tiêu chí, phù hợp cho từng địa phương theo từng giai đoạn nhất định. Phấn đấu hoàn thành huyện NTM nâng cao, kiểu mẫu vào năm 2025 theo Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.