| Hotline: 0983.970.780

Virus Marburg nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, chưa có vacxin phòng bệnh

Thứ Tư 22/03/2023 , 18:43 (GMT+7)

Virus Marburg thường ký chủ trên loài dơi ăn quả, sau đó có thể lây truyền qua người bằng đường tiếp xúc và giọt bắn, gây bệnh sốt xuất huyết tương tự Ebola.

Hình ảnh hiển vi của virus Marburg. Ảnh: CNN.

Hình ảnh hiển vi của virus Marburg. Ảnh: CNN.

Trước những thông tin liên quan đến trường hợp bị tử vong tại Guinea Xích Đạo (Tây Phi), cũng như các trường hợp khác tại phía Đông châu Phi do nhiễm virus Marburg, chiều 22/3, TS.BS Phùng Mạnh Thắng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Chợ Rẫy đã có chia sẻ xoay quanh đến loại virus này.

Theo TS.BS Phùng Mạnh Thắng, virus Marburg là một loại RNA virus thuộc họ Filovirus, gây bệnh sốt xuất huyết tương tự như Ebola. Loại virus này lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 1967, khi dịch sốt xuất huyết bùng phát đồng thời tại các phòng thí nghiệm ở Marburg và Frankfurt (Đức) cũng như ở Belgrade, Nam Tư (nay là Serbia).

Virus Marburg thường ký chủ ở trên loài dơi ăn quả và có thể lây nhiễm từ động vật sang người do tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể của động vật nhiễm bệnh, lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch tiết của người bệnh hoặc các bề mặt nhiễm mầm bệnh.

"Đây là loại virus rất nguy hiểm, bởi nó có thể làm tổn thương và gây ra tình trạng bệnh rất nặng. Ví dụ khi mới nhiễm, người bệnh có thể bị sốt, đau khớp, mệt mỏi, nhức đầu. Thời gian ủ bệnh dao động từ 2 đến 21 ngày, bắt đầu với sốt cao, ớn lạnh, đau đầu dữ dội, đau cơ. Ngày thứ năm trở đi, tình trạng rất nặng, có thể nôn ói, tiêu chảy và có thể xuất huyết ồ ạt, suy đa tạng, nguy cơ tử vong có thể lên tới 80%. Tuy nhiên, điều may mắn là khả năng lây truyền của loại virus này thấp hơn và chủ yếu lây qua đường giọt bắn và tiếp xúc, không lây qua đường không khí nên khả năng lây lan sẽ khó hơn so với virus SARS-CoV-2", TS.BS Phùng Mạnh Thắng cho hay.

Một trong những khó khăn để chẩn đoán lâm sàng là bệnh do virus Marburg gây ra thường có triệu chứng tương tự như các bệnh truyền nhiễm khác (sốt rét, thương hàn, sốt xuất huyết do Ebola,…). Vì vậy, người bệnh cũng như nhân viên y tế phải hết sức thận trọng. 

Theo TS.BS Phùng Mạnh Thắng, để phòng tránh loại virus này, người dân cần phải nhận biết sớm, tránh tiếp xúc với các loại động vật hoang dã có khả năng nguy cơ mang mầm bệnh virus Marburg, đặc biệt là loại dơi ăn quả. Thứ hai, tránh ăn động vật hoàng dã sống. Thứ ba, khi tiếp xúc với nguồn lây (những người đi Tây Phi về hoặc là những người được nghi ngờ mắc virus Marburg) thì phải xem xét, nghi ngờ và tới cơ sở y tế sớm để khám và chẩn đoán. Ngoài ra, luôn luôn phải phòng ngừa lây nhiễm chéo, vệ sinh tay, ăn chín, uống sôi.

Ngày 22/3, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tanzania (Đông Phi) đã xác nhận 8 trường hợp mắc Marburg, một loại sốt xuất huyết do virus gây tử vong cao với các triệu chứng gần giống với các triệu chứng của Ebola, trong đợt bùng phát đầu tiên. Ảnh: WHO.

Ngày 22/3, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tanzania (Đông Phi) đã xác nhận 8 trường hợp mắc Marburg, một loại sốt xuất huyết do virus gây tử vong cao với các triệu chứng gần giống với các triệu chứng của Ebola, trong đợt bùng phát đầu tiên. Ảnh: WHO.

Đối với nhân viên y tế, TS.BS Phùng Mạnh Thắng cho rằng, phải luôn luôn cảnh giác. Trong những trường hợp có những ca có yếu tố dịch tễ hay nghi ngờ tiếp xúc với ca nhiễm virus Marburg thì khi tiếp nhận, nhân viên y tế phải cho cách ly sớm. Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân phòng ngừa lây truyền qua đường tiếp xúc và giọt bắn. Đồng thời, báo cáo ngay về phòng Kế hoạch tổng hợp, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn và các khoa phòng liên quan. Các khoa có khả năng tiếp nhận bệnh nhân Marburg cần dự trù phương tiện phòng hộ cá nhân: áo choàng hoặc tạp dề dài tay, găng tay, khẩu trang, tấm chắn,… Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân khi tiếp xúc với ca nghi ngờ. Tăng cường vệ sinh môi trường bề mặt hay tiếp xúc (2 lần/ngày và khi bẩn). Áp dụng các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa theo đường lây, tăng cường thực hiện vệ sinh tay (theo 6 bước, 5 thời điểm)

"Virus Marburg là một trong sáu loại dòng họ của các loại virus Ebola. Tuy nhiên, đặc thù của virus Marburg là hiện cả thế giới chưa sản xuất được vacxin để dự phòng loại virus này.

Vì vậy, hiện tại nếu bệnh nhân bị nhiễm thì chỉ điều trị hỗ trợ nâng đỡ hoặc là bù điện giải, hoặc máu nếu bệnh nhân có tình trạng xuất huyết, chứ chưa có phương pháp đặc trị", TS.BS Phùng Mạnh Thắng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin.

Yếu tố dịch tễ: Đi về từ khu vực Tây Phi hoặc có tiếp xúc với ca nghi ngờ hoặc ca xác định MVD (trong thời gian ủ bệnh 3 tuần) mà không sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân phù hợp.

Triệu chứng lâm sàng: sốt cao, ớn lạnh, đau đầu dữ dội, đau cơ, ban rát sẩn, nổi rõ nhất trên thân (ngực, lưng, bụng), buồn nôn, nôn, đau ngực, đau họng, đau bụng và tiêu chảy,… mà không lý giải được đầy đủ bệnh lý lâm sàng bằng một nguyên nhân khác.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.