| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 12/04/2012 , 09:59 (GMT+7)

09:59 - 12/04/2012

“Vỗ béo” ngân hàng?

Cùng lúc hai thông tin ập đến khiến những người nghèo, người lao động làm thuê chới với: lãi suất huy động lại giảm 1% và các ngân hàng hè nhau đòi thu phí giao dịch ATM nội mạng.

Ảnh minh họa
Cùng lúc hai thông tin ập đến khiến những người nghèo, người lao động làm thuê chới với: lãi suất huy động lại giảm 1% và các ngân hàng hè nhau đòi thu phí giao dịch ATM nội mạng sau khi một vài ngân hàng đã lén lút thực hiện!

Đáng nói ở chỗ, lãi suất huy động VND liên tục giảm trong vòng 1 tháng, trong khi không ai dám chắc NHNN sẽ ép các NHTM hạ lãi suất cho vay, bởi một số DN cho biết vẫn phải vay với lãi suất cao, đến 18-19%/năm suốt nhiều tháng nay, kể cả sau đợt giảm 1% vào tháng 3 vừa qua. Điều đó có nghĩa, những người đang sống bằng lãi suất hàng tháng từ sổ tiết kiệm sẽ phải dè sẻn hơn nữa và phần chênh ra từ phần dè sẻn ấy NHTM lại tiếp tục được hưởng như những lần trước chứ chưa chắc người đi vay đã được hưởng!

Thêm nữa, việc thu phí ATM giao dịch nội mạng đã nhiều lần được các NHTM đặt ra nhưng do bị dư luận phản đối nên không ai dám công khai thu cả. Thế nhưng thực tế một số NH vẫn thu ở một số dịch vụ và điều đó khiến những NH chưa thu “kém miếng khó chịu” và họ nhất loạt đòi “công bằng”! Sự đòi hỏi “công bằng” của một nhóm nhỏ ấy bỗng trở nên bất công đối với hàng triệu công nhân lao động trong các KCN, KCX, người nghèo hưởng chính sách, viên chức sự nghiệp v.v… khi mỗi tháng chỉ lãnh vài đồng lương còm cũng buộc phải ra máy ATM rút do chủ trương “chống tham nhũng” và “không dùng tiền mặt”!

Rõ ràng chính sách đang “thít cổ” số đông và “vỗ béo” các NHTM! Điều này không cần chứng minh, bởi chỉ nhìn vào lợi nhuận từ kết quả kinh doanh năm 2011 và quý I/2012 và tỷ lệ chia cổ tức đã thấy những con số “khủng” ở tất cả các tên tuổi NHTM lớn, trải dài từ Bắc vào Nam.

Dĩ nhiên trong một nền kinh tế đầy biến động khó có chính sách nào vừa lòng tất cả mọi người. Nếu có lợi cho nhóm này thì có hại cho nhóm kia và ngược lại. Vì thế đòi hỏi của nhân dân đối với người hoạch định chính sách là phải cân đối, sắp xếp thứ tự ưu tiên hợp lý, đặc biệt là không thể dành đặc quyền, đặc lợi kéo dài cho một nhóm, bởi đó xóa bỏ bất công mới giữ được sự ổn định chính trị - xã hội.

Bác Hồ đã dạy “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”. Mong rằng những người cầm cân nảy mực ghi nhớ nằm lòng điều đó, vận dụng một cách công tâm, nhất là khi Đảng đang thúc đẩy công cuộc xây dựng, chỉnh đốn lại đội ngũ, nhất là đội ngũ của chính những người đứng đầu cấp cao nhất!

Bình luận mới nhất