| Hotline: 0983.970.780

Vỡ đập thủy điện XePian XeNamnoy, Việt Nam ảnh hưởng ra sao?

Thứ Tư 25/07/2018 , 06:25 (GMT+7)

Sự cố vỡ đập thủy điện XePian XeNamnoy nằm trên sông Xenamnoy thuộc hai tỉnh Champask và Attapeu (Lào) khiến nhiều nước trong khu vực đi từ bất ngờ đến hốt hoảng.

Đặc biệt, Việt Nam nằm ở hạ nguồn, sẽ bị ảnh hưởng ra sao khi mà hơn 1 tỷ m3 nước bỗng dưng được rót thẳng từ trên vùng núi cao ào xuống hạ du? 

Người dân phải leo lên nóc nhà tránh lũ vì vỡ đập

Công trình thủy điện XePian XeNamnoy nằm trên sông Xenamnoy thuộc hai tỉnh Champask và Attapeu (Lào). Vị trí xây dựng công trình nằm cách dòng chính khoảng 200 km (tính đến StungTreng). Đập XePian XeNamnoy cách Việt Nam khoảng 650 km.

Vỡ đập XePian XeNamnoy ảnh hưởng thiệt hại trực tiếp ở ngay hạ lưu vùng đập, và tác động đến StungTreng. Cần phải điều tra, khảo sát đánh giá về lượng mưa, đặc biệt là quá trình thực hiện từ khâu thiết kế, đến thi công và vận hành, để xác định nguyên nhân vỡ đập XePian XeNamnoy.

Theo TS Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam, vỡ đập sợ nhất khi xảy ra vào mùa khô do dòng chảy trên lòng dẫn gây đột biến về mực nước. Còn mùa lũ chảy tràn, nên ảnh hưởng của vỡ đập không lớn.

19-31-02_ts_to_vn_truong
TS Tô Văn Trường

Ở ĐBSCL, mực nước tại Tân Châu hiện nay là 2,6m, cao hơn trung bình nhiều năm. Từ nay đến 15/8, xu thế mực nước tăng dần có khả năng lên đến 3,2m. Theo quan trắc số liệu và tính nhanh bài toán thủy lực cho thấy, khoảng 4 ngày nữa mực nước do ảnh hưởng của vỡ đập mới về đến ĐBSCL, nhưng cũng chỉ dâng cao ở Tân Châu và Châu Đốc lên thêm 5- 6cm, nghĩa là ảnh hưởng không đáng kể.

Ông Trường cho rằng, xây dựng các đập trên sông Mekong là vấn đề rất lớn, ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái và đời sống người dân thuộc lưu vực sông và quan hệ giữa các nước. Do đó, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ, khoa học, khách quan, gắn chặt nghiên cứu với thực tế đã và đang diễn ra và khai thác sử dụng tài nguyên nước vì quyền lợi chung của các nước trong lưu vực. Nếu để vỡ các đập có dung tích lớn và hiện tượng domino thì hậu họa khôn lường.

Trao đổi với NNVN, PGS.TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) cho biết: Qua tìm hiểu và xác minh ban đầu từ chủ đầu tư dự án, cùng với các chuyên gia thủy lợi, thủy điện uy tín trong nước, được biết đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy chỉ có dung tích chứa khoảng 1 tỉ m3, chứ không phải 5 tỉ m3 như thông tin báo chí nêu.

Theo ông Tứ, nếu thực sự dung tích chứa của đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy là 5 tỉ m3, thì sức ảnh hưởng của sự cố vỡ đập này tới vùng hạ nguồn ĐBSCL của Việt Nam sẽ vô cùng thảm khốc.

Mặc dù vậy, TS Tứ cũng cảnh báo: Với dung tích chứa 1 tỉ m3, việc đập Xe Pian-Xe Namnoy vỡ cũng sẽ có ảnh hưởng tới hạ du thuộc khu vực ĐBSCL của nước ta. Theo đó, các mô hình phân tích và dự báo của chuyên gia thủy lợi Việt Nam cho thấy, lượng nước từ sự cố vỡ đập có thể bắt đầu ảnh hưởng tới hạ du thuộc các tỉnh ĐBSCL trong khoảng 2- 3 ngày tới, với mực nước lũ dâng cao thêm từ 5- 6cm, đây là mức ảnh hưởng chưa quá rõ rệt đối với hạ du ĐBSCL.

“Tuy nhiên với dung tích 1 tỉ m3, sức tàn phá và thiệt hại đối với khu vực nam Lào, nơi trực tiếp chịu ảnh hưởng của sự cố vỡ đập sẽ hết sức khủng khiếp”, TS Tứ nhấn mạnh.

Ông cũng cảnh báo thêm: Sự cố vỡ đập Xe Pian – Xe Namnoy là một bài học xương máu cho Việt Nam. Bởi hiện nay, về nguyên tắc thì các hồ đập đang trong quá trình xây dựng đều đã có các kịch bản để đảm bảo an toàn trong quá trình thi công và hoàn thiện – tích nước, tuy nhiên với tình hình mưa lũ cực đoan, bất thường như hiện nay, mọi kịch bản và tình huống dự phòng đó đều đã và đang có nguy cơ bị vượt qua.

Xem thêm
Nuôi bò 3B thâm canh, tăng trọng gần 1kg/ngày

QUẢNG TRỊ Qua theo dõi, bò lai BBB nuôi theo hình thức thâm canh tăng trọng trung bình 0,9kg/con/ngày, tương ứng 27kg/con/tháng.

Quảng Bình khống chế được dịch tả lợn Châu Phi

Những ngày cận Tết, người chăn nuôi lợn tại Quảng Bình đỡ lo khi bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã được khống chế.

Vùng chè Hưng Khánh hồi sinh

Yên Bái Sau cơn bão chè bẩn giai đoạn 2010 - 2011 khiến nhiều nông dân lao đao, những năm gần đây vùng chè Hưng Khánh đang hồi sinh mạnh mẽ nhờ canh tác theo hướng hữu cơ.