Kênh truyền thông đa phương tiện Mỹ CBS News đã dẫn lời nhà vật lý Lisa Dyson nói rằng, đây là một đỉnh cao độc nhất vô nhị về một sản phẩm có hương vị và kết cấu của thịt, nhưng lại không đến từ động vật, và đặc biệt không gây hại cho môi trường.
Theo đó nó được tạo ra thông qua quá trình lên men, tương tự như chúng ta làm sữa chua, nhưng thay vì sử dụng vi sinh để chuyển hóa sữa và đường, nó được tạo ra từ vi sinh ngốn oxy, nitơ và carbon dioxide.
Bà Lisa Dyson, đồng thời là người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của khởi nghiệp mang tên Air Protein (protein hay thịt làm từ không khí), cho hay: Sự chuyển hóa không khí thành loại thịt mới nhờ các vi khuẩn hydrogenotrophic tổng hợp ra tế bào sợi từ khí CO2. Quá trình chuyển hóa này cũng gần giống quá trình lên men làm sữa chua hay ủ men bia. Quy trình tạo ra thịt làm từ không khí được tiến hành trong các bình ủ chứa vi khuẩn, sau đó các vật liệu tự nhiên nói trên được đưa vào cùng với nước và khoáng chất rồi làm khô. Sản phẩm đầu ra thu được là một loại bột giống như bột mì, có màu nâu nhạt chứa đến 80% protein nhưng không có mùi vị.
Từ dạng nguyên liệu protein này, các chuyên gia sẽ có thể chế biến thành nhiều loại "thực phẩm" khác nhau như thịt bò, thịt lợn, thịt gà, hải sản hay bánh hamburger…
Đại diện khởi nghiệp này còn khẳng định, phát minh của họ sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong sản xuất thực phẩm trong tương lai, vì nó không lệ thuộc vào các nguồn tài nguyên đất đai, nước hoặc khí hậu như cách chúng ta vẫn sản xuất thực phẩm truyền thống.
Còn xét về mặt dinh dưỡng, sản phẩm "thịt làm từ không khí" cũng bao gồm 9 loại axit amin giống y như "thịt thật" và thậm chí nó còn được mô tả là “đủ chất hơn cả thịt chay" làm từ đậu nành.
Bà Dyson tự tin nói: “Khi có đủ nguyên liệu chúng tôi có thể làm ra bít tết trong vài giờ”.
Khởi nghiệp Air Protein được lấy cảm hứng từ Cơ quan hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), khi các nhà khoa học sử dụng khí CO2 do các phi hành gia thải ra trong tàu con thoi để tái chế thành thực phẩm vào những năm 1960 và 70.
Nhóm nghiên cứu của bà Lisa Dyson hiện đang sử dụng công nghệ này để giúp chống lại biến đổi khí hậu. "Ngành công nghiệp thực phẩm ngày nay tạo ra nhiều khí thải nhà kính hơn cả ngành giao thông vận tải. Và điều gì sẽ xảy ra khi nhân loại chúng ta có 10 tỷ người?", bà Dyson nói.
Theo báo cáo thường niên năm 2019 của Ngân hàng Anh Barclays, thị trường thịt thay thế nhờ đổi mới sáng tạo trên quy mô thế giới có thể đạt giá trị 140 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Hiện ngành công nghiệp này đang trở nên cạnh tranh hơn khi các công ty đang nỗ lực cải thiện và thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng.
Dự kiến sản phẩm thịt gà làm từ không khí sẽ chính thức có mặt trên các kệ hàng bắt đầu từ năm 2023 tới, trong khi chờ Bộ Nông nghiệp Mỹ phê duyệt.