Ông Lê Minh Châu (Phó TGĐ VRG) nhận giấy chứng chỉ FSC-FM/CoC từ đại diện của Tổ chức Control Union Certification (Hà Lan)
Trong khi giá mủ xuống thấp, chỉ 60 triệu/tấn (tháng 7 năm ngoái là 80 triệu) thì việc Tập đoàn Công nghiệp cao su VN (VRG) đón nhận chứng chỉ FSC là một bước ngoặt mới, nâng tầm vị thế cao su VN ngày có uy tín trên thị trường thế giới cả về chất lượng mủ và gỗ cao su.
Ông Lê Minh Châu, Phó TGĐ VRG cho biết, từ năm 2007 tập đoàn đã nghiên cứu, tìm hiểu để tạo ra sản phẩm cao su xanh, sạch, đạt yêu cầu về thân thiện, bảo vệ môi trường nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng việc trồng, chăm sóc, khai thác của VGR. Nhưng chỉ đến năm 2010, VRG hợp đồng với Cty TNHH Tư vấn lương- đơn vị tư vấn về việc xây dựng mô hình quản lý rừng cao su bền vững theo 10 nguyên tắc và tiêu chuẩn FSC của Hội đồng quản lý rừng bền vững thế giới tại 4 nông trường và 2 NM chế biến tại Cty TNHH MTV TCty cao su Đồng Nai và Cty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng với tổng diện tích thí điểm là 11.700 ha.
Sau 18 tháng tích cực đeo bám, quyết tâm xây dựng và áp dụng mô hình quản lý rừng cao su bền vững theo 10 nguyên tắc và các tiêu chuẩn FSC ở trên với mong muốn hoàn thiện sản phẩm mủ và gỗ cao su tự nhiên đạt các yêu cầu tốt nhất về chất lượng, môi trường và lợi ích xã hội.
Ngày 16/9/2011, VRG và 2 Cty cao su (Đồng Nai, Dầu Tiếng) đã chính thức được cấp giấy chứng nhận số CU-FM/CoC814691 do Tổ chức chứng nhận Control Union Certification (Hà Lan) cấp. Việc đón nhận chứng chỉ FSC-FM/CoC của VRG đã đưa VN trở thành quốc gia thứ 5 trên thế giới (sau Bolovia, Thái Lan, Srilanka, Guatamala) có chứng nhận FSC cho rừng cao su và là quốc gia thứ ba trên thế giới có nguyên liệu mủ cao su FSC (sau Srilanka, Guatamala).
Theo VRG, sản lượng mủ cao su có chứng nhận FSC tại TCty cao su Đồng Nai và Dầu Tiếng từ 16.000-18.000 tấn/năm, tức đứng Top-ten thế giới về sản lượng mủ cao su có chứng nhận FSC. Trong khi đó, trên thế giới tổng diện tích rừng cao su có chứng nhận FSC để cho ra sản phẩm mủ chỉ 3.600 ha và 221.000 ha rừng cao su có chứng nhận FSC cho sản phẩm gỗ.
Riêng nguyên liệu gỗ cao su có chứng nhận FSC, hàng năm VRG thanh lý khai thác ước đạt 35.000-40.000 m3 gỗ tròn cung cấp cho các DNSX đồ gỗ trong nước, góp phần giảm kim ngạch nhập khẩu có chứng nhận FSC cho đất nước.
“Đến năm 2015 mục tiêu của tập đoàn là có 500.000 ha cao su, trong đó diện tích trong nước là 300.000 ha, ngoài nước (chủ yếu ở Campuchia và Lào) là 200.000 ha. Sản lượng cao su gia tăng hàng năm khoảng 5%; năm 2015 sẽ đạt 320.000-330.000 tấn mủ; năm 2020 đạt 500.000 tấn/năm. Về chế biến gỗ cao su phấn đấu đến năm 2015 đạt 50.000 m3 gỗ tinh chế và sản phẩm từ gỗ”. (Nguồn: VRG) |
Có thể nói, các sản phẩm SX từ gỗ và mủ có chứng nhận FSC sẽ được mang nhãn hiệu riêng để người tiêu dùng nhận ra sản phẩm được khai thác từ những khu rừng được khai thác bền vững. Do đó, thị trường và người tiêu dùng sẽ dễ dàng chấp thuận mua với giá cao hơn nhằm thể hiện sự ủng hộ và góp phần trong công cuộc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường của toàn cầu. Ngoài ra, các Cty sử dụng nguyên liệu FSC trong SX cũng sẽ nâng cao được giá trị thương hiệu của sản phẩm, xâm nhập được các thị trường khó tính đòi hỏi cao nhất
Được biết, sau khi đón nhận được chứng chỉ FSC vào ngày 6/7 tại TP HCM, một số Cty cao su là thành viên của VRG đã ký biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm mủ và gỗ cao su có chứng nhận FSC với nhiều đối tác trong thời gian tới.
“Chúng tôi cam kết sẽ thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình để thực hiện các quy định của tổ chức FSC quốc tế. Rút kinh nghiệm từ mô hình quản lý trên để sắp tới tiếp tục nghiên cứu nhân rộng ra trên toàn bộ diện tích cao su của tập đoàn một cách phù hợp theo đòi hỏi của thị trường”, ông Trần Ngọc Thuận- TGĐ VRG cho biết.