| Hotline: 0983.970.780

Vụ án Đồng Tâm: An ninh thắt chặt trước giờ xét xử

Thứ Hai 07/09/2020 , 07:53 (GMT+7)

Sáng 7/9, quá trình xét xử vụ án Đồng Tâm bắt đầu tại Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội với 29 bị cáo đều trú tại xã Đồng Tâm.

Sáng 7/9, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án 'Giết người' và 'Chống người thi hành công vụ' xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Sáng 7/9, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án 'Giết người' và 'Chống người thi hành công vụ' xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Hội đồng xét xử (HĐXX) vụ án Đồng Tâm gồm 5 người, thẩm phán Trương Việt Toàn (Phó Chánh Tòa Hình sự, TAND TP Hà Nội) làm chủ tọa phiên tòa và hai kiểm sát viên của VKSND TP Hà Nội được phân công giữ quyền công tố tại phiên tòa.

Theo dự kiến, phiên tòa xét xử vụ án đặc biệt nghiêm trọng ở Đồng Tâm sẽ kéo dài khoảng 10 ngày. Có khoảng 33 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 29 bị cáo bị truy tố về tội Giết người và tội Chống người thi hành công vụ.

Trong vụ án Đồng Tâm, có 25 bị cáo bị VKSND TP Hà Nội truy tố về tội giết người (Điều 123 BLHS năm 2015), gồm: Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Nguyễn Quốc Tiến, Nguyễn Văn Quân, Lê Đình Uy, Lê Đình Quang, Bùi Thị Nối, Bùi Thị Đục, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Thị Lụa, Trần Thị La, Bùi Văn Tiến, Nguyễn Văn Duệ, Lê Đình Quân, Bùi Văn Niên, Bùi Văn Tuấn, Trình Văn Hải, Nguyễn Xuân Điều, Mai Thị Phần, Đào Thị Kim, Lê Thị Loan và Nguyễn Văn Trung.

Ngoài ra, 4 bị cáo khác gồm Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến, Nguyễn Thị Dung và Trần Thị Phượng bị truy tố về tội chống người thi hành công vụ (Điều 330 BLHS năm 2015). 29 bị cáo bị VKSND TP Hà Nội truy tố trong vụ án này đều trú tại thôn Hoành và thôn Đồng Mít, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.

Toàn cảnh vụ án Đồng Tâm

Theo cáo trạng, vụ án đặc biệt nghiêm trọng ở Đồng tâm xảy ra ngày 9/1 đã được các bị cáo chuẩn bị kế hoạch tấn công và hung khí từ trước.

Khi biết thông tin Công an Thành phố Hà Nội phối hợp với Quân chủng Phòng không - Không quân (Bộ Quốc phòng) triển khai bảo vệ lực lượng thi công xây dựng tường rào Sân bay Miếu Môn trên đất đồng Sênh, ông Lê Đình Kình (sinh năm 1936, trú tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm) đã cùng với Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Nguyễn Quốc Tiến, Đào Thị Kim, Lê Đình Quang, Bùi Văn Tiến, Lê Đình Uy, Trần Thị La, Lê Thị Loan, Mai Thị Phần, Bùi Thị Nối, Bùi Thị Đục, Nguyễn Thị Lụa và Nguyễn Thị Bét... góp tiền mua 10 quả lựu đạn, mua xăng để làm 85 chai bom xăng, mua khoảng 10 tuýp sắt có gắn dao bầu và liềm, nhặt gạch đá, làm bùi nhùi, mua pháo... nhằm tấn công lực lượng chức năng.

Ông Lê Đình Kình còn cùng Lê Đình Công, Hiển, Tuyển tổ chức quay video, ghi hình trực tiếp và đăng tải các video clip trên mạng xã hội, mạng Internet, tuyên bố rằng nếu lực lượng công an đến Đồng Tâm thì sẽ bị “tiêu diệt” từ 300 - 500 người.

Đầu tháng 1/2020, khi biết lực lượng Công an Thành phố Hà Nội sẽ về xã Đồng Tâm triển khai nhiệm vụ theo kế hoạch, ông Kình đã cùng nhiều đối tượng tổ chức họp tại nhà vào các ngày 6 - 8/1 để chỉ đạo chống đối, sát hại lực lượng công an.

Chiều 8/1, theo chỉ đạo của ông Kình, Công đã yêu cầu đồng bọn mang các hung khí gồm tuýp sắt có gắn dao bầu, gắn liềm, bom xăng, các bao chứa gạch đá tập trung tại nhà Kình để tấn công lực lượng công an.

Hành vi này của các bị cáo trong vụ án Đồng Tâm bị Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội xác định là phạm tội có tổ chức, có bàn bạc, phân công công việc cụ thể, có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng để thực hiện mục tiêu sát hại lực lượng công an.

Thậm chí, các đối tượng còn ngang nhiên tuyên bố sẽ “tiêu diệt” nếu lực lượng công an đến Đồng Tâm, bất chấp hành vi đó là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội và gây mất trật tự an ninh trong khu vực.

Trong 3 năm (từ năm 2017 đến đầu năm 2020), ông Kình đã chỉ đạo “Tổ đồng thuận” và nhiều đối tượng khác liên tiếp gây ra nhiều vụ việc như vụ gây rối trật tự công cộng xảy ra ngày 1/3/2017 và ngày 7/3/2017 tại thôn Hoành;

Vụ bắt giữ người trái pháp luật, cố ý làm hư hỏng tài sản ngày 15/4/2017 tại thôn Hoành, vụ gây rối ngày 28/6/2018 tại Kỳ họp thứ 8 Hội đồng nhân dân xã Đồng Tâm khóa XIX nhiệm kỳ 2016 - 2021 làm cuộc họp phải dừng lại;

Vụ gây rối ngày 15/4/2018 tại Nhà văn hóa thôn Hoành khi Ủy ban nhân dân xã Đồng Tâm tổ chức Chương trình khám bệnh, phát thuốc cho hộ nghèo, hộ khó khăn, người cao tuổi và người khuyết tật;

Vụ gây rối ngày 3/12/2018 tại hội trường Ủy ban nhân dân xã Đồng Tâm khi đang diễn ra Hội nghị đại biểu Hội đồng nhân dân huyện Mỹ Đức tiếp xúc cử tri; vụ lăng mạ, chửi bới, đe dọa ông Trịnh Văn Hòa (sinh năm 1962; trú tại Xóm 4, thôn Hoành, xã Đồng Tâm) xảy ra ngày 1/4/2018;

Vụ gây rối ngày 26/11/2019 tại phòng tiếp dân của Ủy ban nhân dân xã Đồng Tâm…

Tất cả những vụ việc này đều nhằm mục đích gây rối, lôi kéo người dân cùng tham gia khiếu kiện, gây mất trật tự an ninh tại địa phương.

Xem thêm
Cảnh báo nạn trộm cắp cà phê đầu vụ thu hoạch

GIA LAI Một số vùng trồng cà phê tại Tây Nguyên đã xuất hiện tình trạng bẻ cành, hái trộm cà phê chín sớm khi vụ thu hoạch đang cận kề và giá cao hơn nhiều năm.

Phát hiện người đàn ông treo cổ tại rừng thông

Hiện cơ quan chức năng vẫn chưa xác minh được danh tính người đàn ông treo cổ tử vong tại rừng thông do không mang theo giấy tờ tùy thân.