Sáng 9/3, phiên phúc thẩm vụ án đặc biệt nghiêm trọng tại Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang phần tranh luận. Đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội được quyền nêu quan điểm xử lý kháng cáo của 6 bị cáo trong vụ án “Giết người”, “Chống người thi hành công vụ”.
Tại bản án sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Lê Đình Công, Lê Đình Chức tử hình; Lê Đình Doanh tù chung thân; Bùi Viết Hiểu 16 năm tù và Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù cùng về tội "Giết người". Bị cáo Bùi Thị Nối bị tuyên phạt 6 năm tù giam về tội "Chống người thi hành công vụ". Sau đó cả 6 bị cáo đều cho rằng bản án sơ thẩm dành cho mình là quá nặng và đã kháng cáo.
Sau khi đánh giá toàn diện vụ án, tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo, lời khai các bị cáo có trong hồ sơ vụ án, tại phiên sơ thẩm cũng như các tình tiết bổ sung tại phiên phúc thẩm, đại diện Viện KS đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên hình phạt đối với các bị cáo có kháng cáo.
Đại diện Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội nhận định về vụ án Đồng Tâm. Bị cáo Lê Đình Chức (con ruột của Lê Đình Kình) khai nhận hành vi phạm tội. Song, xét thấy, hành vi của bị cáo là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm chết 3 người đang thi hành công vụ, thể hiện tính côn đồ, tàn ác, mất nhân tính và không còn khả năng cải tạo, nên cần thiết phải áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc nhất của khung hình phạt. Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo không có thêm tình tiết mới nên Viện KS thấy cần thiết y án sơ thẩm với bị cáo.
Đối với bị cáo Lê Đình Doanh, là con của bị cáo Công, kiểm sát viên đánh giá người này trực tiếp mua dao bầu, liềm và sau ném bom xăng, đổ xăng vào hố theo chỉ đạo của Chức khiến 3 cảnh sát tử vong.
Bị cáo Doanh có nhân thân rất xấu, nhiều tiền án tiền sự và đáng lẽ phải tử hình nhưng do còn trẻ, chịu ảnh hưởng của ông Lê Đình Kình… nên cấp sơ thẩm tuyên án tù chung thân đã thể hiện tính nhân văn. Bị cáo không có thêm tình tiết nào giảm nhẹ nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo.
Bị cáo Bùi Viết Hiểu bị kiểm sát viên xác định là người biết rõ nhất vấn đề nguồn gốc đất đai nhưng thay vì giải thích cho bà lại cố tình xuyên tạc, tụ tập lăng mạ lực lượng chức năng.
Bị cáo Hiểu còn cấu kết với Lê Đình Kình, bàn bạc việc mua lựu đạn và ngày 9/1/2020 đã trực tiếp ném 2 bom xăng. Kiểm sát viên cho rằng với những hành vi như vậy, mức án 16 năm tù cho bị cáo là phù hợp, không có căn cứ giảm nhẹ.
Tương tự, bị cáo Nguyễn Quốc Tiến bị xác định góp tiền và sau đó trực tiếp đi mua 10 quả lựu đạn. Rạng sáng 9/1, bị cáo bắn pháo để ra hiệu tấn công cảnh sát; giúp sức việc giết người… Bị cáo không có căn cứ giảm nhẹ mới nên không thể thay đổi án 13 năm tù.
Kiểm sát viên cũng cho rằng, bị cáo Bùi Thị Nối (SN 1958) là con nuôi Lê Đình Kình, từng kháng cáo xem xét lại toàn bộ bản án nhưng sau khi được giải thích pháp luật đã nhận ra hành vi phạm tội của mình.
Xét lời khai từ quá trình điều tra đến nay, bị cáo Nối đều thừa nhận cùng một số người khác thực hành tích cực việc tấn công lực lượng chức năng bằng gạch đá, bom xăng, dao… nên thỏa mãn tội “Chống người thi hành công vụ”. Mức án 6 năm tù được tuyên cho bị cáo Nối là phù hợp, không có căn cứ giảm nhẹ.
Cũng theo kiểm sát viên, bản án sơ thẩm đã tuyên đúng pháp luật, nghiêm minh với những kẻ chủ mưu cầm đầu và khoan hồng cho những người bị lôi kéo xúi giục... Vì vậy, đại diện viện kiểm sát đề nghị cấp phúc thẩm giữ nguyên án, bác kháng cáo của 6 người trên.