| Hotline: 0983.970.780

Vụ chuyển nhượng đất không qua đấu giá ở Bình Dương: Ai được hưởng lợi?

Thứ Bảy 19/10/2019 , 07:05 (GMT+7)

Năm 2016, Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng Công ty Bình Dương) hoàn thành việc chuyển nhượng quyền sử dụng hai lô đất với tổng diện tích hơn 1,88 triệu m2 tại TP. Thủ Dầu Một.

16-17-17_img-6222
Địa ốc Kim Oanh khởi công dự án trên diện tích đất vàng 43 ha.

Trong đó hơn 1.450.101 m2 được tính với giá 6 USD/m2 và hơn 430.000 m2 được tính với giá hơn 250 tỷ đồng (tương đương 581 nghìn đồng/m2). Điều quan trọng là cả hai khu đất này đều được Tổng Công ty Bình Dương tự định giá và chuyển nhượng không đấu giá.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng Công ty Bình Dương ngày 31/12/2016, ghi nhận doanh thu chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương (Khu liên hợp Bình Dương) cho Cty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tân Thành (Công ty Tân Thành) và Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú) với tổng giá trị là hơn 525,6 tỷ đồng.

Năm 2016, Tổng Công ty Bình Dương chuyển nhượng 1.450.101 m2 đất cho Công ty Tân Thành. Năm 2007, Tổng Công ty liên doanh với K Source và International Construction thành lập Công ty Tân Thành với mục đích đầu tư và khai thác dự án “Câu lạc bộ sân golf & Khu nghỉ dưỡng Đảo Hồ Điệp” tại khu đất thuộc Khu liên hợp Bình Dương.

Tổng Công ty Bình Dương và Công ty Tân Thành đã ký Biên bản thỏa thuận thống nhất tổng khu đất của Tổng Công ty bàn giao hơn 1.450.101 m2, mỗi m2 có giá là 16 USD. Tổng giá trị quyền sử dụng đất của khu đất là hơn 8,7 triệu USD tương đương hơn 139,2 tỷ đồng sẽ được công ty góp vốn vào Công ty Tân Thành. Phần giá trị còn lại thiếu so với cam kết sẽ được Tổng Công ty góp bằng tiền mặt; giá trị đã đầu tư trên khu đất là hơn 14,5 triệu USD tương đương hơn 275,5 tỷ đồng được cấn trừ với khoản Công ty Tân Thành đã ứng.

Trong năm 2016, Tổng Công ty Bình Dương xuất hóa đơn phần giá trị hạ tầng cho Công ty Tân Thành, và đã chuyển nhượng khu đất với tổng diện tích 430.000,3 m2 (43ha) tại Khu liên hợp Bình Dương, phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cho Công ty Tân Phú.

Theo hợp đồng chuyển nhượng giữa Tổng Công ty Bình Dương và Công ty Tân Phú ngày 8/12/2016, tổng giá trị chuyển nhượng là hơn 250,1 tỷ đồng (khoảng hơn 581 nghìn đồng/m2 đất). Khu đất hơn 43 này được coi là đất “vàng” nằm ngay góc đường Võ Văn Kiệt và Phạm Ngọc Thạch thuộc TP. Thủ Dầu Một; có mặt tiền gần 2.000 m, dọc theo đường Phạm Ngọc Thạch.

Ngày 29/7/2016, Tỉnh ủy Bình Dương đã có văn bản số 407- CV/TU về việc phê duyệt chi tiết phương án sử dụng đất của Tổng Công ty thì đây là khu đất nằm trong danh mục chuyển giao từ Tổng Công ty Bình Dương sang Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương. Từ đó có thể thấy khu đất hơn 43ha này không nằm trong danh sách tài sản thanh lý trước khi cổ phần hóa hay quản lý của Tổng Công ty Bình Dương (?). Và điều này đồng nghĩa với việc Tổng Công ty Bình Dương có dấu hiệu “bán chui” hơn 43ha đất công?

Ngày 1/7/2010, Tổng Công ty Bình Dương và Công ty CP bất động sản Âu Lạc (Công ty Âu Lạc) ký Hợp đồng thỏa thuận liên doanh - Công ty Tân Phú. Tỷ lệ vốn góp trong liên doanh, Công ty Âu Lạc 70% và Tổng Công ty Bình Dương 30% để đầu tư trên 43ha đất với tên gọi Khu đô thị - Thương mại - Dịch vụ Tân Phú (Khu đô thị Tân Phú).

16-17-17_img-5983
Ai là người hưởng lợi trong thương vụ chuyển nhượng 43ha đất vàng không qua đấu giá?

Hai bên thống nhất hoàn trả tiền đền bù, giải phóng mặt bằng khu đất này cho Cty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (tiền thân của Tổng Công ty Bình Dương) giá 570.000 đồng/m2. Ngày 28/09/2012 tỉnh Bình Dương có Quyết định số 2631/QĐ- UBND giao 43ha đất cho Tổng Công ty Bình Dương và ngày 29/11/2012 tỉnh Bình Dương phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 cho KĐT Tân Phú.

Ngày 30/11/2016, Hội đồng thành viên Tổng Công ty Bình Dương họp “Về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất diện tích 43ha này với giá hơn 250,1 tỷ đồng (tương đương với hơn 581 nghìn đồng/m2). Ở đây, Tổng Công ty Bình Dương đã tự định giá bán hơn 430.000 m2 đất cho Công ty Tân Phú mà không qua bất kỳ định giá hay tổ chức đấu giá nào?

Ngày 8/12/2016, Tổng Công ty Bình Dương ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng lô đất 43 ha cho Cty Tân Phú với giá 250 tỷ đồng. Lúc này, theo Quyết định 66/2015/QĐ-UBND ngày 23/12/2015 của tỉnh Bình Dương ban hành quy định bảng giá các loại đất áp dụng cho năm 2016 trên địa bàn thì bảng giá đất ở đô thị khu vực TP Thủ Dầu Một mức giá là 24,570 triệu đồng/m2.

Điều ngạc nhiên là: Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 của Tổng Công ty Bình Dương nắm 30% vốn đầu tư tại Công ty Tân Thành, với số tiền hơn 196,3 tỷ đồng (trên tổng số 650 tỷ đồng). Nhưng sau khi được chính thức nhận quyền sử dụng đất thì giá trị Công ty Tân Thành lại tăng một cách đột biến.

Cụ thể, Văn bản giải trình số 76/TCTY-TGĐ về ý kiến kiểm toán ngoại trừ trên Báo cáo tài chính riêng cho kỳ kế toán từ ngày 1/11/2018 đến ngày 31/12/2018 của Tổng Công ty Bình Dương cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội thì giá trị của Công ty Tân Thành hơn 5.744,5 tỷ đồng (tăng khoảng 5.094 tỷ đồng) và Tổng Công ty Bình Dương đã phải mua thêm 19% cổ phần của Công ty Tân Thành với giá là... hơn 964,3 tỷ đồng (?).

Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của Công ty Tân Thành trong ba năm liên tiếp (2016, 2017, 2018) đều đạt ở mức thấp với lợi nhuận sau thuế đều rất khiêm tốn. Cụ thể, năm 2016 lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là hơn 24,1 triệu đồng và đây cũng là mức lợi nhuận của năm 2017. Năm 2018 lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là... hơn 23,1 tỷ đồng. Một vấn đề đặt ra là: Ai là người được hưởng lợi trong thương vụ chuyển nhượng 43 ha đất công chưa qua đấu giá này?

(Kiến thức gia đình số 42)

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất