| Hotline: 0983.970.780

Vụ đầu đã vướng

Thứ Tư 13/06/2012 , 10:27 (GMT+7)

Dịch bệnh tôm vẫn diễn biến phức tạp, tôm chết nhiều, dẫn tới thủ tục đền bù thiệt hại gặp rắc rối.

Sóc Trăng là một trong 5 tỉnh ở ĐBSCL (gồm Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau) triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) giai đoạn 2011-2013 trên tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên dịch bệnh tôm vẫn diễn biến phức tạp, tôm chết nhiều, dẫn tới thủ tục đền bù thiệt hại gặp rắc rối.

Nông dân hưởng ứng

Từ tháng 2/2012, Cty Bảo Việt Sóc Trăng được chọn là đơn vị triển khai BHNN trên tôm nuôi tại địa bàn 9 xã, phường trọng điểm của 3 huyện, thị xã gồm: Phường Khánh Hòa, xã Hòa Đông, xã Vĩnh Hiệp (thị xã Vĩnh Châu); xã Lịch Hội Thượng, xã Trung Bình, xã Liêu Tú (huyện Trần Đề); xã Hòa Tú 2, xã Ngọc Tố, xã Gia Hòa 2 (huyện Mỹ Xuyên).

Tuy BHNN khá mới mẻ và lần đầu triển khai trên nhiều xã đang vào vụ nuôi tôm, nhưng qua hướng dẫn thông suốt các điều khoản tham gia BH, người dân hiểu được lợi ích của việc này, giúp giảm bớt phần nào rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh; đồng thời được hỗ trợ một phần vốn để tái SX.

Đến ngày 26/5/2012, Cty Bảo Việt Sóc Trăng bán BHNN tôm nuôi đạt tổng doanh thu hơn 5,7 tỷ đồng, với 879 hộ đăng ký tham gia trên tổng diện tích 497,57 ha ao tôm nuôi. Trong đó có 842 hộ nghèo với 408,22 ha, phí BH là 3,391 tỷ đồng (Nhà nước hỗ trợ 100%); 4 hộ cận nghèo với 2,7 ha, phí BH hơn 31 triệu đồng (Nhà nước hỗ trợ 80% tương đương hơn 24,8 triệu đồng, người dân đóng 6,2 triệu đồng); 33 hộ bình thường (không thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo) tự nguyện đăng ký tham gia 86,65 ha, phí BH hơn 2,3 tỷ đồng (Nhà nước hỗ trợ 60% tương đương hơn 1,4 tỷ đồng và phần còn lại người dân đóng hơn 938 triệu đồng).


Người nuôi tôm đang thực hiện thí điểm BHNN

Nếu so với thống kê ban đầu tại 9 xã, phường thuộc 3 huyện, thị xã thí điểm có 12.401 hộ nuôi tôm, trong đó 2.359 hộ nghèo, 2.084 hộ cận nghèo và số còn lại là hộ không thuộc diện nghèo, cận nghèo thì thực tế số hộ tham gia BHNN còn khá khiêm tốn. Qua tìm hiểu tâm tư của đa số hộ dân nhỏ lẻ nuôi tôm, đặc biệt là với hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ 100% phí bảo hiểm, họ đều vui mừng, phấn khởi và bày tỏ nguyện vọng sẵn sàng tham gia. Tuy nhiên, sau một năm (2011) dịch bệnh tôm hoành hành gây hậu quả nặng nề, nhiều hộ nghèo mất đứt vốn, trắng tay và còn nợ nên khó vay ngân hàng, thiếu vốn thả tôm, không thể tham gia BH. Riêng 33 hộ tự nguyện đăng ký BH (thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ 60%) cho thấy họ có ý thức chủ động đo lường mức độ rủi ro có thể xảy ra. Thế nhưng điều chẳng mong muốn lại đến, tôm bị dịch bệnh chết khá nhiều.

Đầu xuôi, đuôi... vướng

Cty Bảo Việt Sóc Trăng cho biết: Tính đến ngày 26/5 có 59 hộ nuôi tôm tham gia BH bị thiệt hại hơn 65,6 ha, ước tính số tiền bồi thường hơn 3 tỷ đồng. Nhưng con số này chưa dừng lại và hiện còn một số hộ còn bị thiệt hại chưa cập nhật kịp thời.

Ông Quách Pái, Phó GĐ Cty Bảo Việt Sóc Trăng cho rằng: Về thủ tục bồi thường đều thực hiện đúng theo trình tự. Tuy nhiên khi xác nhận về bệnh tôm chết phát sinh rắc rối. Theo Thông tư số 47/2011/TT-BNNPTNT (ngày 29/6/2011) của Bộ NN-PTNT về hướng dẫn thực hiện thí điểm BHNN trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản theo Quyết định số 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tại Điều 3 Quy định về các loại thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm và xác định mức độ thiệt hại để hỗ trợ thí điểm BHNN đối với tôm sú là: Bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng, bệnh teo và hoại tử gan tụy; đối với tôm thẻ chân trắng là: Bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng, bệnh hội chứng Taura, bệnh teo và hoại tử gan tụy. Còn bệnh khác không bồi thường. Vướng mắc hiện thời là phần nhiều diện tích nuôi tôm bị bệnh chết với các triệu chứng teo gan, hoại tử gan tụy. Cơ quan thú y tỉnh qua kiểm nghiệm chưa xác định được tác nhân gây bệnh nên không thể xác nhận để làm cơ sở bồi thường thiệt hại.

Theo Quyết định 315/QĐ-TTg, hộ nghèo được hỗ trợ 100% phí BH, hộ cận nghèo được hỗ trợ 80%, hộ không thuộc diện nghèo, cận nghèo hỗ trợ 60%, tổ liên kết SX được hỗ trợ 20% phí BH.

Để tháo gỡ thủ tục bồi thường cho người nuôi tôm bị thiệt hại, vừa qua được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo (BCĐ) BHNN tỉnh Sóc Trăng đề nghị UBND tỉnh cho phép Chi cục Thú y xác nhận bệnh tôm chết lâm sàng.

Tuy vậy đến hết tháng 5/2012 trở ngại về mặt thủ tục này vẫn còn nằm chờ. Trong khi phía người nuôi tôm tham gia BH sốt ruột, phàn nàn thủ tục để được bồi thường còn quá nhiêu khê và mất thời gian chờ đợi. Bởi vì đến khi nhận được tiền bồi thường thì muốn tái SX trở lại thời vụ đã đi qua.

Mặt khác, Cty Bảo Việt Sóc Trăng cho biết: Qua thí điểm có một số vướng mắc khác chưa được hướng dẫn về cơ chế hoạt động thực hiện BHNN như: Chi phí xuất từ nguồn nào cho các hoạt động cho BCĐ BHNN; chi phí cho đơn vị BH về lương cán bộ BH, chi phí hoa hồng. Theo cơ cấu Chủ tịch UBND xã làm chủ hợp đồng BH và một nhân viên làm đại lý cho đơn vị BH…chế độ 2 nhân sự này như thế nào ? Đó là chưa kể đến khó nhất là chi phí cho cán bộ thú y trong công tác lấy mẫu, xét nghiệm…Tất cả vì chưa có qui định cụ thể nên hiện thời UBND tỉnh Sóc Trăng phải chi tạm ứng 1,1 tỷ đồng cho các chi phí trên.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm