| Hotline: 0983.970.780

Vụ đấu mỏ cát 9,5 tỷ lên hơn 100 tỷ: ‘Chúng tôi đấu để làm’

Thứ Ba 22/10/2024 , 17:00 (GMT+7)

Phó Giám đốc Công ty Trọng Tín khẳng định, doanh nghiệp đấu giá mỏ vật liệu cao là để làm và đủ nguồn lực tài chính để thực hiện khai thác.

Liên quan đến thông tin một doanh nghiệp tại Hà Tĩnh “ôm trọn” 3/4 mỏ vật liệu xây dựng vừa đấu giá ngày 21/10 với giá cao ngất ngưởng, chiều nay (22/10), ông Lê Duy Trung, Phó Giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng bất động sản Trọng Tín (Công ty Trọng Tín) khẳng định với Báo Nông nghiệp Việt Nam, công ty đấu giá cao như vậy là để làm, không phải đấu cho vui.

Trụ sở Công ty Trọng Tín tại phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

Trụ sở Công ty Trọng Tín tại phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

“Công ty chủ động đấu giá cao từ đầu luôn chứ không thể phụ thuộc địa phương để hưởng cơ chế đặc thù. Còn nguồn lực tài chính thưc hiện thì luôn sẵn sàng”, ông Trung nói.

Theo ông, lý do doanh nghiệp đấu các mỏ vật liệu trên địa bàn Hà Tĩnh là để tới đây thực hiện cung cấp cho dự án cao tốc Bắc – Nam và khu công nghiệp VSIP. Công ty đã tính toán, cân đối sự chủ động nguồn vật liệu nếu không các doanh nghiệp địa phương sẽ ép giá dẫn đến thi công thiệt hại.

Khi được hỏi vì sao đấu giá các mỏ lên giá cao như vậy?, vị Phó Giám đốc cho biết, đơn vị đã tính toán hết giá thành và với mức giá đã đấu trúng thì đang có lợi nhiều.

“Ví dụ mỏ đất san lấp, chúng tôi tính toán tiền đấu và nộp thuế các kiểu hết khoảng 20 tỷ, chia cho khoảng 600 ngàn m3, tính ra giá thành 30 ngàn đồng/m3, trong khi giá nhà nước 38 ngàn đồng/m3. Hơn nữa chúng tôi không lấy lợi nhuận từ mỏ mà ăn từ công tác thi công, thực hiện đạt tiến độ…”, ông Trung nhấn mạnh.

Buổi đấu giá mỏ vật liệu xây dựng ngày 21/10 gây xôn xao dư luận Hà Tĩnh. Ảnh: M.Nhật.

Buổi đấu giá mỏ vật liệu xây dựng ngày 21/10 gây xôn xao dư luận Hà Tĩnh. Ảnh: M.Nhật.

Trước đó, ngày 21/10, Công ty đấu giá hợp danh Minh Nhật (TP Hà Tĩnh) tổ chức đấu giá 4 quyền khai thác khoáng sản làm vật vật liệu xây dựng thường trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đợt 1 năm 2024.

Kết quả đấu giá chiều cùng ngày cho thấy, Công ty Trọng Tín, phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh đã trúng 3/4 mỏ đưa ra đấu giá lần này.

Cụ thể, mỏ đất san lấp Ngọc Sơn 1, xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà (diện tích 8,63ha), giá khởi điểm để tính tiền đặt trước hơn 1,8 tỷ đồng (R=3%) nhưng Công ty Trọng Tín đã đấu lên 112 bước, vượt giá 33,6%.

Mỏ đất làm gạch, ngói xã Hà Linh, huyện Hương Khê (hơn 20ha), giá khởi điểm hơn 7,5 tỷ đồng (R=5%) được đấu thành công với 63 bước giá, vượt giá 32,5%.

Mỏ cát Cụp Bàu, phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh (diện tích hơn 49 ha), giá khởi điểm hơn 9,5 tỷ đồng (R=5%), Công ty Trọng Tín đấu lên 117 bước, vượt giá 58,5%.

Riêng mỏ đất san lấp Lưu Vĩnh Sơn 1, xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà (diện tích hơn 17ha), doanh nghiệp trúng đâu giá là Công ty TNHH Xây dựng và thương mại An Bình. Mỏ này có giá khởi điểm để tính tiền đặt trước hơn 3,4 tỷ đồng (R=3%), vượt giá 37,5% với 125 bước giá.

Theo tính toán của một doanh nghiệp thường xuyên đấu giá mỏ vật liệu, số tiền Công ty Trọng Tín trúng đấu giá 3 mỏ khoảng 200 tỷ đồng.

Cụ thể, mỏ san lấp Ngọc Sơn 1 từ 1,8 tỷ đấu lên gần 22 tỷ đồng. Mỏ đất làm gạch, ngói xã Hà Linh từ 7,5 tỷ đồng đấu lên khoảng 62 tỷ đồng. Mỏ cát Cụp Bàu từ 9,5 tỷ đồng được đấu lên hơn 120 tỷ đồng.

Khi dự án trọng điểm tại Hà Tĩnh triển khai nhiều cũng là lúc thiếu hụt vật liệu xây dựng nghiêm trọng. Việc đấu giá mỏ cũng từ đó 'nóng' hơn bao giờ hết. Ảnh: Thanh Nga.

Khi dự án trọng điểm tại Hà Tĩnh triển khai nhiều cũng là lúc thiếu hụt vật liệu xây dựng nghiêm trọng. Việc đấu giá mỏ cũng từ đó 'nóng' hơn bao giờ hết. Ảnh: Thanh Nga.

Đối với vốn điều lệ của Công ty Trọng Tín, một cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cho biết, theo quy định, doanh nghiệp tham gia đấu giá có vốn điều lệ phải đảm bảo 50% dự toán thăm dò và đạt 30% vốn dự án được cấp phép đầu tư. Công ty Trọng Tín có vốn điều lệ 5 tỷ đồng, dự toán thăm dò tổng cộng của 3 mỏ vật liệu nói trên khoảng 5,5 tỷ đồng. Vì thế, doanh nghiệp này đảm bảo điều kiện theo quy định.

Thời gian từ khi trúng đấu giá đến cấp phép đầu tư còn dài, doanh nghiệp có thể huy động vốn để đảm bảo theo quy định là đạt 30% vốn dự án được cấp phép đầu tư.

Xem thêm
Vượt Philippines, chuối Việt Nam giữ 'ngôi vương' tại thị trường Trung Quốc

Việt Nam trở thành nguồn cung chuối lớn nhất cho Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2024, lượng nhập khẩu đạt 459,94 nghìn tấn, trị giá 189,82 triệu USD.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Bảo hiểm bảo lãnh đòn bẩy giúp thay đổi cục diện tài chính doanh nghiệp Việt?

Hành lang pháp lý cho bảo hiểm bảo lãnh tại Việt Nam đã dần được củng cố qua các nghị định và luật, tạo nền tảng vững chắc cho ngành bảo hiểm.

Giới đầu tư săn tìm biệt thự ven biển Hạ Long khi nguồn cung nhỏ giọt

QUẢNG NINH Quỹ đất trực vịnh Hạ Long ngày càng khan hiếm khiến nguồn cung biệt thự ven biển ít ỏi, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội từ dòng sản phẩm này.

Bình luận mới nhất