| Hotline: 0983.970.780

Vụ đông -Những mảng màu sáng tối: (Bài 3) Chia vùng liên kết sản xuất

Thứ Tư 16/09/2020 , 07:30 (GMT+7)

Ngoài sản xuất ngô, rau ăn lá, khoai lang, vụ đông 2020 Hà Tĩnh khuyến khích liên kết sản xuất cây trồng ưa ấm như hoa, dưa lưới, bí xanh…

Thấy gì từ thất bại các cánh đồng liên kết?

Thất bại của dự án chăn nuôi bò Bình Hà đã 'khai tử' luôn mô hình liên kết trồng ngô sinh khối ở huyện Hương Khê. Ảnh: Thanh Nga.

Thất bại của dự án chăn nuôi bò Bình Hà đã "khai tử" luôn mô hình liên kết trồng ngô sinh khối ở huyện Hương Khê. Ảnh: Thanh Nga.

Từ bao đời nay, sản xuất vụ đông vẫn luôn là thử thách đối với nông dân Hà Tĩnh. Mặc dù quỹ đất có thể làm vụ đông lên đến trên 20.000 ha song quá trình canh tác gặp quá nhiều bất thuận nên con số sản xuất thực tế hàng năm chỉ dao động trên dưới 10.000 ha.

Còn nhớ, thời kỳ “thịnh vượng” nhất sản xuất vụ đông là năm 2014, khi Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) đầu tư khảo nghiệm, mở rộng chuỗi liên kết sản xuất rau, củ, quả chất lượng cao trên cát ven biển huyện Thạch Hà, với diện tích hàng trăm ha. Cùng thời điểm ấy, nhiều doanh nghiệp cũng hăng hái “thử sức” như: Công ty CP Môi trường đô thị, Công ty Đầu tư và Phát triển Công thương Miền Trung...

Sản phẩm của nông dân Hà Tĩnh lúc bấy giờ từng thâm nhập được các siêu thị, bàn ăn của những nhà hàng nổi tiếng, đưa lại thu nhập cả trăm triệu đồng/ha. Tuy nhiên, chẳng ai có thể tưởng tượng, nơi đã từng thực hiện dự án mang kỳ vọng về cuộc cách mạng nông nghiệp công nghệ cao ở Hà Tĩnh lại bị “trượt dốc”, lãng quên nhanh đến vậy. Những vùng đất giờ trống trơ cát trắng, hệ thống vòi phun theo công nghệ Irael cũ kỹ, chỏng chơ đã hoen ố.

Năm 2018, sau thời gian hoạt động cầm chừng, UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định bán lại dự án này cho Tập đoàn FLC với giá hơn 8 tỷ đồng.

Liên kết sản xuất ngô sinh khối như quả bóng 'xì hơi'. Ảnh: Thanh Nga.

Liên kết sản xuất ngô sinh khối như quả bóng "xì hơi". Ảnh: Thanh Nga.

Sau 2 năm tiếp quản lại dự án từ Mitraco, cánh đồng rau công nghệ cao từng “thẳng cánh cò bay” chẳng thể vực lại. Ngoại trừ một số diện tích thanh long teo tóp thì gần như... cỏ là loài “chủ lực”. Những khu sản xuất đứt quãng, tiêu điều vì sự bồi lấp, hoang mạc hóa của cát.

Dấu vết duy nhất của dự án công nghệ cao trên cát chỉ còn lại vài chục ha là đất sản xuất của bà con nông dân vùng Thạch Văn, Thạch Trị (Thạch Hà), Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên). Họ duy trì sản xuất đủ để cung cấp thị trường nhỏ lẻ.

Vẫn là câu chuyện liên kết, sau thất bại của dự án rau trên cát, năm 2016 – 2017, dự án chăn nuôi bò Bình Hà (huyện Cẩm Xuyên) khởi động, hứa hẹn là “mỏ” tiêu thụ hàng triệu tấn ngô sinh khối, mở ra cơ hội mới cho nông dân địa phương.

Thời điểm này, một số huyện như Hương Khê, Hương Sơn, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh … ký hợp đồng liên kết sản xuất ngô sinh khối với Công ty TNHH Vitad để bán cho trại bò Bình Hà. Theo ông Ngô Đăng Hồng, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã Hà Linh, huyện Hương Khê, lúc bấy giờ tổ chức sản xuất tốt nên hiệu quả kinh tế từ ngô sinh khối đem lại cho bà con khá cao, dân rất phấn khởi.

Doanh nghiệp 'lật kèo' hoặc nông dân 'bội tín', phá vỡ hợp đồng là một trong những nguyên nhân chính khiến các mô hình liên kết sản xuất cây vụ đông ở Hà Tĩnh thất bại. Ảnh: Thanh Nga.

Doanh nghiệp "lật kèo" hoặc nông dân "bội tín", phá vỡ hợp đồng là một trong những nguyên nhân chính khiến các mô hình liên kết sản xuất cây vụ đông ở Hà Tĩnh thất bại. Ảnh: Thanh Nga.

Ông Ngô Đăng Hồng, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hà Linh: 20 năm làm cán bộ khuyến nông của xã, tôi thấy tâm lý người dân thường chờ thời tiết thuận lợi, chờ người khác xuống giống trước, thậm chí là chờ... hỗ trợ nên thời vụ sản xuất rất muộn.

Theo tôi, chính sách hỗ trợ giống không biết bao nhiều là đủ, thậm chí còn tạo tâm lý ỉ lại trong dân. Do đó, tỉnh, huyện cần bỏ chính sách này, thay vào đó đầu tư nguồn lực cho việc tìm đầu ra, tăng giá thu mua sản phẩm lên, lúc đó dân ắt sẽ mặn mà sản xuất vụ đông.

“Thời điểm hoàng kim nhất riêng xã Hà Linh sản xuất đến 42 ha ngô sinh khối. Nhưng năm 2018 Công ty chăn nuôi bò Bình Hà phá sản đã “khai tử” luôn mô hình liên kết tiêu thụ ngô sinh khối với Công ty Vitad”, ông Hồng nói. Đồng thời phân tích, sở dĩ bây giờ người dân không còn mặn mà với sản xuất vụ đông là bởi vai trò “đầu kéo” của doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm chưa đủ lớn.

Còn nhớ, năm 2018, sau khi Công ty Bình Hà phá sản, HTX dịch vụ nông nghiệp Hà Linh phải thuê xe chở ngô vào tận Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình và tỉnh Thái Bình để bán. Do chi phí vận chuyển cao nên giá thu mua tại ruộng cho nông dân buộc phải giảm từ 800.000đ/tấn xuống còn 700.000đ/tấn, thấp hơn giá đã ký kết trong hợp đồng, khiến nông dân mất niềm tin vào mô hình liên kết.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh, đã có thời điểm, diện tích ngô sinh khối toàn tỉnh đạt 3.500 ha (vào vụ đông 2017) và được xem là sản phẩm “cứu rỗi” vụ đông các huyện Hương Khê, Hương Sơn và Vũ Quang. Thế rồi, dự án chăn nuôi bò Bình Hà thất bại, doanh nghiệp đầu mối gặp khó trong khâu tiêu thụ, ngô sinh khối như quả bóng “xì hơi”. Đến vụ đông 2019, diện tích sản xuất ngô sinh khối chỉ còn lại 1.700 ha, giảm gần 1/2 diện tích so với năm 2017.

Câu chuyện “vỡ kèo” liên kết sản xuất cây vụ đông còn xảy ra ở rất nhiều địa phương khác như: Liên kết trồng ớt cay ở Cẩm Vịnh, Cẩm Hà; trồng khoai tây trên cát ở Cẩm Hòa, Cẩm Dương, thị trấn Thiên Cầm (Cẩm Xuyên); mô hình trồng ớt cay ở Đức Thọ...

Mô hình trồng ớt cay ở Cẩm Vịnh cũng bị doanh nghiệp “lật kèo” vì kiểu liên kết nửa vời. Vội vàng “bắt tay” với Công ty TNHH Anh Thôi (xã Xuân Quang, Thọ Xuân, Thanh Hóa) chỉ qua lời giới thiệu, đến thời điểm ớt chín thối không tiêu thụ được mới vỡ lẽ... hợp đồng chưa ký kết. Hậu quả, chính quyền tất tả kêu gọi cuộc giải cứu ớt “bất đắc dĩ”, còn người nông dân ngậm ngùi vì giá rẻ như cho.

Những cánh đồng rau liên kết chỉ còn trong hoài niệm. Ảnh: Thanh Nga.

Những cánh đồng rau liên kết chỉ còn trong hoài niệm. Ảnh: Thanh Nga.

Tất nhiên, ngoài việc doanh nghiệp “bội tín” thì ý thức của người sản xuất trong việc phá hợp đồng, vì lợi ích trước mắt bán ra ngoài thị trường cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cái kết không có hậu trong việc liên kết.

Quyết tâm nhưng không làm bằng mọi giá

Vụ đông năm 2020, chính quyền các cấp và ngành chuyên môn tỉnh Hà Tĩnh đặt mục tiêu sản xuất gần 11.000 ha các cây trồng chính: Ngô lấy hạt (hơn 3.000 ha); ngô sinh khối (hơn 2.000 ha); khoai lang (gần 1.600 ha) và rau các loại (hơn 4.300 ha).

Vụ đông năm 2020 Hà Tĩnh quyết tâm sản xuất đạt kế hoạch về diện tích song không làm bằng mọi giá. Ảnh: Thanh Nga.

Vụ đông năm 2020 Hà Tĩnh quyết tâm sản xuất đạt kế hoạch về diện tích song không làm bằng mọi giá. Ảnh: Thanh Nga.

Thực tế kế hoạch này cũng tương đương so với kết quả sản xuất vụ đông năm 2019. Tuy nhiên, tham vọng mà địa phương này đặt ra là gia tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích. Muốn làm được điều đó, Hà Tĩnh định hướng phân khúc vùng sản xuất và đa dạng hóa sản phẩm nhằm tránh mất cân đối cung  -cầu. Điều này cũng phù hợp với nguyện vọng của người sản xuất.

Thời vụ xuống giống của những cây trồng chủ lực vụ Đông ở Hà Tĩnh thường tập trung vào tháng 9, tháng 10. Song, đây cũng là cao điểm của lũ lụt, mưa lớn. Nhiều năm, bà con nông dân phải làm đi làm lại nhiều lần nên tâm lý chờ qua tiết Sương giáng (cuối tháng 10 - PV) bớt mưa mới tập trung sản xuất.

Ông Phan Văn Huân, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh cho hay, vùng sẽ tập trung sản xuất ngô sinh khối và ngô lấy hạt là các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ để phục vụ chăn nuôi nông hộ và cung cấp nguyên liệu cho Công ty bò sữa Vinamilk (khoảng 120 ha). Hiện một số xã như Sơn Lễ, Sơn Ninh (Hương Sơn); Hà Linh (Hương Khê)… đã ký hợp đồng cung cấp ngô nguyên liệu cho Công ty Vinamilk.

Vùng Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Kỳ Anh khuyến khích sản xuất ngô nếp thu bắp tươi. Cây khoai lang cơ cấu ở vùng cao của đất 2 lúa, đất cát pha thịt nhẹ các huyện Nghi Xuân, Thạch Hà, Lộc Hà. Rau các loại sản xuất tập trung trên đất chuyên canh rau, đất 2 lúa, đất vườn ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố.

“Đặc thù là vùng “túi mưa” nên sản xuất vụ đông ở Hà Tĩnh rủi ro rất cao. Năm nay, tỉnh chỉ đạo các địa phương quyết tâm để sản xuất đạt kế hoạch nhưng không làm bằng mọi giá”, ông Huân chia sẻ, đồng thời phân tích, việc làm bằng mọi giá sẽ đứng trước nguy cơ lãng phí trong đầu tư.

Để tránh mất cân đối cung - cầu, Hà Tĩnh phân khúc vùng sản xuất từng đối tượng cây vụ đông cụ thể. Ảnh: Thanh Nga.

Để tránh mất cân đối cung - cầu, Hà Tĩnh phân khúc vùng sản xuất từng đối tượng cây vụ đông cụ thể. Ảnh: Thanh Nga.

Theo dự báo, năm nay mưa lũ sẽ muộn nên các huyện căn cứ điều kiện thời tiết cụ thể ở địa phương mình để đôn đốc người dân xuống giống, tránh tình trạng sản xuất theo “thông lệ”... trông chờ như nhiều năm qua, dẫn đến trễ lịch thời vụ của ngành chuyên môn.

Ngoài phát triển nhóm cây trồng chủ lực trên, hai ba năm gần đây thời tiết Hà Tĩnh thiên về đông ấm nên các loại cây như dưa lưới, hoa, dưa chuột, bí xanh… đang được tỉnh khuyến khích phát triển. Vùng sản xuất tập trung thuộc các xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà); Đồng Môn, Thạch Hạ, Văn Yên (TP Hà Tĩnh). Nhân rộng mô hình dưa lưới ở huyện Đức Thọ, Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh; khoai tây tại các vùng đất thịt nhẹ, cát pha thuộc các xã bãi ngang Thạch Hà, Cẩm Xuyên…

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Vật nuôi khốn đốn vì mưa lạnh kéo dài

BÌNH ĐỊNH Thời gian gần đây, Bình Định có mưa lạnh kéo dài, khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm sút, đây là cơ hội để dịch bệnh phát sinh, người chăn nuôi lo ngay ngáy.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.