| Hotline: 0983.970.780

Vụ đông xuân 2021 - 2022: Năng suất đạt kỷ lục!

Thứ Năm 17/03/2022 , 15:49 (GMT+7)

Mặc dù vụ lúa đông xuân 2021-2022 tại Đồng bằng sông Cửu Long đạt năng suất cao nhất trong 20 năm gần đây nhưng do chi phí đầu vào tăng cao khiến lợi nhuận giảm.

Ngày 17/3, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ đông xuân 2021 - 2022; triển khai kế hoạch hè thu, thu đông, vụ mùa năm 2022 tại Nam bộ.

Trúng mùa nhưng lợi nhuận giảm

Vụ đông xuân 2021 - 2022, tổng diện tích xuống giống toàn vùng Nam bộ là 1.578 nghìn ha, giảm 18,26 nghìn ha; năng suất ước đạt 71,91 tạ/ha, tăng 0,28 tạ/ha; sản lượng ước đạt 11.358 nghìn tấn, giảm 87 nghìn tấn so với vụ đông xuân 2020 - 2021. Riêng vùng ĐBSCL xuống giống 1.505 nghìn ha, giảm 15 nghìn ha; năng suất ước đạt 72,51 tạ/ha, tăng 0,22 tạ/ha; sản lượng ước đạt 10.912 nghìn tấn, giảm 75 nghìn tấn. Năng suất lúa cao nhất trong 20 năm gần đây.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết, vụ đông xuân 2021 - 2022, sản xuất nông nghiệp đối mặt với 3 thách thức lớn: Đại dịch Covid-19, giá phân bón tăng cao kỷ lục và hạn hán, xâm nhập mặn dự báo nhiều nguy cơ.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, thời vụ đông xuân 2021 - 2022 đã được triển khai sớm hơn 20 - 30 ngày với diện tích xuống giống nhiều hơn ở vùng ven biển, cập nhật tình hình hạn, mặn và nguồn nước phục vụ sản xuất cần đảm bảo cung cấp đến cuối vụ, nhằm né tránh hạn mặn.

Đến thời điểm này, nông dân ĐBSCL đã thu hoạch trên 50% diện tích lúa đông xuân. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đến thời điểm này, nông dân ĐBSCL đã thu hoạch trên 50% diện tích lúa đông xuân. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đáng chú ý, trong bối cảnh giá vật tư tăng cao nhìn chung có sự chuyển biến về việc giảm lượng giống lúa gieo sạ và giảm mạnh. So với vụ đông xuân năm trước, mức gieo sạ trên 150 kg/ha giảm 1,9%, mức gieo sạ dưới 100 kg/ha tăng 0,05%, lượng giống gieo sạ mức từ 100 - 150 kg/ha tăng 1,85%. Kết quả này góp phần giúp giảm và ổn định giá thành sản xuất trong điều kiện giá phân bón tăng cao hiện nay.

Theo báo cáo từ các Sở NN-PTNT, vụ đông xuân 2021 - 2022, giá thành sản xuất lúa của các tỉnh tăng cao ước khoảng 15 - 20% so với cùng kỳ do giá vật tư đầu vào tăng cao.

Tuy nhiên, do được dự báo trước từ đầu vụ bên cạnh việc thực hiện nhiều mô hình sản xuất lúa nổi bật của các tỉnh vừa đem lại hiệu quả về kinh tế, vừa giúp cho nhận thức của người nông dân dần thay đổi trong việc chuyển đổi phương thức canh tác theo hướng an toàn và giảm giá thành nên mặc dù đầu tư ít giống và phân bón nhưng năng suất lúa vẫn đạt cao.

Tiêu biểu như tại tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: “Để phòng chống hạn mặn mùa khô 2021 - 2022, tại các huyện phía đông tỉnh chủ trương gieo sạ sớm. Đến nay, trên 49 nghìn ha lúa đông xuân của tỉnh đã thu hoạch xong và thoát hạn mặn. Năng suất lúa đạt 71,3 tạ/ha, cao hơn 0,2 tạ/ha. Trong bối cảnh giá vật tư tăng cao, ngay từ đầu vụ tỉnh tập trung thực hiện tuyên truyền, toạ đàm về giải pháp thích ứng giá phân bón tăng, giảm lượng phân bón, giống đầu vụ. Qua tính toán, giá thành lúa đông xuân của tỉnh tuy vẫn cao hơn vụ đông xuân cùng kỳ 238 đồng/kg nhưng lợi nhuận 25 - 26 triệu đồng/ha".

Nước ngọt dồi dào thuận lợi xuống giống vụ hè thu

Vụ hè thu 2022, theo Cục Trồng trọt, kế hoạch toàn vùng Nam bộ gieo sạ 1.584 nghìn ha. Trong đó, ĐBSCL có kế hoạch gieo sạ 1.500 nghìn ha. Đến nay, tiến độ xuống giống lúa vụ hè thu ước đạt 305 nghìn ha, đạt 20% kế hoạch. Trong đó, tiến độ xuống giống trong tháng 2 sớm hơn cùng kỳ 54 nghìn ha do lúa đông xuân gieo sớm thu hoạch xong.

Theo nhận định của Tổng cục Thủy lợi, tình hình xâm nhập mặn mùa khô 2022 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, tương đương năm 2021 nhưng thấp hơn nhiều so với các mùa khô 2016, 2020. Bên cạnh đó, các hồ chứa xả nước ổn định, mưa trái mùa ở ĐBSCL xuất hiện diện rộng trong tháng 2 đã góp phần giảm mặn.

Do đó, Tổng cục Thủy lợi nhận định nguồn nước ngọt dồi dào, thuận lợi để xuống giống sớm. Từ nay đến hết tháng 3 dù xâm nhập mặn vẫn còn ở mức khá cao nhưng nguồn nước ngọt khá dồi dào. Vụ hè thu vùng ven biển Đông (30 - 40km) có thể bị chậm, chờ mưa; các vùng trong 40 - 45km vùng cửa sông Cửu Long có thể sản xuất hè thu bình thường.

Từ tháng 4 đến cuối tháng 5, mặn ở các cửa sông giảm dần, nguồn nước ngọt dồi dào, có thể xuất hiện mưa. Vùng cửa sông Cửu Long cách biển từ 35 - 45km có nước ngọt thường xuyên. Có thể xuống giống đồng loạt từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 khi nguồn nước về thuận lợi, đề phòng trường hợp mưa muộn.

Phân bón tăng cao khiến lợi nhuận lúa đông xuân giảm mạnh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Phân bón tăng cao khiến lợi nhuận lúa đông xuân giảm mạnh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Áp lực phân bón đè nặng

Tại tỉnh Vĩnh Long, vụ đông xuân vừa qua được đánh giá khá thành công. Toàn tỉnh xuống giống được hơn 46 nghìn ha, năng suất 7,03 tấn/ha, giá bán lúa 5.500 - 6000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá thành tăng khá cao dao động từ  4.000 - 4.100 đồng/kg. Lợi nhuận đối lúa chất lượng thấp đạt từ 12 - 15 triệu/ha, lúa chất lượng cao khoảng 20 triệu; giảm 50% so (cùng kỳ trên 40 triệu/ha).

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Vụ hè thu tỉnh dự kiến xuống giống khoảng 47 nghìn ha, nhưng tình hình giá phân bón tăng cao như hiện nay có thể khiến không đạt mục tiêu đề ra. Hiện giá DAP Trung Quốc tới tay nông dân là 1,4 triệu đồng/bao tăng 3 lần so với cùng kỳ, Urea tăng lên 950.000 đồng/bao… dẫn đến tâm lý e ngại bỏ vụ do vụ này thường nhiều sâu bệnh, năng suất thấp trong khi đó giá cả rất bấp bênh.

Do đó, để giảm rủi ro, ông Liêm kiến nghị Bộ NN-PTNT cũng như các Bộ, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra tránh tình trạng đầu cơ gây tăng giá phân bón hoặc hàng giả xuất hiện cũng như các giải pháp làm chậm, giảm đà tăng quá cao của loại vật tư đầu vào. 

Đối với việc giá phân bón tăng, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết, đây là vấn đề khách quan, trong phạm vi trách nhiệm của mình, Cục Bảo vệ thực vật sẽ báo cáo Bộ tìm các giải pháp để bình ổn giá phân bón một cách tốt nhất.

Tuy nhiên, ông Hoàng Trung nhấn mạnh các địa phương quan tâm vấn đề sử dụng phân bón hiệu quả, tiết kiệm bởi các giải pháp kỹ thuật đã có rồi, gần đây nhất là Chỉ thị 635 của Bộ NN-PTNT. Từng địa phương nên nghiên cứu các mô hình đã được đánh giá để áp dụng cho phù hợp nhất là tăng cường sử dụng phế phụ phẩm để giảm chi phí đầu vào. Bởi theo báo cáo, lượng sử dụng phân bón tại ĐBSCL vượt 35% so với mặt bằng chung của cả nước, lãng phí lớn.

Vấn đề kế tiếp là mở cửa thị trường, ông Hoàng Trung đề nghị các địa phương cần phối hợp với Cục để làm tốt các yêu cầu của thị trường, nhất là người dân cần phải biết sản phẩm của mình làm ra bán cho ai, yêu cầu tiêu chuẩn gì. Đối với vấn đề nông nghiệp hữu cơ, Cục sẽ xây dựng danh mục các hoạt chất được phép sử dụng trong thời gian tới.

Cần tiết kiệm chi phí sản xuất

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng các địa phương ở Nam bộ đã rất cố gắng nỗ lực tạo nên một vụ đông xuân thắng lợi. Đến thời điểm này đã thu hoạch trên 50% diện tích, dự báo sẽ đạt được về năng suất. Đặc biệt cơ cấu giống năm nay tiếp tục chuyển dịch theo xu hướng rất tốt. Nhất là nhóm giống thơm đặc sản đạt trên 33%, tăng 11% so với vụ đông xuân cùng kỳ năm ngoái. Chi phí sản xuất theo chiều hướng đã giảm dần, bà con đã tiết kiệm hơn đối với lượng giống gieo sạ, đặc biệt là phân bón.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh yêu cầu các địa phương cần đẩy mạnh áp dụng các kỹ thuật phải giảm giá thành sản xuất nhất là phân bón và lượng giống sạ.  Ảnh: Minh Đảm.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh yêu cầu các địa phương cần đẩy mạnh áp dụng các kỹ thuật phải giảm giá thành sản xuất nhất là phân bón và lượng giống sạ.  Ảnh: Minh Đảm.

Bước vào vụ hè thu tới, cần phải nhận diện được bối cảnh khó khăn còn nhiều như đại dịch Covid-19, giá vật tư nguyên liệu còn ở mức cao, khó lường. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị chính quyền các địa phương, bà con nông dân chủ động nắm bắt tình hình, dự báo để sản xuất vụ hè thu thắng lợi. Nhất là đối với lịch thời vụ cần tuân thủ theo khuyến cáo của Bộ NN-PTNT, bố trí tốt cho vụ hè thu rồi thì cũng tính đến cho vụ kế tiếp như vụ thu đông, vụ đông xuân tới, đặc biệt là ở vùng ven biển.

Đối với cơ cấu giống, cần chủ động quan tâm nhóm giống lúa chất lượng cao, hạt dài, gạo trắng. Thứ hai, nhóm giống thơm và đặc sản. Lưu ý, lúa không vượt quá 10%. Cần đẩy mạnh áp dụng các kỹ thuật phải giảm giá thành sản xuất nhất là phân bón và lượng giống sạ. Trong bối cảnh giá phân bón tăng, chúng ta phải bón hợp lý, tiết kiệm. Qua đó, vừa giảm tác động môi trường và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nội chuyển rét từ ngày mai

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, Hà Nội chuyển rét, nhiệt độ thấp nhất ở mức 18 độ C. Gió Đông Bắc mạnh cấp 2-3, nhiều nơi có mưa rào rải rác.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.