| Hotline: 0983.970.780

Vụ phá rừng quy mô lớn tại Gia Lai: Kiểm điểm Hạt kiểm lâm huyện Kông Chro

Thứ Sáu 26/07/2019 , 15:12 (GMT+7)

Ngay sau khi UBND tỉnh Gia Lai có văn bản chỉ đạo kiểm tra, xử lý việc khai thác rừng trái phép quy mô lớn, UBND huyện Kông Chro đã có báo cáo nhanh về số lượng gỗ bị khai thác trái phép cũng như kiểm điểm các đơn vị liên quan.

Những hộp gỗ xẻ lâm tặc chưa kịp mang đi

Ngày 26/7, UBND huyện Kông Chro vừa có văn bản báo cáo tình hình kiểm tra xác minh vụ khai thác gỗ trái phép khu vực rừng giáp ranh với xã Ia Tul, huyện Ia Pa. Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện tại tiểu khu 807 thuộc lâm phần xã Đăk Kơ Ninh quản lý có 7 cây gỗ giổi (nhóm III) bị khai thác với khối lượng thiệt hại là 16,957 m3 gỗ.

Cụ thể, tại khoảnh 7, tiểu khu 807 có 1 cây gỗ giổi mới bị chặt hạ, trước thời điểm đoàn công tác kiểm tra khoảng 1 tuần. Tổng khối lượng gỗ bị thiệt hại 1,976 m3, tuy nhiên vẫn còn tại hiện trường.

Tại khoảnh 2, tiểu khu 807 có 6 cây gỗ giổi bị chặt hạ, dấu vết đã cũ, khối lượng gỗ tròn bị thiệt hại là 14,981 m3. Trong đó, số gỗ đã cưa xẻ, vận chuyển khỏi hiện trường là 12, 826 m3 gỗ. Số gỗ trên được vận chuyển bằng trâu kéo đến đoạn tập kết tại khoảnh 2, tiểu khu 1225 thuộc lâm phần xã Ia Tul, huyện Ia Pa quản lý. Cũng trong quá trình kiểm tra, tổ công tác chưa xác định được các đối tượng khai thác số gỗ trên.

Báo cáo của UBND huyện Kông Chro cũng nêu rõ, Đoàn liên ngành của huyện và xã Đăk Kơ Ninh đã không hoàn thành nhiệm vụ khi để xảy ra tình trạng khai thác gỗ trái phép. Trước mắt, UBND huyện đã chỉ đạo Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện, Chủ tịch xã Đăk Kơ Ninh tiến hành kiểm điểm trách nhiệm, chờ kết quả điều tra để có hướng xử lý tiếp theo.  Hiện UBND huyện đang phối hợp với cơ quan điều tra để truy tìm đối tượng phá rừng, khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật.

Ông Huỳnh Ngọc Ẩn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết, chúng tôi xác định khu vực rừng giáp ranh giữa 2 huyện Kông Chro và Ia Pa là điểm nóng về khai thác gỗ trái phép nên đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức tuần tra truy quét. Tuy nhiên, những ngày qua tình trạng phá rừng vẫn xảy ra một cách đáng tiếc.

“Chúng tôi chưa thể xác định liệu có tiêu cực trong việc để xảy ra tình trạng khai thác gỗ trái phép hay không, nhưng chúng tôi xác định trách nhiệm chính thuộc về 2 đơn vị trược tiếp quản lý rừng là Hạt kiểm lâm và UBND xã Đăk Kơ Ninh” - Ông Ẩn thông tin.

Sau khi lâm tặc mang đi những hộp gỗ xẻ, bìa ván bị bỏ lại ngổn ngang.

Như Báo NNVN đã đưa tin, tại khu vực giáp ranh giữa hai huyện Kông Chro và IaPa đã xảy ra tình trạng khai thác gỗ trái phép được xem là “khủng” nhất từ trước tới nay. Rất nhiều những cây gỗ quý như sao xanh, giổi… đã bị lâm tặc đốn hạ. Thậm chí có cây gỗ với đường kính hơn 1m cũng bị lâm tặc đốn hạ, rồi xẻ hộp mang đi. Chỉ trong vài giờ thâm nhập, phóng viên đã ghi nhận có hơn 100 cây gỗ bị đốn hạ, đây đều là những cây gỗ quý, có đường kính hơn 1m, chiều dài vài chục m.

Nhận thấy mức độ nghiêm trọng của vụ việc, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp cùng UBND các huyện Kông Chro, Ia Pa chỉ đạo các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và các đơn vị chủ rừng kiểm tra thực tế, phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng phá rừng xảy ra trên địa bàn giáp ranh giữa hai huyện Kông Chro và Ia Pa.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm