| Hotline: 0983.970.780

Vụ sáp nhập đình đám

Thứ Năm 09/08/2012 , 08:50 (GMT+7)

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa chấp thuận việc sáp nhập của Ngân hàng HBB vào Ngân hàng SHB kể từ ngày 28/8.

SHB trở thành 1 trong 10 ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam về quy mô vốn và tổng tài sản

Ngày 7/8/2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 1559/QĐ-NHNN chấp thuận việc sáp nhập Ngân hàng thương mại cổ phần Nhà Hà Nội (HBB) vào Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB) theo đề nghị chấp thuận sáp nhập của Chủ tịch Hội đồng quản trị SHB và đề nghị thu hồi Giấy phép hoạt động của Chủ tịch Hội đồng quản trị HBB.

Cũng tại Quyết định này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thu hồi Giấy phép hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần số 00020 ngày 06/6/1992 do Ngân hàng Nhà nước cấp cho HBB và Quyết định số 104 ngày 06/6/1992 của Thống đốc về việc cấp Giấy phép hoạt động cho HBB.

Triển khai thực hiện việc sáp nhập, SHB có trách nhiệm tiếp nhận toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của HBB. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi Quyết định này có hiệu lực thi hành, SHB hoàn tất các thủ tục về đăng ký doanh nghiệp và bố cáo sáp nhập theo quy định của pháp luật đồng thời SHB thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

HBB có trách nhiệm bàn giao toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp cho SHB; bố cáo sáp nhập, bố cáo chấm dứt hoạt động và giải quyết các quyền và nghĩa vụ có liên quan theo quy định của pháp luật trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành; thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/8/2012.

Dự kiến, sau khi sáp nhập hai ngân hàng này sẽ tạo ra một định chế tài chính với vốn điều lệ khoảng gần 9.000 tỷ đồng và quy mô tổng tài sản trên 100.000 tỷ đồng cùng 5.000 nhân viên, hoạt động khắp các tỉnh thành lớn trong cả nước.

Ngân hàng mới sẽ có các công ty con gồm Công ty chứng khoán và Công ty quản lý tài sản của Ngân hàng, địa bàn hoạt động trong khu vực Đông Dương với các chi nhánh tại Lào và Campuchia… Sau sáp nhập, SHB trở thành 1 trong 10 ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam về quy mô vốn và tổng tài sản.

Thương vụ giữa HBB và SHB được xem là vụ sáp nhập đình đám hồi giữa tháng 3/2012 sau khi có thông tin HBB và SHB sẽ sáp nhập với nhau. Tuy nhiên, tại thời điểm đó cả Habubank, SHB và cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước đều lên tiếng chưa xác nhận.

Theo HBB, một trong những lý do dẫn tới sự cần thiết đối với việc xây dựng phương án sáp nhập là các khoản vay từ nhóm khách hàng Vinashin đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh ngân hàng, nhất là với chi phí vốn ngày càng cao, kết quả là tài chính và chất lượng tài sản có từ năm 2011 đến nay bị suy giảm rất nhiều.

(Theo Vietnam+)

Xem thêm
Xuất khẩu cà phê Việt Nam quý II sẽ tăng do nhu cầu thế giới tăng?

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 756.000 tấn cà phê, trị giá 2,57 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng và 57,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Liên doanh DHN với mô hình kinh tế xanh trong nông nghiệp tại Tây Ninh

Chủ tịch Hùng Nhơn Group Vũ Mạnh Hùng chia sẻ định hướng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại Lễ công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh, chiều nay.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.