| Hotline: 0983.970.780

Vua lúa Trung Quốc nói về cây lúa khổng lồ đạt năng suất 15 tấn/ha

Thứ Sáu 05/01/2018 , 08:39 (GMT+7)

Năng suất cao song chất lượng thấp, hoặc chất lượng tốt nhưng năng suất thấp, là cửa ải khó khăn với các nhà nghiên cứu lúa Trung Quốc. Bài toán đó được giải nhờ phát minh “lúa khổng lồ”, đạt năng suất 15 tấn/ha.

Hồi tháng 10 năm ngoái, Hạ Tân Giới (Xia Xinjie), nhà khoa học phát minh ra “lúa khổng lồ” nói ông tin rằng giống mới này sẽ được trồng khắp Đông Nam Á và các quốc gia nằm trên sáng kiến Vành đai, Con đường, do Trung Quốc đưa ra, giúp giảm bớt lo ngại về an ninh lương thực, theo Xinhua. Ông Hạ được coi là “Đạo Vương”, tức vua lúa, người kế cận cha đẻ lúa lai Trung Quốc Viên Long Bình.

14-56-33_nh1
Nhà nghiên cứu Hạ Tân Giới bên giống lúa khổng lồ

Vua lúa Trung Quốc hiện là nhà nghiên cứu hàng đầu thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, cho biết giống lúa khổng lồ sẽ thích nghi tốt hơn với các điều kiện thay đổi khí hậu, so với các giống đang được sử dụng. Lúa khổng lồ có thể đạt chiều cao tới 2 mét, cao gấp đôi so với các giống lúa thông thường, và có vòng sinh trưởng dài hơn. Một cuộc thử nghiệm ở tỉnh Hồ Nam hồi tháng 10/2017 cho thấy giống lúa này cho năng suất 15 tấn trên mỗi ha, đuổi sát kỷ lục 17 tấn/ha của giống lúa lai mới nhất.

Ông Hạ tự tin rằng giống lúa mới sẽ sớm vượt qua lúa lai. “Lúa lai đã gần như đạt năng suất tối đa, tuy nhiên lúa khổng lồ đang tạo ra con đường mới hướng tới việc phá kỷ lục năng suất, bằng cách gia tăng sinh khối hoặc trọng lượng”, ông Hạ nói.

Chiều cao nổi trội của cây lúa cũng giúp nông dân nuôi thêm các loài thủy sản trong đồng, tăng thu nhập, vua lúa Trung Quốc tuyên bố. “Với các cây lúa thông thường, mực nước thấp khiến không gian nuôi trồng thủy sản bị hạn chế. Đôi khi, thủy sản nhiều lại làm giảm bớt năng suất lúa. Song với cây lúa cao hơn, 300.000 con ếch có thể sống thoải mái trong một ha, và mang lại khoảng 300.000 nhân dân tệ (45.000 USD) cho nông dân”, ông Hạ nói.

Tuy nhiên, sau một số thông tin lạc quan về cây lúa khổng lồ của ông Hạ, có ý kiến lo ngại về hiệu quả thực sự của nó, cũng như việc phải tăng lượng phân bón cho lúa.  Một người dùng trên trang Zhihu, trang web hỏi đáp nổi tiếng Trung Quốc, cho rằng “chiều cao vượt trội của cây lúa khiến nó cần có các máy gặt thế hệ mới, và đương nhiên cần nhiều phân bón hơn, ảnh hưởng đến tính hiệu quả trên thực tế”.

Tuy nhiên, ông Hạ tuyên bố cây lúa khổng lồ có thể được gặt bằng máy thông thường, mặc dù “nó có thể gây lãng phí đôi chút”.

Ông vua lúa Trung Quốc nói thêm rằng nếu được trồng với quy mô lớn, giống lúa mới sẽ cần đến “một số cải tiến” từ máy gặt thông thường. Đối với lo ngại về tăng lượng phân bón, ông Hạ khẳng định điều này là đúng, song nông dân không cần bón thêm. “Các ruộng đồng hiện nay đang đối mặt tình trạng dư thừa phân bón trong đất. Cây lúa mới vẫn có thể đạt chiều cao 2 mét, mặc dù nông dân không cần tăng lượng phân bón, do việc này sẽ được các loài thủy sinh vật đảm nhiệm. Chúng sẽ cung cấp lượng phân bón tự nhiên”.

Hạ Tân Giới cho biết ông bắt đầu nghiên cứu giống lúa mới từ năm 2006, lấy cảm hứng từ những thành tựu của ông vua lúa lai Trung Quốc Viên Long Bình trong việc phát triển giống lúa lai siêu năng suất. “Tôi đã làm việc cho một công ty sinh học nông nghiệp ở Mỹ. Sau đó, tôi xem một chương trình TV giới thiệu về giống lúa lai siêu năng suất của ông Viên. Tôi cảm thấy được cổ vũ bởi thành tựu này và muốn trở lại Trung Quốc, tiếp tục các nghiên cứu trước kia về cây lúa”, Hạ kể.

Sau khi liên tục lựa chọn và nhân giống nhằm tạo ra giống lúa mới có thân cao hơn, nhiều hạt gạo hơn và bông lúa lớn hơn, ông Hạ bắt đầu trồng thử nghiệm vào năm 2014. “Giống lúa của tôi hoàn toàn không phải sản phẩm biến đổi gien”, ông Hạ khẳng định.

“Hàng chục triệu nhân dân tệ đã được đầu tư cho cuộc nghiên cứu này. Một số nhà đầu tư đề nghị tham gia dự án từ đầu, song nhiều người cũng đã rút lui do quá trình nghiên cứu, trồng trọt quá lâu và kết quả không chắc chắn”, Hạ Tân Giới nói về những khó khăn khi nghiên cứu.

Ông Hạ và các cộng sự Trung Quốc sử dụng một loạt công nghệ mới để tạo ra giống lúa mới, bao gồm đột biến gây tạo (mutation induction) và lai giống giữa nhiều loại lúa dại.

14-56-33_nh2
Giống lúa khổng lồ cao 2 mét ở Trung Quốc

Nhà nghiên cứu này cho biết vào năm 2030, Trung Quốc cần nhiều hơn 60% lượng thóc so với năm 1995. Theo các số liệu của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, hiện tại mỗi ha lúa của nước này cung cấp gạo đủ ăn cho 27 người. Đến năm 2050, để giải quyết bài toán an ninh lương thực, mỗi ha lúa Trung Quốc cần đáp ứng nhu cầu cho 43 người.

Ông Hạ có kế hoạch mở rộng diện tích gieo trồng lúa khổng lồ lên hơn 130 ha vào năm nay, nếu được chính quyền cho phép. Hiện tại, giống lúa này chỉ được trồng với diện tích khoảng vài chục ha ở tỉnh Hồ Nam.

Hạ Tân Giới sang Canada du học vào năm 1985. Đến năm 1992, ông có bằng thạc sĩ, chuyên ngành Di truyền-Sinh học phân tử của Đại học Guelph.

Một năm sau, ông tiếp tục nghiên cứu sinh tiến sĩ ở trường này. Năm 2005, Học viện Khoa học Trung Quốc mời ông Hạ về nước hợp tác, khi ông này đang làm việc ở Mỹ.

Ông Hạ hiện đứng đầu nhóm nghiên cứu thuộc phòng nghiên cứu sinh thái, Viện nông nghiệp cận nhiệt đới, Học viện Khoa học Trung Quốc. Ông Hạ chủ yếu nghiên cứu về các giống cây có khả năng chịu đựng điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

 

Xem thêm
Ngành chăn nuôi vẫn canh cánh nỗi lo 'xuất khẩu'

HÀ NỘI Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang canh cánh việc chưa thể xuất khẩu được nhiều sản phẩm.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.