Trợ lực cho người nuôi trồng thủy sản
Hơn một tháng sau bão số 3, nhiều chương trình hỗ trợ, động viên người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được diễn ra. Cụ thể, chiều 27/9, tại Vân Đồn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã có buổi thăm hỏi, động viên ngư dân bị thiệt hại về người do bão số 3 và trao tặng, hỗ trợ ngư dân khôi phục sản xuất nuôi trồng thủy sản. Theo đó, các đơn vị đã dành tặng cho những ngư dân địa phương 1.000 quả phao, 30 thuyền HDPE và 1 triệu rong giống.
Ngày 12/10, tại cảng Cái Rồng, Cục Thủy sản phối hợp cùng một số doanh nghiệp trao hơn 800 triệu đồng tiền mặt, 900 phao của Công ty Đăng Phong, Đắk Lắk và 27 thuyền của STP Group. Những món quà thiết thực đã trở thành nguồn động lực để người ngư dân vững bước tái thiết lại cuộc sống.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành giao mặt nước cho bà con. Cụ thể, ngày 30/9, UBND huyện Vân Đồn đã trao quyết định giao khu vực biển thuộc thẩm quyền giải quyết trong khu vực quản lý 3 hải lý, đối tượng trực tiếp nuôi trồng thuỷ sản cho 5 hộ gia đình nuôi cá biển tại vùng nước thuộc địa bàn thị trấn Cái Rồng, với tổng diện tích 2,5ha (mỗi 1 gia đình 0,5ha).
Ông Phạm Văn Dương, trú tại khu 9, thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, cho biết: “Gia đình tôi rất vui khi là một trong những hộ đầu tiên ở huyện được giao diện tích nuôi biển theo quy định. Trên biển cũng giống trên đất liền, phải an cư mới lạc nghiệp được. Đây cũng là một tài sản tôi có thể thế chấp ngân hàng thực hiện vay vốn, tái sản xuất nuôi biển”.
Sáng 13/10, TX Quảng Yên tổ chức hội nghị trao quyết định giao khu vực nuôi trồng thủy sản cho 164 hộ đầu tiên ở xã Hoàng Tân và phường Phong Hải. Theo đó, mỗi hộ nuôi trồng thủy sản được TX Quảng Yên giao diện tích 0,6ha kèm vị trí, sơ đồ khu vực biển nuôi trồng thủy sản nằm trong quy hoạch của TX Quảng Yên tại xã Hoàng Tân và xã Liên Hòa.
Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển TX Quảng Yên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có tổng diện tích 865ha và đều nằm trong khu vực 3 hải lý thuộc thẩm quyền giao của địa phương. Theo kế hoạch, đến giữa tháng 11/2024, TX Quảng Yên sẽ hoàn thành việc giao khu vực nuôi trồng thủy sản hơn 400 hộ dân thuộc đối tượng sinh kế trên địa bàn yên tâm tái thiết sản xuất.
Ông Trần Đức Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên, chia sẻ, việc giao mặt nước cho bà con đã khẳng định sự đồng hành của chính quyền địa phương và cam kết hỗ trợ cùng ngư dân tháo gỡ khó khăn, sớm khôi phục hoạt động nuôi trồng thủy sản vốn là thế mạnh của Quảng Yên trong nhiều năm qua.
Ông Phan Thanh Nghị, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: “Để tái sản xuất, Sở tập trung vào 2 vấn đề chính. Thứ nhất là giao biển, đây là cơ sở pháp lý để bà con có thể thực hiện đầu tư trên khu vực biển được giao. Tỉnh đã tiến hành giao tạm cho một số HTX và giao chính thức cho gần 170 hộ ở Vân Đồn, Quảng Yên. Thứ 2 là về quy chuẩn nuôi biển, Sở đã đề xuất UBND tỉnh sớm ban hành quy chuẩn để hướng dẫn bà con nuôi biển áp dụng vật liệu, phương thức, kết cấu ra sao để đảm bảo quy trình nuôi từng loại nhằm đạt hiệu suất cao nhất”.
Đến thời điểm này, huyện Vân Đồn đã tạm giao cho 57 hợp tác xã, tổng số 912 thành viên, với tổng diện tích 5.500ha khu vực biển nuôi trồng, tăng 42% so với trước bão. Các hộ dân đã thả phao nuôi hàu được khoảng 1.000ha, xuống giống mới được 200ha. Đối với nuôi cá, đã khôi phục được 2.650 ô lồng cá, đạt 50% so với trước bão.
Giao mặt biển còn khó khăn
Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT, toàn tỉnh Quảng Ninh đã quy hoạch khoảng 45.000ha trên vùng biển của 9 địa phương: Quảng Yên, Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái dành cho phát triển nuôi trồng thủy sản.
Trong đó, vùng biển dưới 3 hải lý là 24.000ha, vùng biển từ ngoài 3 đến 6 hải lý 13.000ha và vùng biển ngoài 6 hải lý 8.240ha. Hiện các địa phương đã phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, cập nhật diện tích khu vực biển quy hoạch nuôi trồng thủy sản vào bản đồ chuyên đề thuộc quy hoạch tỉnh.
Tỉnh Quảng Ninh sắp xếp khu vực biển dành thu hút các dự án đầu tư nuôi biển công nghiệp phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, tổng diện tích khu vực biển các địa phương dành để thu hút đầu tư nuôi công nghiệp là 13.400ha.
Theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, để có cơ sở pháp lý triển khai thực hiện quy hoạch, giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản, các địa phương có biển cần xây dựng phương án/đề án, bản đồ/sơ đồ khu vực biển phát triển nuôi trồng thủy sản.
Sở tham mưu UBND Tỉnh đề nghị Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường xem xét, thống nhất và sớm có văn bản công bố đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm và đường ranh giới ngoài của vùng biển 3 và 6 hải lý của đất liền đối với các đảo có diện tích lớn như huyện Cô Tô; các xã đảo huyện Vân Đồn, Hải Hà, Móng Cái để thuận lợi trong công tác giao khu vực biển phát triển nuôi trồng thủy sản của các địa phương.
Hiện Nghị định số 11/2021/NĐ-CP, ngày 10/02/2021 của Chính phủ quy định về giao khu vực biển còn một số bất cập; việc thẩm định hồ sơ đề nghị giao khu vực biển thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh trong vùng biển từ 3-6 hải lý, ngoài ý kiến của các cơ quan Quân đội, Công an cấp tỉnh còn phải lấy ý kiến của 4 Bộ, ngành liên quan là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài nguyên Môi trường, dẫn đến thủ tục hành chính phức tạp, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư nuôi trồng thủy sản biển khó tiếp cận.
Theo Văn bản số 8327/BTNMT-PC, ngày 28/9/2023 của Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2016/NĐ-CP, ngày 15/5/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Nghị định số 11/2021/NĐ-CP, ngày 10/02/2021 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.
Theo đó, khi Nghị định này được Chính phủ ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện việc công bố, rà soát, chỉnh lý đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm phần đất liền và các đảo có diện tích lớn nhất thuộc các huyện đảo; đường ranh giới ngoài của vùng biển 3 hải lý, vùng biển 6 hải lý. Từ đó, làm cơ sở thực hiện thủ tục giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản.
Đã có 7/9 địa phương (Quảng Yên, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà) hoàn thành việc lập, phê duyệt phương án/đề án, bản đồ quy hoạch nuôi biển. Riêng TX Quảng Yên đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, giao khu vực biển, tiếp nhận giải quyết hồ sơ của các tổ chức, cá nhân đề nghị giao khu vực biển.