TP Hạ Long đã đề xuất tỉnh Quảng Ninh cho phép triển khai xây dựng Cảng cá Hà Phong nằm ngay bên bờ vịnh Hạ Long, thuộc phường Hà Phong, phấn đấu khởi công trước thềm Đại hội Đảng các cấp sắp tới.
Dự kiến, tổng số vốn để xây dựng cảng này khoảng 500 tỷ đồng. Ngoài ngân sách thành phố, Hạ Long cũng mong có nguồn kinh phí từ Trung ương, để xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá và tránh trú bão.
Cảng cá Hà Phong nằm trong Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngày 8/9/2024, chỉ một ngày sau khi cơn bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác của Sở NN-PTNT Quảng Ninh và TP Hạ Long đã xuống kiểm tra khu nghề cá Cái Xà Cong (phường Hà Phong, TP Hạ Long) để thăm hỏi, động viên, đồng thời lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con ngư dân.
Gặp Bộ trưởng Lê Minh Hoan, bà con ngư dân cho biết, khu neo đậu Cái Xà Cong là nơi kín gió, lý tưởng cho ngư dân đưa tàu, thuyền vào tránh, trú bão. Tuy nhiên, lâu nay, luồng lạch dẫn vào khu vực neo đậu tàu thuyền tại cảng bị bồi lắng bùn đất, cát, rác thải… không được nạo vét kịp thời, gây khó khăn cho ngư dân trong di chuyển phương tiện thủy ra vào cảng.
Trình bày với người đứng Bộ NN-PTNT, bà Nguyễn Thị Loan (phường Hà Phong, TP Hạ Long), cho biết: "Nhà tôi có một tàu câu và một thuyền nhỏ. Mỗi khi tàu, thuyền muốn cập cảng phải chờ nước lên may ra mới vào được, chứ ngày nước rút chỉ còn cách đỗ thuyền phía ngoài luồng lạch. Có những lần không tính được con nước, phải chờ đến cả ngày mới đưa tàu vào được bờ".
Sau khi thăm hỏi, động viên bà con ngư dân, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã yêu cầu Sở NN-PTNT và TP Hạ Long sớm có phương án nạo vét luồng lạch vào cảng, vừa đảm bảo cho các phương tiện thủy thuận tiện, an toàn khi neo đậu, vừa tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân trao đổi, buôn bán hải sản, góp phần đảm bảo môi trường biển.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh, việc nạo vét, xây dựng cảng cá Hà Phong là cần thiết, nhằm tạo điều kiện ổn định chỗ ở, nâng cao đời sống của ngư dân thông qua hoạt động nghề biển kết hợp làm dịch vụ du lịch làng chài tại chính nơi mình sinh sống.
"Dự án được đầu tư xây dựng sẽ góp phần cải tạo cảnh quan khu vực, di chuyển được toàn bộ chợ thu, mua hải sản trên địa bàn TP Hạ Long về đây để đảm bảo vệ sinh môi trường, sinh thái, tạo điểm nhấn, thu hút khách du lịch", Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý.
Để ngư dân có nơi neo đậu tàu, thuyền an toàn
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Quảng Ninh, toàn tỉnh có khoảng trên 6.000 tàu cá. Trong đó có 1.433 tàu cá chiều dài dưới 6m do UBND cấp xã quản lý; 3.768 tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m hoạt động tại vùng ven bờ; 573 tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m hoạt động tại vùng lộng; 231 tàu cá có từ 15m trở lên hoạt động ở vùng khơi.
Cùng với đó, trên vùng biển do Quảng Ninh quản lý còn lượng lớn tàu, thuyền đánh bắt thủy sản đến từ các tỉnh, thành khác. Bởi vậy, việc tìm địa điểm tránh trú bão an toàn, thuận tiện cho tàu, thuyền luôn được địa phương quan tâm.
Hiện tỉnh Quảng Ninh có 5 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đủ điều kiện hoạt động năm 2024 với quy mô 1.713 tàu cá.
Cụ thể gồm: Khu neo đậu cấp vùng tại khu vực cảng Cái Rồng (huyện Vân Đồn) với chiều dài luồng 2.000m, độ sâu vùng nước neo đậu tàu là -4,9m, sức chứa 1.000 tàu, với cỡ tàu lớn nhất có thể vào neo đậu đến 1.000CV.
4 khu neo đậu cấp tỉnh gồm: Khu neo đậu tránh trú bão Tiến Tới (xã Đường Hoa, huyện Hải Hà) với chiều dài luồng 573m, độ sâu vùng nước neo đậu tàu là -3,9m, sức chứa 150 tàu, với cỡ tàu lớn nhất có thể vào neo đậu dưới 17m;
Khu neo đậu tránh trú bão Cẩm Thủy (TP Cẩm Phả) với chiều dài luồng 1.300m, độ sâu vùng nước neo đậu tàu là -3,9m, sức chứa 200 tàu, cỡ tàu lớn nhất có thể vào neo đậu dưới 17m;
Khu neo đậu tránh trú bão Vụng Sú, Thoi Dây (xã Tân Lập, huyện Đầm Hà) với chiều dài luồng 230m, độ sâu vùng nước neo đậu tàu là -3,9m, sức chứa 81 tàu, cỡ tàu lớn nhất có thể vào neo đậu đến 200CV;
Khu neo đậu tránh trú bão huyện Tiên Yên với chiều dài luồng 250m, độ sâu vùng nước đậu tàu là -3,3m, sức chứa 282 tàu, với cỡ tàu lớn nhất có thể vào neo đậu đến 90 CV.
Căn cứ theo Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2023 tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trên địa bàn Quảng Ninh có 12 khu neo đậu tránh trú bão.
Để đảm bảo an toàn mỗi khi bão về, Sở Giao thông Vận tải đã công bố 66 vị trí tự nhiên có điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền tránh, trú bão trên địa bàn và được các địa phương tuyên truyền, thông báo rộng rãi đến người dân. Các khu vực này đều là nơi có điều kiện địa hình tự nhiên thuận lợi, được che chắn tốt về sóng, gió, dòng chảy; luồng vào đủ rộng, sâu để các tàu cá trung bình có thể vào tránh, trú.
Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Quảng Ninh, cho biết, từ nay đến cuối năm 2025, sẽ đưa vào sử dụng thêm khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Cô Tô.
Quy mô dự án được xây dựng theo khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng, đáp ứng nhu cầu neo đậu cho 1.200 tàu cá công suất đến 800CV.
Khi được hoàn thành và đưa vào sử dụng Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Cô Tô sẽ đảm bảo an toàn cho người và tàu cá tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh lân cận vào neo trú an toàn khi có bão, giảm thiểu thiệt hại cho người và tài sản của ngư dân và đáp ứng niềm mong mỏi của người dân.
Ông Bùi Văn Như, Chủ tàu cá QN 90964, chia sẻ: "Đã từ lâu ngư dân chúng tôi mong muốn sẽ có một cảng cá tổng hợp để thuận tiện cho việc buôn bán, làm hàng và tránh trú bão. Các cảng, bến đỗ tránh trú bão trên địa bàn huyện Cô Tô đang ở tình trạng quá tải. Những năm gần đây, thời tiết thay đổi thất thường, mưa gió ngày càng nguy hiểm hơn, sức gió giật cao hơn, sóng biển dữ dội hơn, mỗi khi có mưa, bão, bà con rất vất vả tìm chỗ trú ẩn. Vì vậy, với những ngư dân chúng tôi, việc xây dựng và sớm đưa vào sử dụng Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Cô Tô là điều hết sức vui mừng, phấn khởi và cấp thiết".