Khôi phục, bảo tồn nguồn gen
Chuối ngự Đại Hoàng, có dáng buồng vuông vắn, các nải nở đều, quả có râu, chiều dài quả từ 8 - 10 cm, đường kính từ 1,5 - 2 cm. Mỗi buồng chuối dao động từ 5 - 7 nải.
Ông Nguyễn Khắc Năm kiểm tra buồng chuối. |
Khi chín, vỏ chuối có màu vàng óng như tơ và mỏng. Quả căng tròn, mùi thơm dịu. Ruột quả màu vàng nghệ, ngọt mát, dẻo, càng ăn càng thấy ngon. Mang hương vị, đặc trưng riêng mà các dòng chuối khác không có được.
Bà Trần Thị Ngân, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và tiêu thụ chuối ngự Đại Hoàng cho biết, trước năm 2000, giống chuối này có nguy cơ mất nguồn gen do không được đầu tư, chăm sóc đúng kĩ thuật và do bị ảnh hưởng bởi thiên tai, gió bão. Vì vậy, diện tích bị giảm mạnh.
Song, từ năm 2001 đến nay, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF/SGP - UNDP) đã hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn kĩ thuật sản xuất cho người dân địa phương, nên diện tích trồng chuối dần được khôi phục và tăng nhanh chóng. Hiện tại, toàn xã có khoảng 60ha chuối ngự.
Cũng theo bà Ngân, sản phẩm chuối ngự Đại Hoàng đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý vào năm 2009. Không những thế, chuối ngự cũng đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể và đã lọt vào top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng Việt Nam. Qua đó, giúp địa phương có cơ hội mở rộng diện tích, thị trường và đẩy mạnh quảng bá thương hiệu…
Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân, ông Nguyễn Thành Thăng chia sẻ, chuối ngự Đại Hoàng là đặc sản quý hiếm của địa phương và cho giá trị kinh tế cao. Nhiều năm nay, địa phương luôn đẩy mạnh, quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng.
Ông Thăng thừa nhận, từ khi chuối ngự được khôi phục, bảo tồn nguồn gen, diện tích trồng loại chuối đặc sản này đã tăng đáng kể. Nhiều cơ quan tổ chức thường xuyên về địa phương hướng dẫn kĩ thuật chăm sóc cho bà con nông dân.
“Sản phẩm chuối ngự Đại Hoàng đang được chính quyền địa phương hoàn thiện hồ sơ, để sớm được chứng nhận là sản phẩm OCOP nhằm đẩy mạnh thương hiệu, quảng bá rộng rãi hơn nữa tới người tiêu dùng và thị trường khó tính…”, ông Thăng bộc bạch.
Thị trường rộng lớn
Hòa Hậu là một xã nằm ven sông Hồng. Nơi đây, được mệnh danh là “thủ phủ” chuối ngự. Chạy dọc trên các con đường thôn, xóm của xã Hòa Hậu đâu đâu chúng tôi cũng nhìn thấy những vườn chuối xanh mướt. Người dân tận dụng triệt để đất trong vườn nhà để trồng chuối.
Nơi đây, được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho chất đất rất tốt (đất pha cát). Thường xuyên được sông Hồng bồi đắp. Hiếm có nơi nào có được, rất phù hợp với các loại cây ăn quả, trong đó có cây chuối ngự.
Là một trong những chủ hộ trồng chuối ngự có quy mô lớn ở xã Hòa Hậu, ông Trần Khắc Năm (SN 1958, thôn 15) cho biết, thời điểm này, ông đang tập trung chăm sóc vườn chuối, để cây có sức khỏe tốt nuôi dưỡng buồng.
Một vườn chuối ở xã Hòa Hậu. |
Với diện tích 8 sào, gia đình ông đang trồng 520 gốc chuối. Mỗi năm, 1 gốc cho thu hoạch 2 buồng. Mỗi buồng chuối dao động 5 - 7 nải. “Để buồng chuối đẹp mã, đạt chất lượng theo yêu cầu, phải chăm sóc đúng kĩ thuật, phòng trừ tốt dịch bệnh. Tôi luôn tâm niệm, ngon tại giống, sạch tại tâm. Không chạy theo năng suất mà làm ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín”, ông Năm chia sẻ.
Dẫn chúng tôi ra tham quan vườn chuối, ông Năm bảo, ông coi mỗi cây chuối là một đứa con tinh thần. Ông luôn sát sao và theo dõi sự trưởng thành của mỗi cây chuối, thời gian ông ở ngoài vườn nhiều hơn thời gian sinh hoạt ở nhà.
Ngoài những ưu điểm vượt trội, chuối ngự có nhược điểm khá lớn. Đó là, thân cây cao, khoảng 3 - 5m, dễ gãy và lá mềm. Vào mỗi mùa mưa bão, gia đình ông đứng ngồi không yên, lo sốt vó.
“Giai đoạn hoa chuối được hình thành, phát triển và di chuyển trong thân giả rồi trổ ra ngoài thành buồng chuối rất quan trọng. Cần phải được bảo quản kĩ càng, bằng cách khoác vỏ bao bì hoặc áo mưa bên ngoài buồng chuối”, ông Năm chia sẻ thêm.
Theo người dân xã Hòa Hậu, từ khi sản phẩm chuối ngự Đại Hoàng được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể, thị trường tiêu thụ sản phẩm của địa phương ổn định, thuận lợi hơn nhiều.
Hiện, sản phẩm chuối ngự Đại Hoàng đã có tem, nhãn, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và được nhiều người tiêu dùng biết đến. Sản phẩm đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
“Hiện nay, sản phẩm chuối ngự Đại Hoàng đang được Công ty VinEco (Tập đoàn Vingroup) thu mua, đưa vào hệ thống siêu thị để giới thiệu tới người tiêu dùng trên cả nước”, ông Nguyễn Thành Thăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân bộc bạch. |
Ông Trần Huy Kỳ - một trong những thương lái chuyên thu mua chuối ngự ở địa phương cho biết, mỗi tháng ông tiêu thụ ra thị trường khoảng 3.000 nải chuối chín. Thị trường tiêu thụ chủ yếu trong và ngoài tỉnh.
Để có nguồn hàng bán liên tục cho người tiêu dùng, ông phải kí hợp đồng thu mua chuối với các nhà vườn khi buồng chuối vẫn còn xanh. Vào dịp tết, chuối ngự Đại Hoàng trở thành hàng hiếm và luôn “cháy hàng”. Cung không đủ cầu.
Theo ông Kỳ, giá chuối ngày bình thường dao động từ 25 - 30 nghìn đồng/nải, nhưng sát tết giá tăng lên khoảng 4 lần. Thậm chí, một buồng chuối đẹp vào dịp tết có giá cả triệu đồng, nhưng số lượng không có nhiều.
Chuối ngự Đại Hoàng nổi tiếng khắp vùng không chỉ chất lượng thơm ngon, thơm mà cách giấm chuối cũng rất đặc biệt và hiệu quả; không làm ảnh hưởng đến chất lượng quả, mà rất an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Ông Kỳ bảo, để chuối nhanh chín, ông treo những buồng chuối vào lò “sưởi ấm”, bằng cách treo những buồng xanh lên giàn, cách mặt đất gần 1m, ở dưới dùng trấu đốt, lấy hơi nóng sưởi cho chuối.
Ông Trần Huy Kỳ kiểm tra chuối trước khi xuất bán. |
Theo tính toán của ông Kỳ, vào mùa hè chỉ mất 7 tiếng “sưởi ấm” liên tục là chuối chín. Còn mùa đông phải mất tới 24 tiếng sưởi thì chuối mới chín và cho "ra lò". Hiện, ông đang cung cấp sản phẩm theo nhu cầu đặt hàng của khách.