Tỉnh Hậu Giang xác định việc phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng nông thôn luôn là nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Do đó, chương trình nhận được sự đồng thuận cao và hưởng ứng tích cực từ người dân trên địa bàn tỉnh, tạo tiền đề và động lực cho địa phương phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đặt ra.
Ông Huỳnh Thành Hữu, Chánh Văn phòng điều phối các Chương trình Mục tiêu Quốc gia tỉnh Hậu Giang có cuộc chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam.
Thưa ông, đâu là điểm nhấn nông thôn mới của tỉnh Hậu Giang sau 14 năm?
Qua gần 14 năm triển khai, Chương trình MTQG xây dựng NTM đã trở thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, được cả hệ thống chính trị và đông đảo người dân trên địa bàn nhiệt tình hưởng ứng.
Đến nay, Hậu Giang có 3 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành, đạt chuẩn NTM là huyện Châu Thành A, TP Vị Thanh, TP Ngã Bảy. Toàn tỉnh có 41/51 xã đạt chuẩn NTM; 11 xã NTM nâng cao, trong đó có 5 xã NTM kiểu mẫu. Số tiêu chí bình quân/xã là 18,2 tiêu chí/xã, không còn xã đạt dưới 13 tiêu chí. Đặc biệt, xã Đại Thành, TP Ngã Bảy được công nhận xã NTM và NTM nâng cao đầu tiên trong khu vực ĐBSCL.
Có thể khẳng định, Chương trình xây dựng NTM đã góp phần tạo nên sự khang trang cho vùng nông thôn Hậu Giang bởi hệ thống điện, đường, trường, trạm từng bước được đầu tư hoàn thiện, nhu cầu sản xuất và dân sinh cơ bản được đáp ứng. Ngoài ra, nhiều mô hình sản xuất của địa phương mang lại hiệu quả cao, hình thành các mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp như lúa, mít, mãng cầu, chanh không hạt, khóm, hoa kiểng.
Từ đó, thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh Hậu Giang năm 2021 là 13 triệu/người/năm, đến 2023 đạt 80 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 6 lần. Riêng thu nhập bình quân các xã NTM đều đạt trên 59 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm đều qua các năm, đến nay tỷ lệ nghèo đa chiều còn 6%.
Từ những kết quả đạt được, tỉnh Hậu Giang đề ra mục tiêu đẩy mạnh xây dựng NTM năm 2025 như thế nào? Để đạt được mục tiêu trên, địa phương sẽ triển khai những giải pháp cụ thể gì?
Tỉnh Hậu Giang quyết tâm không ngừng nâng chất các tiêu chí xây dựng NTM nhằm cải thiện đời sống, sinh kế của người dân trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, năm 2025, địa phương phấn đấu công nhận thêm 10 xã NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 42/51 xã; 14 xã NTM nâng cao, nâng tổng số lên 17 xã; 5 xã NTM kiểu mẫu.
Nhằm đạt được mục tiêu, các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân vùng nông thôn. Ngành nông nghiệp và đơn vị liên quan thường xuyên cập nhật, phổ biến các mô hình, sáng kiến và kinh nghiệm hay để nhân ra diện rộng.
Để tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng NTM, vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Địa phương sẽ chủ động nghiên cứu, vận dụng ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù dựa trên cơ sở khung cơ chế, chính sách của Trung ương và điều kiện thực tế.
Bên cạnh đó, địa phương tăng cường thực hiện hiệu quả các giải pháp về công tác lập kế hoạch, phân bổ, giải ngân và huy động nguồn lực xây dựng NTM. Thực hiện lồng ghép, thống nhất cơ chế đầu tư, hỗ trợ trên cùng địa bàn theo cơ chế của chương trình. Huy động nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức triển khai xây dựng NTM, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn tín dụng, huy động đóng góp của nhân dân theo nguyên tắc tự nguyện.
Ngoài ra, công tác nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao vẫn được địa phương tiếp tục triển khai thực hiện. Nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, giữ vững, phát huy sự đa dạng, phong phú về văn hóa, nhân rộng các mô hình du lịch nông thôn.
Hậu Giang xác định nông nghiệp, nông dân và nông thôn giữ vai trò quyết định, nền tảng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững đã được triển khai và mang lại hiệu quả thế nào, thưa ông?
Địa phương đã triển khai đồng loạt các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao và bền vững. Cụ thể, Chương trình số 02/CTr-UBND, hành động phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình Khuyến nông trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025; Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Hậu Giang (VnSAT).
Hậu Giang không ngừng cải thiện chất lượng sản phẩm nông nghiệp thông qua việc áp dụng các quy trình sản xuất đạt chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, triển khai các chương trình đào tạo, hỗ trợ nông dân tiếp cận kỹ thuật sản xuất tiên tiến và ứng dụng công nghệ hiện đại.
Đồng thời, việc xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất chặt chẽ, từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ, thông qua sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, HTX và nông dân cũng được địa phương đặt biệt quan tâm.
Từ đó, năng suất, giá trị thương mại của sản phẩm được nâng cao đáng kể, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ cả trong nước và quốc tế, tăng cường tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp địa phương. Đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng đời sống của người dân vùng nông thôn.
Ngoài việc tập trung vào việc tăng cường sản xuất, các chương trình phát triển nông nghiệp, giải pháp canh tác bền vững, bảo vệ môi trường cũng được địa phương quan tâm. Qua đó, hạ tầng nông thôn, chất lượng cuộc sống và điều kiện sinh hoạt của người dân được nâng cao, giảm thiểu tác động môi trường, sản xuất nông nghiệp được duy trì và phát triển bền vững.