| Hotline: 0983.970.780

Vững vàng ra khơi

Thứ Hai 20/08/2012 , 10:16 (GMT+7)

Gần như 100% ngư dân vùng biển Quỳnh Lưu (Nghệ An) thuộc các tổ hợp tác trên biển. Giờ đây, mỗi tàu cá cắm cờ đỏ sao vàng đều không lạc lõng giữa biển khơi.

Gần như 100% ngư dân vùng biển Quỳnh Lưu (Nghệ An) thuộc các tổ hợp tác trên biển. Giờ đây, mỗi tàu cá cắm cờ đỏ sao vàng đều không lạc lõng giữa biển khơi.

Sôi nổi trước mùa vụ chính

Thời điểm bắt đầu mùa khai thác chính trong năm, cảng cá Lạch Quèn (Quỳnh Lưu) luôn tấp nập với hàng trăm tàu cá lớn nhỏ. Ngư dân tất bật chuẩn bị những đồ dùng thiết yếu cho chuyến ra khơi khiến khu vực luôn ồn ào, nhộn nhịp.

Bà Trần Thị Noa (57 tuổi, xóm Đại Tân, xã Quỳnh Long) chuẩn bị một số ngư cụ cho chồng, cười vui nói với chúng tôi: “Tàu cá của gia đình tôi chỉ dưới “90 ngựa” (công suất dưới 90 CV) thôi, nhưng mỗi lần đi cũng 10 – 15 ngày. Cứ mỗi dịp chồng con ra biển tôi đều chuẩn bị đầy đủ tươm tất từ thức ăn nước uống đến ngư cụ. Mấy cha con đi cả, mình tôi với con dâu ở nhà chờ tàu về là ra bến nhập cá”.

Hiện cảng cá Lạch Quèn có trên 600 tàu thuyền lớn nhỏ cập bến liên tục. Trong số các xã có ngư dân ở huyện Quỳnh Lưu thì Quỳnh Long, Quỳnh Phương, Sơn Hải và Tiến Thủy là những xã có đội tàu mạnh và hoạt động rất hiệu quả.

Theo số liệu tại xã Sơn Hải, ở thời điểm hiện tại toàn xã có 223 tàu cá, trong đó có 185 chiếc trên 90 CV, tức là có thể tham gia đánh bắt xa bờ. “Trong 2 năm trở lại đây, hoạt động khai thác đánh bắt xa bờ của chúng tôi đã trở nên chuyên nghiệp hơn và hiệu quả cũng tăng lên thấy rõ” – ông Nguyễn Văn Thấy, Chủ tịch Hội Nghề cá xã Sơn Hải cho biết.


Cảng cá Lạch Quèn - Quỳnh Lưu luôn nhộn nhịp với hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân

Tại xã Quỳnh Long, chỉ trong tháng 7/2012, bà con đã đánh bắt được trên 800 tấn thủy hải sản, gồm chủ yếu là cá và mực, tăng hơn 100 tấn so với tháng 6. Những tháng sắp tới khi bước vào vụ khai thác chính, sản lượng chắc chắn sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Theo ông Phạm Anh Tuyến, Chủ tịch Hội Nghề cá Quỳnh Long, hoạt động đánh bắt có hiệu quả đã xuất hiện một số ngư dân tiên phong đầu tư nâng cấp phương tiện, thiết bị và đã trở thành kiểu mẫu. Riêng xã Quỳnh Long có anh Nguyễn Văn Minh (xóm Đại Bắc), một mình sở hữu 3 tàu cá, trong đó anh vừa đầu tư 4 tỷ đồng đóng mới tàu cá trên 900 CV.

“Tàu hiện đại cho phép ngư dân vươn xa và khai thác có hiệu quả” – ông Tuyến hồ hởi.

Ngư dân không lạc lõng

Một con số đáng mừng là hiện tại, hầu như 100% ngư dân Quỳnh Lưu đã gia nhập hội nghề cá và tổ hợp tác trên biển. Xã Sơn Hải có chừng 2/3 dân số là ngư dân. Trong 2 năm qua, dưới sự chỉ dẫn và vận động của chính quyền sở tại, bà con ngư dân đã gia nhập vào 23 tổ hợp tác trên biển.

“Tổ hợp tác được coi như các đơn vị hạt nhân, mỗi thành viên sẽ có sự liên kết chặt chẽ với nhau, hỗ trợ nhau trong hoạt động khai thác và cả vấn đề kinh tế. Nhờ đó ngư dân sẽ trở nên đoàn kết và làm ăn có hiệu quả hơn” – ông Nguyễn Văn Thấy giải thích.

Anh Trần Văn Trung (Quỳnh Long), mới 24 tuổi nhưng đã có thâm niên 10 năm kiếm sống trên khắp vùng biển của Tổ quốc. Từng trải qua nhiều hoàn cảnh nguy hiểm giữa biển cả, nhất là những khi đối mặt với mưa bão, anh cảm thấy vui mừng với sự ra đời của các tổ hợp tác.

“Bây giờ chúng tôi ra khơi đều có cảm giác có anh em bạn bè xung quanh nên rất vững tâm. Những khi gặp khó khăn chúng tôi rất dễ liên lạc với nhau để ứng cứu. Bản thân tôi đã 2 lần tham gia cứu nạn cho các thuyền bạn trong mùa mưa bão năm trước”.

Theo số liệu của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nghệ An, địa phương này có tổng cộng 4.173 tàu cá, với công suất bình quân là 71CV, riêng đội tàu công suất trên 90 CV có 1.023 chiếc. Toàn tỉnh có 3 cảng cá là Cửa Hội, Lạch Vạn và Lạch Quèn.

Theo ông Trần Xuân Nhựt, Trưởng phòng Quản lý tàu cá thuộc Chi cục, sắp tới tỉnh sẽ triển khai dự án của WB nhằm nâng cấp cảng Lạch Vạn, xây mới 1 cảng cá hiện đại ở Quỳnh Phương, tại đây sẽ quy hoạch thêm khu neo đậu tránh bão cho tàu thuyền.

Không chỉ Quỳnh Long, các xã khác ở Quỳnh Lưu đều đã thành lập các tổ hợp tác trên biển và phát huy hiệu quả rất tốt. Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Sơn Hải cho biết thêm, trong vài năm qua, ngư dân đã được Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều trang thiết bị quan trọng phục vụ cho việc đánh bắt xa bờ hiệu quả và an toàn. “Hiện mỗi tàu cá đi biển đều được hỗ trợ bộ đàm và máy Incom nên việc thông tin trở nên nhanh chóng và dễ dàng. Đó là điều hết sức quan trọng vì nghề biển truyền thống trước nay quá thiếu các thiết bị thông tin nên phải chịu nhiều thiệt hại cả về người và tài sản” - ông Hùng khẳng định.

Tuy thế, ngư dân hiện tại vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó chủ yếu là thiếu vốn. “Mỗi chuyến đánh bắt ngoài khơi của ngư dân kéo dài khoảng trên 2 tuần. Trong khoảng thời gian đó, tiền chi phí xăng dầu và thức ăn cho mỗi tàu công suất lớn là rất cao. Nếu không có đủ vốn, ngư dân sẽ rất khó ra khơi” – ông Nguyễn Văn Thấy, Chủ tịch Hội Nghề cá xã Sơn Hải trăn trở.

Ông Thấy cho biết thêm, ngư dân còn thiếu trầm trọng nguồn vốn để nâng cấp, tu sửa tàu thuyền chứ chưa nói là đóng mới. “Hiện Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT đang triển khai cho ngư dân vay vốn thế chấp, nhưng nguồn vay rất ít và thời hạn quá ngắn. Do thiếu thốn về tiền, khoảng 50% ngư dân Sơn Hải vẫn đang ra biển với những con tàu đóng trên 10 năm”, ông Thấy nói.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ôtô BMW tự bốc cháy khi đang đỗ

Khoảng 12h ngày 2/5, trên đường Ngô Thì Sỹ, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông một chiếc ôtô nhãn hiệu BMW đỗ ven đường đột nhiên bốc cháy dữ dội.