Chúng tôi về xã biển Hải Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) khi địa phương này đã cán đích nông thôn mới (NTM). Ông Phạm Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: "Điểm nổi bật trong xây dựng NTM ở Hải Ninh là xã đã lồng ghép các chương trình, dự án, đóng góp của nhân dân để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu”.
Về Hải Ninh hôm nay mới cảm nhận được sự đổi thay trên từng con đường liên thôn, ngõ xóm. Bất cứ ở đâu cũng là những tuyến đường bê tông rộng chạy dài. Hai bên đường là những căn nhà xây kiên cố còn mới màu sơn. Một xã biển Hải Ninh nghèo nay đã thay da đổi thịt. Chỉ tính riêng trong năm 2020, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã ước đạt gần 85 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách của trung ương và tỉnh hơn 7 tỷ đồng. Còn lại là ngân sách xã và người dân tự nguyện đóng góp lên hơn 1,2 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, xã Hải Ninh đã triển khai bê tông hóa thêm 5 km đường ngõ xóm. Đầu tư xây dựng 5 tuyến đường đấu nối đường 569 ra biển Hải Ninh. Tiếp tục triển khai thực hiện hệ thống kè khe cát ở các thôn Xuân Hải, Hiển Trung, Tân Định…
Để thực hiện đạt các tiêu chí xây dựng NTM, Hải Ninh đã áp dụng phương châm “dễ trước, khó sau, không trông chờ ỷ lại”. Ông Phạm Văn Liệu cho hay: “Chúng tôi đã ưu tiên những tiêu chí dễ làm trước, như các tiêu chí điện, y tế, thủy lợi, hình thức tổ chức sản xuất; đồng thời, lồng ghép với những tiêu chí khó thực hiện để tiến hành cùng lúc”. Nhờ linh hoạt, khéo léo trong cách triển khai, mà đầu năm 2020, xã đạt 16/19 tiêu chí NTM, tăng 10 tiêu chí so với thời điểm bắt đầu triển khai (năm 2011). Đến đầu năm nay, Hải Ninh đã đạt 19/19 tiêu chí NTM.
Trong quá trình vận động xây dựng NTM, trên vùng quê biển xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất. Qua đó, phát triển kinh tế để thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng, góp công sức lao động xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn... Nhiều hộ gia đình tiêu biểu, như gia đình ông Nguyễn Văn Thành (thôn Tân Hải), Nguyễn Văn Thắm (thôn Cừa Thôn), Trương Văn Nam (thôn Hiển Trung) và hàng chục hộ gia đình khác đã hiến hàng trăm mét vuông đất vườn và tường rào; góp công, hiến tài sản để xây kè chắn lũ, mở rộng, cứng hóa đường ngõ xóm theo tiêu chí NTM.
Nhiều mô hình kinh tế gắn với sản phẩm truyền thống đã tăng thu nhập đáng kể cho người dân xã Hải Ninh. Thương hiệu khoai deo Hải Ninh, nước mắm Hải Ninh, tôm mực xuất khẩu Hải Ninh…đã có uy tín trên thương trường và vươn ra xuất khẩu. Qua đó nâng bình quân thu nhập đầu người lên 52,3 triệu đồng/năm.
Cùng với việc đầu tư hệ thống hạ tầng thiết yếu, xã Hải Ninh chú trọng phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm, khuyến khích phát triển các cơ sở dịch vụ, tăng cường tạo điều kiện đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn. Cùng với đó, địa phương chú trọng đào tạo nghề, thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm. Tổ chức đăng ký nhu cầu học nghề các lớp thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy, chế biến món ăn, cho người lao động với trên 500 người đăng ký tham gia. Với những nỗ lực này, xã Hải Ninh đã nâng tỷ lệ lao động có việc làm trên địa bàn xã lên 92%.
Một điểm sáng đáng ghi nhận nữa là xã biển đã thực hiện tốt và có hiệu quả chính sách xã hội, xóa đói giảm nghèo. Chi trả kịp thời các chế độ trợ cấp cho đối tượng chính sách theo đúng quy định như gạo cứu đói giáp hạt, tiền hỗ trợ Covid-19. Công tác xoá đói giảm nghèo được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo thực hiện. Đến nay, toàn xã tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,2% tổng số hộ.
Từ một xã vùng biển bãi ngang nghèo khó, Hải Ninh đã vươn vai đứng dậy cùng chương trình xây dựng NTM. “Hải Ninh xác định rõ lộ trình cụ thể gắn với từng phần việc phải hoàn thành trong kế hoạch thực hiện giai đoạn nước rút. Do đó, chúng tôi đã đạt chuẩn NTM theo đúng lộ trình đề ra”, ông Phạm Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh chia sẻ thêm.