Ngồi xổm bên đống lúa nếp than mới gặt, ông Hồ Hiền, Trưởng bản Khe Giữa (xã Ngân Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) cười vui: “Đây là vụ lúa của năm thứ 4 rồi. Giống lúa nếp than này dễ làm, năng suất cao hơn và bán giá gấp ba, gấp bốn lúa thường. Rứa mà không có được nhiều để bán mô…”.
Trước đây, giống lúa nếp than được bà con dân tộc vân Kiều ở miền tây huyện Lệ Thủy được gieo trồng trên rẫy. Vì vậy, năng suất lúa bấp bênh vì bị hạn hán, bị thú rừng phá. Có vụ, bà con chỉ có làm mà không có thu hoạch vì bị mất trắng. Dù là giống lúa quý, nhưng vì năng suất bấp bênh nên cũng bị mai một dần và đến khi bị mất hẳn. Giống lúa đó chỉ còn lại trong trí nhớ của người già trong bản mà thôi.
Vào năm 2017, lãnh đạo xã Ngân Thủy quyết tâm tìm lại, phục tráng lại giống lúa quý này để làm cơ sở cho việc mở rộng sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực, dinh dưỡng và tăng thu nhập cho bà con. Giống lúa nếp than ngon, quý bởi nó có hạt chắc mẩy, hạt cơm dẻo, thơm ngon.
Lúc này, ông Nguyễn Hữu Hán là Bí thư Đảng ủy xã Ngân Thủy đã tìm hiểu và đến vùng xa xôi của bà con dân tộc Pa Cô, Tà Ôi vùng A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đang canh tác giống lúa này. Tìm đến học hỏi kinh nghiệm và được biết bà con ở đây cũng bị mất giống do tập quán du canh du cư trước đó. Sau này, bà con lấy lại được giống ở một bản người Lào bên kia biên giới.
Giống lúa nếp than được chia cho các bộ xã để làm thử và đưa sản xuất ở ruộng nước chứ không làm lúa rẫy như truyền thống. Điều đáng mừng là cây lúa nếp than phát triển tốt, bộ rễ khỏe nên cây cứng và đẻ nhánh nhiều hơn. Từ những hạt giống, cây nếp nảy mầm, đẻ nhánh, ngậm sữa và cho những bông nếp đầy hạt đen tuyền trĩu nặng.
Sau hai vụ sản xuất mang tính thử nghiệm ở mô hình nhỏ, kết quả cho thấy phù hợp, xã Ngân Thủy quyết định đưa giống lúa nếp than ra nhân rộng mô hình trên đồng ruộng ở 4 bản Khe Giữa, Còi Đá, Cẩm Ly và Cửa Mẹc với diện tích trên 10ha.
Tại bản Khe Giữa, lúa nếp than được gieo trên chân ruộng nước với diện tích hơn 2ha. Trưởng bản Hồ Hiền bảo: “Bà con học làm theo cách cách hữu cơ đó. Nghĩa là không bón phân hóa học, không thuốc trừ sâu mà chỉ ủ phân chuồng, ủ phân lá đem bón ruộng thôi”.
Dù năng suất lúa chưa được cao lắm (khoảng 40 tạ/ha), nhưng chất lượng dẻo thơm, sạch, giàu chất dinh dưỡng nên giá trị sản phẩm mang lại cao. “Bữa nay, gạo nếp than được bà con bán với giá 50 nghìn đồng/kg. Nếu quy ra thóc thì bán với giá 34 ngàn đồng/kg đấy. Nên dù có năng suất thấp, nhưng giá trị cao vậy thành ra bà con thu lãi nhiều lắm”,- Trưởng bản Hồ Hiền khoe.
Trên cánh đồng ruộng nước của bản, bà con đang cùng nhau thu hoạch lúa. Chị Hồ Thị Lan vừa gặt lúa, lâu lâu lại dừng tay liềm để quay ra ôm lúa đưa lên bờ. Khuôn mặt lấm tấm mồ hôi nhưng chị vui lắm. Chị bảo mấy năm trước, khi cán bộ xã vận động làm lúa nếp than mà bà con vẫn chưa tin nên cũng thờ ơ lắm. Không ngờ, lúa tốt, giá cao ai cũng vui sướng. “Lúa bán giá được lắm. Cao gấp 5 - 7 lần giá lúa gạo trắng gieo ruộng bên cạnh đó mà”, chị Lan hồ hởi cho biết.
Nhà chị Lan ở cạnh trường mầm non nên các cháu đi học cũng thuận tiện. Nhà có 3 đứa con nhưng không lo thiếu đói. Ngoài làm ruộng, vợ chồng chị Lan còn nuôi lợn, nuôi bò nên thu nhập cũng khá. Mỗi sáng, ngắm các con khỏe mạnh, đội mũ, mang dép đi đến trường làm lòng chị vui như có hội.
Bản Còi Đá cũng là nơi được chọn triển khai giống lúa nếp than mấy vụ nay. Bây giờ, dân bản làm hơn 2ha. Lúa tốt, được giá nên bà con như vào ngày hội mới. Trưởng bản Hồ Minh vừa nói như mách cho mọi người rằng, 2ha lúa gặt về được khoảng 8 tấn. “Cái năng suất chưa được nhiều mô. Nhưng nếu so sánh thì bà con bán 1 tấn lúa này thu về khoảng hơn 30 triệu đồng. Trong khi đó, lúa trắng bán 1 tấn được 6 - 8 triệu đồng thôi”.
Cũng theo trưởng bản Hồ Minh thì năm sau, bản sẽ tăng dần diện tích lúa nếp than để có thu nhập cao cho bà con. “Có thu nhập cao để bản miềng làm nhanh cái việc xây dựng bản nông thôn mới mà”, trưởng bản Hồ Minh hi vọng.
Về với Ngân Thủy hôm nay đã thấy từng bản làng thay da đổi thịt. Trong vòng gần 4 năm trở lại đây, Ngân Thủy huy động được mọi nguồn vốn để xây dựng hệ thống giao thông nông thôn miền núi. Xây mới được 3 nhà văn hóa thôn bản và nâng cấp 1 nhà văn hóa khác. Khu liên hợp trường mầm non trung tâm xã cũng đã được xây dựng mới, khang trang đủ điều kiện tốt để đón con em địa phương đến học tập, vui chơi. Các cháu đến học ở trường đã được chăm lo theo chế độ bán trú. Bữa ăn hàng ngày đã thêm nhiều dinh dưỡng từ thịt, cá, rau sạch.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Ngân Thủy cho hay: “Chỉ trong vòng 3 năm qua, Ngân Thủy từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 54% tổng số hộ thì nay đã giảm xuống còn 27%. Hiện, chúng tôi đang tập trung chỉ đạo xây dựng bản Còi Đá thành bản nông thôn mới đầu tiên để sau đó triển khai rộng ra các bản khác”.