| Hotline: 0983.970.780

Vườn quốc gia Hoàng Liên hỗ trợ nông dân Bản Hồ thoát nghèo

Thứ Hai 29/05/2023 , 17:57 (GMT+7)

Nuôi lợn rừng, trồng khoai sâm và hoa cúc… mở ra hướng đi mới cho bà con dân tộc thiểu số ở Bản Hồ (Sa Pa, Lào Cai) từng bước thoát nghèo.

Hợp tác xã Nông nghiệp Bản Hồ có 7 thành viên triển khai mô hình nuôi lợn rừng bán tự nhiên. Ảnh: Hải Đăng.

Hợp tác xã Nông nghiệp Bản Hồ có 7 thành viên triển khai mô hình nuôi lợn rừng bán tự nhiên. Ảnh: Hải Đăng.

Ông Lý A Sẩu, chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Bản Hồ cho biết, hợp tác xã đang triển khai mô hình nuôi lợn rừng đầu tiên ở Bản Hồ. Với đặc điểm, tập tính của lợn rừng được chăn nuôi theo phương thức bán hoang dã. Khu vực chăn nuôi được xây dựng ở vị trí đất cao ráo, có nhiều cây cối và bóng mát và có nguồn nước sạch cung cấp nước uống cho vật nuôi. Xung quanh khu vực chuồng trại có hàng rào bao quanh chắc chắn, cách xa khu dân cư vì lợn rừng sợ tiếng ồn, đồng thời đảm bảo việc phòng chống dịch bệnh, môi trường…

Cũng theo ông Lý A Sẩu, lợn rừng của hợp tác xã được nuôi bằng các sản phẩm nông nghiệp sẵn có ở địa phương như ngô, khoai, sắn… Quá trình chăn nuôi lợn rừng tuân thủ mô hình khép kín, đặc biệt phân của lợn còn được ủ để bón cho khoai sâm - cây hoàng sin cô - và hoa cúc.

"Công ty TNHH chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi lợn rừng Suối Yến ngoài hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi còn bao tiêu đầu ra khi lợn đủ tiêu chuẩn xuất chuồng, với giá 140 nghìn đồng/kg nên bà con hết sức yên tâm. Còn khoai sâm hiện hợp tác xã trồng được trên 1ha tại 5 thôn gồm: Tả Chung Hồ, Séo Chung Hồ, Ma Quái Hồ, Hoàng Liên và thôn La Ve. Mặc dù chưa đánh giá được sản lượng nhưng chúng tôi mong muốn loại cây này có thể thay thế được cây sắn. Qua kinh nghiệm của bà con ở Y Tý  thì khoai sâm cho thu nhập cao hơn hẳn cây sắn. Ở Bản Hồ, bà con chủ yếu trồng sắn nhưng chất lượng thấp, giá trị kinh tế lại không cao do đó chúng tôi mong muốn khoai sâm sẽ thành cây chủ lực”, ông Lý A Sẩu nói.

Được biết, Vườn quốc gia Hoàng Liên là đơn vị kết nối các đơn vị ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con tham gia mô hình thí điểm này; đồng thời chuyển giao khoa học công nghệ, con giống và quy trình chăm sóc... Ngoài sản phẩm lợn rừng, Công ty cổ phần Dược liệu và thực phẩm Việt Nam sẵn sàng bao tiêu khoai sâm của bà con Bản Hồ để làm sản phẩm nước uống Sâm Fansipan đóng lon thương hiệu Wewell.

Ông Lý A Sâu kiểm tra diện tích trồng khoai sâm cho thấy cây phát triển tốt. Ảnh: Hải Đăng.

Ông Lý A Sâu kiểm tra diện tích trồng khoai sâm cho thấy cây phát triển tốt. Ảnh: Hải Đăng.

Theo các thành viên hợp tác xã, ban đầu họ rất bỡ ngỡ vì họ chưa nhìn thấy lợi ích tuy nhiên sau khi được trao đổi, vận động và đầu ra được đảm bảo bằng hợp đồng nên bà con trong hợp tác xã rất yên tâm.

“Ở đây, đều chưa có ai tham gia mô hình này, chưa làm bao giờ cho đến khi được Vườn quốc gia Hoàng Liên hỗ trợ cho đi tập huấn, học tập kinh nghiệm nên các thành viên hợp tác xã hăng hái và nhiệt tình cùng làm”, một thành viên cho hay. 

Qua thực tế cho thấy, đã có nhiều hợp tác xã làm tốt vai trò liên kết nông dân để chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, hiệu quả cao. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân. Không chỉ cung ứng giống, vật tư, phân bón, tư vấn hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, mà đầu ra cũng được đảm bảo, không bị tư thương ép giá…

Ông Vừ A Xa, Bí thư Đảng ủy xã Bản Hồ (Sa Pa, Lào Cai) cho biết, ở đây rất thiếu nước do nguồn nước ở đây bé, địa hình đồi núi phức tạp nên việc đưa mô hình chăn nuôi lợn rừng vào là rất phù hợp, mặc dù đất trang trại còn hẹp, chưa được như mong muốn… Còn hoa cúc và khoai sâm đây là vụ đầu tiên để bà con nhân dân trồng thử nghiệm xem kết quả ra sao.

Trên địa bàn xã Bản Hồ có 4 dân tộc anh em sinh sống gồm: Mông, Dao, Tày và một số hộ dân tộc Kinh. Xã này cũng có tỷ lệ hộ nghèo cao, đây cũng là một thách thức, khó khăn trong khi chưa tìm được sản phẩm chủ lực chính cho địa phương. Mặc dù diện tích tự nhiên của xã lên tới hơn 9.000ha nhưng chủ yếu nằm trong vùng lõi của Vườn quốc gia Hoàng Liên; sản xuất nông nghiệp còn manh mún chủ yếu bà con cấy lúa, trồng ngô, khoai nên năng suất, thu nhập không cao.

“Chúng tôi rất quyết tâm, các cấp ủy, chính quyền thường xuyên quan tâm cùng với hợp tác xã để theo dõi, bám sát để làm sao đưa những sản phẩm của hợp tác xã đạt chứng nhận OCOP trong thời gian tới”, ông Vừ A Xa nhấn mạnh.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

OCOP Nghệ An cần những mảng màu như Tứ Phương

Muốn phát triển thương hiệu OCOP vững bền đòi hỏi lượng và chất phải song đôi, xuyên suốt hành trình đã qua, Tứ Phương luôn xem đây là yêu cầu bắt buộc.