| Hotline: 0983.970.780

Vườn quốc gia Pù Mát: Nỗ lực suốt chặng đường 20 năm

Thứ Sáu 16/12/2016 , 07:45 (GMT+7)

Nơi đây không những được đánh giá là kho tàng về đa dạng sinh học các nguồn gen hoang dã, quý hiếm mà còn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn, giữ và cung cấp nước tưới, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường.

Nằm trên sườn đông của dãy Trường Sơn thuộc tỉnh Nghệ An, Vườn quốc gia Pù Mát (VQG Pù Mát) có độ cao tuyệt đối dao động từ 200 - 1.841m, trùm lên ba huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương được lấy tên đỉnh núi Pù Mát cao nhất (1.841m) đặt tên cho VQG.

bn-lng-nguoi-thi-doc-khe-thoi10490921
Một bản của đồng bào Thái dọc Khe Thơi
 

Nơi đây không những được đánh giá là kho tàng về đa dạng sinh học các nguồn gen hoang dã, quý hiếm mà còn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn, giữ và cung cấp nước tưới, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường.
 

Điểm nhấn miền Tây xứ Nghệ

Đây là VQG có diện tích và độ che phủ cao nhất cả nước (hơn 98%). Có được thành tích ấy, là nhờ sự lồng ghép của Dự án Lâm nghiệp xã hội và BTTN tỉnh Nghệ An (SFNC) giai đoạn 1997 - 2004. Cư dân vùng đệm và VQG Pù Mát đã nhận được sự tập trung đầu tư sâu rộng từ dự án này.

Trong đó các hoạt động đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, tham quan mô hình cho các đối tượng trong vùng đệm; Xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp trang thiết bị VQG, các chương trình điều tra, nghiên cứu khoa học, hoạt động tuyên truyền giáo dục môi trường để nâng cao nhận thức của người dân; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, nâng cao năng lực tuần tra cho cán bộ quản lý và Kiểm lâm viên; nâng cao năng lực tuyên truyền, vận động nhân dân, tổ chức các hoạt động tham quan học tập kinh nghiệm...

Có thể nói chính nhờ hiệu quả của các chương trình hoạt động của dự án SFNC mà đời sống người dân trong vùng lõi và vùng đệm của VQG Pù Mát đã được cải thiện, nâng cao thu nhập, nhiều hộ đã làm giàu từ các mô hình phát triển kinh tế vườn rừng, VRAC; Sức ép chặt phá rừng đã giảm rõ rệt, người dân đã có nhiều hoạt động hỗ trợ lực lượng Kiểm lâm cùng thực hiện bảo vệ rừng.

VQG Pù Mát hiện không chỉ được biết đến về sự phong phú và đa dạng về các loài động thực vật hoang dã, mà tại đây còn là một địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn của Nghệ An. Nhờ những dãy núi đá vôi nhiều thác nước, hang động và thắng cảnh mà thiên nhiên đã ưu đãi ban tặng cho huyện Con Cuông những cảnh quan tuyệt đẹp như thác Khe Kèm, hang Ốc, bãi đá Mỏ vịt, rừng Săng Lẻ, Suối nước mọc ''Rốn Cô Tiên’' và các di tích lịch sử như Cây Đa Cồn Chùa, Hang ông Trạng, Thành Trà Lân..., đã tạo nên sức hấp dẫn kỳ diệu đối với du khách sau mỗi lần đến nơi đây để nghỉ ngơi, tham quan, du lịch.

Để bảo vệ tốt diện tích rừng được giao tại VQG Pù Mát, biến nó trở thành một trong 5 địa điểm trọng tâm để phát triển du lịch của Nghệ An, công đầu phải kể đến chính là đồng bào các dân tộc thiểu số tại các vùng đệm, cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan đơn vị trên địa bàn, các nhà khoa học, các ngành chức năng đã đồng lòng, chỉ đạo, quan tâm, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của VQG Pù Mát trong việc quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại VQG Pù Mát.
 

Chung sức chung lòng

Nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo, phối kết hợp đó cũng như sự đồng lòng của đồng bào vùng đệm và sự cố gắng nỗ lực của công chức, viên chức và người lao động VQG Pù Mát, trong 20 năm qua VQG Pù Mát đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các Ban, ngành và UBND tỉnh nên VQG Pù Mát đã có biên chế 118 người (khi mới thành lập chỉ có 7 người), trong đó có 56 biên chế công chức, 58 biên chế viên chức. Hiện tại cán bộ Vườn có 73 người có trình độ đại học trở lên (có 1 tiến sỹ và 6 thạc sỹ).


Thác Khe Kèm, điểm du lịch hấp dẫn tại VQG Pù Mát
 

Pù Mát chẳng những là một khu tầm cỡ quốc gia mà còn có giá trị cho cả Lào và Đông Dương. Điều đặc biệt quan trọng là quần thể một số loài chim và thú thực sự có nguy cơ bị tiêu diệt ở Việt Nam và trên thế giới vẫn còn khả năng bảo tồn phát triển nếu VQG được quản lý và bảo vệ tốt đó là các loài voi, hổ, sao la, bò tót, mang Trường Sơn, thỏ vằn, cầy vằn, gấu chó, gấu ngựa, trĩ sao...

Công tác quản lý bảo vệ 94.715,4ha rừng và đất rừng suốt thời gian qua đạt kết quả tốt đến nay VQG Pù Mát đã có độ che phủ rừng lên 98%.

Tại đây, việc phân định đường rang giới giữa vùng đệm và vùng lõi rất rõ ràng. Toàn bộ vùng lõi cũng được phân chia thành các tiểu khu và giao cho từng kiểm lâm viên tổ chức quản lý, bảo vệ nhờ đó đã nâng cao hiệu quả công tác của lực lượng kiểm lâm viên địa bàn nên đã cơ bản chấm dứt được tất cả các điểm nóng khai thác lâm sản và săn bắt động vật hoang dã trong lâm phần quản lý của đơn vị.

Trong những năm qua, bên cạnh việc làm tốt công tác PCCCR, xây dựng quy ước ước bảo vệ và phát triển rừng, tổ chức giao khoán 30.330ha rừng cho 854 hộ gia đình và 4 đồn Biên phòng đóng trên địa bàn cũng như công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, VQG Pù Mát đã tiến hành nhiều hoạt động có ý nghĩa như hợp tác bảo tồn liên biên giới với Sở Nông Lâm nghiệp tỉnh Bô-li-khăm-xay và Tổng cục Lâm nghiệp (CHDCND Lào) trong việc bảo tồn đa dạng sinh học; Điều chỉnh quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát triển bền vững VQG Pù Mát giai đoạn 2013 - 2020; Quy hoạch và tổ chức thực hiện các khu vực bảo tồn đặc biệt trong VQG đối với một số loài động thực vật quý hiếm, đặc hữu như sao la, vượn đen má trắng, hổ, voi… Quan tâm đề xuất hỗ trợ nhiều chương trình, dự án, trong đó nổi bật là các dự án: Lâm nghiệp xã hội và bảo tồn thiên nhiên tỉnh Nghệ An (SFNC – ALA-VIE/94/24) do Cộng đồng Châu Âu tài trợ; Dự án Quỹ bảo tồn Việt Nam (VCF)…

Trong 20 năm qua, Vườn đã hợp tác với các đơn vị và các tổ chức khác như Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Khoa học Lâm nghiệp, Viện Dược liệu, ĐH Vinh, ĐH Lâm nghiệp, ĐH Nông lâm Huế, Trung tâm Tài nguyên và môi trường (ĐH Quốc gia Hà Nội), các trường cao đẳng, các tổ chức, các nhà khoa học trong nước và quốc tế để thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học, thu thập mẫu tiêu bản động thực vật phục vụ nghiên cứu và đào tạo cán bộ.

Hiện nay, Vườn đang xúc tiến để đẩy mạnh các hoạt động đầu tư khai thác du lịch và dịch vụ tại các tuyến điểm quan trọng như Thác Kèm, Sông Giăng, tuyến tham quan cây di sản Việt Nam trong vùng lõi của Vườn... Xúc tiến để ký hợp đồng dịch vụ du lịch với các hãng lữ hành trong tỉnh, tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hoà và các tỉnh khác.

Từ năm 2006 đến nay Vườn đã thực hiện hàng trăm tour du lịch cho khách quốc tế, đem lại thu nhập đáng kể cho người dân sinh sống trong vùng đệm của Vườn. Riêng trong năm 2016 tính đến thời điểm hiện tại Vườn đã thu hút được khoảng 25.000 lượt khách tham quan và nghỉ dưỡng tại Vườn. Mặc dù nguồn thu từ du lịch và dịch vụ chưa nhiều những đã góp phần vào việc hỗ trợ công tác quản lý BVR cũng như tái đầu tư nhằm phát triển, đa dạng hóa các loại hình du lịch và dịch vụ phục vụ cho những năm tới.

Song song với hoạt động khai thác du lịch, dịch vụ, VQG Pù Mát cũng đã và đang thực hiện các hoạt động quảng bá về du lịch tới bạn bè, du khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt Vườn đã được vinh dự đón nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đến thăm và làm việc trên địa bàn miền Tây Nghệ An, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng...

Trong suốt 20 năm xây dựng và phát triển của mình, tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại VQG Pù Mát đã vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba, 17 Bằng khen của Thủ tướng và của các Bộ, ngành TW ; 26 Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh và LĐLĐ tỉnh; 24 lượt cá nhân được tặng Bằng khen của các Bộ, ngành TW; 39 Bằng khen của UBND tỉnh và của LĐLĐ tỉnh cùng hàng trăm Giấy khen khác.

20 năm qua, lực lượng kiểm lâm của Vườn đã thực hiện được 3.715 đợt tuần tra rừng dài ngày, 284 cuộc truy quét đi sâu vào các tiểu khu, với sự tham gia của 10.207 lượt cán bộ kiểm lâm. Tính đến nay Hạt Kiểm lâm đã xử lý 1.118 vụ vi phạm lâm luật, trong đó khởi tố hình sự 10 vụ; tịch thu 1.180,496m3 gỗ các loại, hàng trăm cá thể động vật có giá trị như báo, gấu, vượn, khỉ, rùa, trăn, ba ba, tê tê, nhím; vận động thu hồi hơn 750 khẩu súng săn; xử phạt và thu nộp ngân sách nhà nước 4.063.552.678 đồng.

 

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.