Sáng 15/11, tổ chức WWF-Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Kết thúc dự án "Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam" (TVA) nhằm tổng kết một số thành quả hoạt động trong hơn 3 năm triển khai (2021-2024), cũng như tiến tới triển khai trong năm 2025.
Trong giai đoạn 2021-2024, dự án "Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam" đã thực hiện khoảng 112 đầu hoạt động chính với 3.550 hoạt động tại hiện trường, 90 cơ quan, đơn vị, các hội đoàn thể, tổ chức xã hội nghề nghiệp và nhóm sáng kiến nhận tài trợ.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc WWF-Việt Nam Văn Ngọc Thịnh, đã tổng kết giai đoạn 3 năm hợp tác với thành phố Huế với những thành công vượt bậc. Với mục tiêu tăng cường phân loại rác tại nguồn, các hoạt động dự án đã đạt được nhiều con số nổi bật: thu gom 570 tấn rác thải nhựa thất thoát ra môi trường đạt tới 265% so với mục tiêu đề ra, trang bị đồng bộ 295 điểm thùng phân loại rác nhựa, chất thải rắn, gần 26.000 hộ gia đình được tuyên truyền phân loại rác tại nguồn, 742 tuyên truyền viên chính trong 31 địa bàn, giảm thiểu và phân loại rác tại nguồn trong du lịch, thu gom rác tại nguồn trong nông nghiệp và thủy sản…
Giám đốc WWF-Việt Nam cũng cho biết, với sự tài trợ từ người dân Na Uy, việc dự án được gia hạn tới 2025 là những thành quả đáng khích lệ, giúp Huế tiếp tục phấn đấu trở thành điểm sáng về phát triển bền vững và du lịch xanh ở Đông Nam Á.
Sáng kiến kết nối và giảm thiểu nhựa của WWF-Việt Nam hướng tới mục tiêu không còn rác thải nhựa thải ra thiên nhiên vào năm 2030. Huế cũng đã trở thành thành phố thứ 7 ký cam kết giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát vào môi trường vào năm 2024. Với hướng phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại nhưng vẫn bảo tồn các giá trị văn hóa đặc trưng, Huế được đánh giá cao bởi nhiều tổ chức quốc tế trong việc xây dựng thành phố xanh, bền vững.
Bà Hilde Solbakken, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, rất ấn tượng trước những thành quả của dự án, như con số 570 tấn rác thải nhựa được thu gom. Bà cho biết chìa khóa thành công của dự án là nhờ sự hợp tác đa bên giữa chính quyền, trường học, ngành du lịch, viện nghiên cứu và cộng đồng địa phương.
Dự án là một trong nhiều ưu tiên hàng đầu trong chính sách của Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam. Năm 2022, người dân Na Uy đã đóng góp hơn 22 triệu đô la cho các hoạt động dọn dẹp đại dương, trong đó 2,2 triệu đô la được dành cho WWF-Việt Nam và dự án TVA.
"Đại sứ quán Na Uy sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi dự án trên khắp địa bàn thành phố trong năm 2025. Dự án đã truyền cảm hứng sâu sắc khi góp phần thay đổi nhận thức, hành vi theo hướng tích cực. Huế sẽ tiếp tục phát triển xanh và bền vững, dựa trên những giá trị di sản và văn hóa độc đáo của thành phố", Đại sứ Na Uy tại Việt Nam nhấn mạnh.
Tại thành phố Huế, các trường học đã triển khai nhiều hoạt động thực hành, ngoại khóa thiết thực nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh, như phân loại rác, kiểm toán rác, và thành lập các câu lạc bộ xanh. Trường THCS Phú Mỹ nổi bật với các chương trình như Ngôi nhà xanh, câu lạc bộ “Em học sống xanh", cùng những buổi trải nghiệm thực tế tại Rú Chá. Tại đây, học sinh được tham gia nhặt rác và trải nghiệm một ngày làm công nhân vệ sinh, từ đó giúp thay đổi thói quen hàng ngày và tăng cường tinh thần trách nhiệm với cộng đồng.
"Trong thời gian diễn ra chương trình, nhà trường đã tổ chức kiểm toán rác để các em hiểu rõ về quy trình và tầm quan trọng của việc phân loại rác thải. Đồng thời, mỗi học sinh đăng ký thực hiện 11 hành vi giảm thiểu nhựa trong bảng kiểm, đạt tỉ lệ tham gia 100% từ tất cả 12 tổ học sinh. Việc học sinh tái sử dụng túi ni lông trong các bữa ăn sáng tại trường là minh chứng rõ nét cho những thay đổi trong thói quen tiêu dùng hằng ngày, tạo tiền đề cho một tương lai bền vững", Phó hiệu trưởng trường THCS Phú Mỹ cho biết.
Thiết kế một số điểm đến và tour du lịch không rác thải nhựa cũng là mục tiêu đã được Ngành du lịch thành phố Huế đề ra trong khuôn khổ dự án. Để thực hiện được điều đó, trong năm 2023, Hiệp hội du lịch đã phối hợp với dự án WWF-Việt Nam lựa chọn tour và đơn vị tham gia thực hiện tour không dùng đồ nhựa một lần, thống nhất kế hoạch triển khai Điểm du lịch Lương Quán-Nguyệt Biều, có 16 điểm vệ tinh trong địa bàn tiên phong tham gia và đã được ra mắt. Tính đến nay, ngành đã hình thành 4 tour giảm rác thải nhựa được vận hành của 4 công ty lữ hành trên địa bàn.