| Hotline: 0983.970.780

Xã Chiềng Khay nỗ lực, phấn đấu xây dựng nông thôn mới

Thứ Ba 29/11/2022 , 18:09 (GMT+7)

Thời gian qua, xã Chiềng Khay (huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) đã thực hiện lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn, từng bước hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM.

Xã Chiềng Khay (huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế. Ảnh: Văn Thiệu

Xã Chiềng Khay (huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế. Ảnh: Văn Thiệu

Đẩy mạnh tuyên truyền và huy động tối đa mọi nguồn lực

Với mục tiêu quyết tâm đưa xã Chiềng Khay đạt chuẩn NTM theo kế hoạch vào năm 2023, UBND xã chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” đến nhân dân; chỉ đạo các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh các phong trào thi đua phù hợp với nhiệm vụ như: “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”; “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Tuổi trẻ xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”...

Đồng thời, tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp cải thiện nâng cao chất lượng môi trường nông thôn, đầu tư, sửa chữa các tuyến đường nội bản, xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở, cải thiện chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám chữa bệnh, đảm bảo an ninh trật tự; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi cây trồng vật nuôi; mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP; phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế tăng thu nhập cho người dân gắn với thành lập các HTX nông nghiệp.

HTX Lò Mạnh Sáng được thành lập năm 2012, hoạt động trong lĩnh vực khai thác đá. Năm 2019, HTX bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh mật ong rừng. Đến nay HTX đã có 500 đàn ong, trung bình thu hơn 1 tấn mật/năm. Năm 2020, sản phẩm mật ong của HTX tham gia chương trình OCOP và đạt chứng nhận 3 sao cấp tỉnh; tạo việc làm cho 32 lao động, thu nhập từ 4-8 triệu đồng/người/tháng.

Sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh của HTX Lò Mạnh Sáng xã Chiềng Khay. Ảnh: Văn Thiệu.

Sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh của HTX Lò Mạnh Sáng xã Chiềng Khay. Ảnh: Văn Thiệu.

Nhằm huy động tối đa nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của Nhân dân trong việc tham gia xây dựng NTM. Chiềng Khay luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu được vai trò, trách nhiệm cùng chính quyền địa phương tham gia xây dựng NTM, với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân hiểu và tích cực tham gia.

Chú trọng xây dựng sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao và liên kết sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị để nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, xã cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sức dân thực hiện công trình cầu, đường nông thôn; xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo người nghèo. Chủ động rà soát, đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí đã đạt; góp phần nâng cao đời sống của người dân, tạo chuyển biến mọi mặt của khu vực nông thôn.

Thu nhập là chìa khóa để xây dựng NTM

Bản Có Nọi xã Chiềng Khay hiện có 122 hộ dân với 587 nhân khẩu. Với mục tiêu phấn đấu về đích NTM vào năm 2023, Ban quản lý bản đang tập trung huy động mọi nguồn lực, nỗ lực hoàn thành những nội dung, công việc, các tiêu chí mà trong phạm vi không cần nguồn lực đầu tư. Bản đặc biệt quan tâm việc xây dựng cảnh quan môi trường, trồng hoa, vệ sinh các tuyến đường bản.

Bản Có Nọi chuẩn bị làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Văn Thiệu

Bản Có Nọi chuẩn bị làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Văn Thiệu

Từ đầu năm 2022 đến nay, Bản đã phối hợp với các hội, đoàn thể xã và người dân ra quân nhiều đợt trồng cây xanh, phát quang, dọn dẹp vệ sinh ở các tuyến dân cư, xây dựng tuyến đường đẹp kiểu mẫu.

Xác định xây dựng nông thôn mới không chỉ là xây dựng kết cấu hạ tầng, trong quá trình triển khai chương trình, chi bộ bản Có Nọi cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền để mỗi người dân hiểu và nâng cao trách nhiệm trong việc tạo dựng cảnh quan nông thôn đẹp từ khuôn viên gia đình đến từng tuyến đường nội bản. Các công trình nhà lớp học, trồng cây xanh, giữ vệ sinh môi trường, được người dân đồng tình hưởng ứng và dần mang lại hiệu quả rõ nét.

Ngoài tập trung xây dựng cảnh quan môi trường, Chiềng Khay cũng đang tích cực chỉ đạo các bản tập trung phát triển sản xuất, ưu tiên phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Xác định tiêu chí thu nhập là điều kiện quan trọng để thực hiện các tiêu chí khác. Do đó, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả giá trị kinh tế cao; triển khai xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sạch; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân. Chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, tạo điều kiện cho các hộ dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế; vận động các hộ liên kết, thành lập HTX...

Hiện toàn xã có hơn 1.600 hộ được vay vốn phát triển sản xuất với tổng dư nợ hơn 135 tỷ đồng. Toàn xã có hơn 120 ha cây ăn quả; khoanh nuôi, bảo vệ hơn 5.100 ha rừng; duy trì trên 41.000 con gia súc, gia cầm. Kinh tế chuyển dịch, đời sống người dân ngày càng được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12,02%.

Bản Có Nọi xã Chiềng Khay thực hiện tiêu chí 17 về môi trường. Ảnh: Văn Thiệu

Bản Có Nọi xã Chiềng Khay thực hiện tiêu chí 17 về môi trường. Ảnh: Văn Thiệu

Ông Đặng Thái Học, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Khay cho biết: Hiện nay, xã đang tiếp tục thực hiện 03 tiêu chí trong năm 2022 đó là môi trường, cơ sở vật chất văn hóa và hộ nghèo. Để thực hiện và hoàn thành các tiêu chí này trong năm 2022. UBND xã đã xây dựng kế hoạch và đưa ra giải pháp cụ thể cho từng tiêu chí. Trong đó, tập trung nguồn lực vào các tiêu chí có liên quan đến phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đầu tư hệ thống giao thông và cơ sở vật chất văn hóa.

Đồng thời khai thác, huy động nguồn vốn trong dân, để nhân dân chủ động tham gia, ủng hộ; khai thác những thế mạnh về vị trí địa lý, khí hậu của xã, cụ thể hóa đề cơ cấu hóa các ngành nông nghiệp, triển khai chương trình giúp liên kết 4 nhà để giúp dân phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất đạt hiệu quả cao, tạo đầu ra cho sản phẩm và từng bước nâng cao đời sống nhân dân, tạo tiềm lực vững chắc để về đích nông thôn mới trong trong năm 2023 theo kế hoạch.

Vận động, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Văn Thiệu.

Vận động, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Văn Thiệu.

Đến nay, xã đã đạt được 8/19 tiêu chí nông thôn mới. Chiềng Khay đang tiếp tục rà soát, đánh giá và đề ra các giải pháp thực hiện 11 tiêu chí còn lại đó là: tiêu chí quy hoạch, thủy lợi, điện, cơ sở vật chất văn hóa, thông tin và truyền thông, thu nhập, lao động, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, tiêu chí Quốc phòng an ninh.

Dù còn nhiều khó khăn ở phía trước, nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng lòng của người dân, tin tưởng rằng xã Chiềng Khay sẽ đạt chuẩn NTM theo kế hoạch vào năm 2023, góp phần đưa huyện Quỳnh Nhai đạt chuẩn NTM vào năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Gạo ST25 được phân hạng tiềm năng OCOP 5 sao

Sóc Trăng Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức chấm điểm, phân hạng OCOP 5 sao đối với sản phẩm Gạo thơm ST25 của huyện Trần Đề.