Theo thống kê của Chi cục thủy sản Hà Tĩnh, hiện toàn tỉnh có 3.965 tàu cá đã đăng ký hoạt động nhưng có đến 2.914 chiếc (chiếm 78,86%) chiều dài từ 6m đến dưới 12m hoạt động tại vùng biển ven bờ, chủ yếu ở khu vực bãi ngang nên rất khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát khi tàu cá vươn khơi sản xuất.
Đặc biệt, ý thức chấp hành các quy định pháp luật thủy sản của một số bộ phận ngư dân còn hạn chế, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về khai thác trên biển.
Ngư dân nghèo thiếu vốn đầu tư phát triển tàu cá đáp ứng các điều kiện hoạt động theo quy định của Luật thủy sản 2017; sự phối phợp kiểm tra, kiểm soát, xử lý tình trạng tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp của các cơ quan chức năng liên quan chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao… đã góp phần đẩy lĩnh vực thủy sản Hà Tĩnh khó thoát khỏi “nghề cá truyền thống”.
Từ đầu năm 2018, sau khi Ủy ban châu Âu rút “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam, ngoài thực hiện các giải pháp đồng bộ theo hướng dẫn của Trung ương, Sở NN-PTNT kịp thời tham mưu HĐND tỉnh Hà Tĩnh ban hành chính sách hỗ trợ phát triển tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ (viết tắt là tổ đồng quản lý) theo Nghị quyết 123 nhằm gắn trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho ngư dân.
“Theo quy định mỗi tổ đồng quản lý ra đời được hỗ trợ 50 triệu đồng. Hiện toàn tỉnh đã thành lập được 15 tổ, trong đó 3 tổ được giao quyền tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản, gồm: Tổ đồng quản lý số 2 – Xuân Yên, huyện Nghi Xuân; tổ đồng quản lý số 3 – Xuân Liên, huyện Nghi Xuân và tổ đồng quản lý số 5 – Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà”, ông Nguyễn Viết Hùng, Phó Trưởng phòng khai thác thủy sản (Chi cục thủy sản Hà Tĩnh) thông tin. Đồng thời khẳng định, việc thành lập, đưa tổ đồng quản lý vào hoạt động thời gian qua không chỉ tạo ý thức tự giác trong khai báo, đánh bắt thủy sản đúng vùng, đúng tuyến mà còn thắt chặt tình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng ngư dân; hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc theo dõi, nắm bắt số lượng tàu cá chấp hành quy định về đăng ký, cấp phép, đánh dấu tàu cá…
“Thành công bước đầu của tổ đồng quản lý tại Hà Tĩnh được Trung ương đánh giá cao. Sắp tới, Chi cục thủy sản Hà Tĩnh sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã giao quyền tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho 12 tổ đồng quản lý còn lại; đồng thời, tuyên truyền để ngư dân tự giác tham gia vào các tổ đồng quản lý, trên tinh thần nhà nước không can thiệp sâu, tiến tới xã hội hóa bảo vệ nguồn lợi thủy sản”, ông Hùng nói thêm.
Xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân có 168 tàu cá khai thác thủy sản vùng khơi và vùng lộng. Sau khi 100% chủ tàu trở thành hội viên của tổ đồng quản lý, tình trạng sử dụng chất nổ, ngư lưới cụ cấm để khai thác thủy sản ven bờ gần như chấm dứt hoàn toàn.
Theo ông Nguyễn Văn Bê, tổ trưởng tổ đồng quản lý số 3, trước đây hầu hết tàu cá của ngư dân Xuân Liên “không phép” hoặc giấy phép hết hạn, việc ra khơi sản xuất theo kiểu “mệnh ai nấy lo”. Sau khi đưa tổ đồng quản lý vào hoạt động, ngư dân góp quỹ được hơn 100 triệu đồng để hỗ trợ hội viên mua sơn đánh dấu, kẻ số tàu cá theo quy định; giúp nhau vượt qua hoạn nạn trên biển; chung tay vệ sinh môi trường bãi biển, xây dựng nông thôn mới…
Đặc biệt, hàng năm tổ còn phối hợp với Đồn Biên phòng Lạch Kèn tham gia tuyên truyền chống khai thác thủy sản bất hợp pháp và không khai báo theo quy định (IUU) cho hàng chục lượt tàu thuyền; phối hợp tuần tra trên biển, góp phần giúp lực lượng chức năng phát hiện, xử lý tàu cá vi phạm Luật thủy sản từ 5 – 7 vụ/năm.