| Hotline: 0983.970.780

Xã hội hóa nguồn vốn xây dựng nông thôn mới

Thứ Hai 29/07/2019 , 13:40 (GMT+7)

Xã hội hóa nguồn vốn xây dựng NTM góp phần huy động nguồn lực, đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công ngày càng hạn hẹp, thu hút cộng đồng doanh nghiệp (DN), người dân tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng hạ tầng kinh tế xã hội.

09-58-37_nhlm_duong_be_tong_xy_dung_nong_thon_moi
Làm đường bê tông xây dựng nông thôn mới.

Theo nội dung cam kết với UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế, năm 2017, Công ty CP Xi măng Đồng Lâm (Công ty Đồng Lâm) phối hợp với Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM tài trợ 1.387 tấn xi măng để bê tông hóa 12km đường giao thông, nâng cấp 7 công trình kênh mương nội đồng tại 25 xã trên địa bàn.

Năm 2018, công ty tiếp tục tài trợ hơn 2.100 tấn xi măng xây dựng NTM, thi công hơn 13,5km đường giao thông nông thôn tại các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới, Hương Trà và TX Hương Thủy. Việc hỗ trợ xi măng của công ty không chỉ góp phần thực hiện tốt tiêu chí giao thông, hạ tầng mà còn phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM tại địa phương.

Ông Trần Chấn Lễ, Trợ lý TGĐ Công ty Đồng Lâm thông tin, trong 2 năm 2017- 2018, công ty đã cùng các địa phương xây dựng hơn 130 tuyến đường bê tông và kênh mương nội đồng dài gần 30km. Với cam kết thực thi trách nhiệm xã hội, đóng góp cho sự phát triển của địa phương, năm 2019, công ty tiếp tục hỗ trợ 1.982 tấn xi măng cho các xã nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn.

Cùng với sự hỗ trợ của công ty xi măng, các địa phương từ huyện đến xã đã mạnh dạn trích nguồn vốn địa phương đầu tư kinh phí hỗ trợ xi măng cho các thôn, xóm. Từ đó, người dân chủ động đóng góp ngày công, kinh phí, giải phóng mặt bằng để mở rộng đường thôn, xóm, bê tông hóa đường giao thông, góp phần hoàn chỉnh bộ mặt nông thôn.

Bà Nguyễn Thị Tho, xã Phong Xuân (huyện Phong Điền) chia sẻ, trước đây đường thôn, xóm toàn ổ trâu, ổ gà, nắng thì bụi mù mịt, mưa xuống thì trơn trượt. Từ sự hỗ trợ của Công ty Đồng Lâm, người dân, chính quyền cùng chung tay đóng góp hình thành nên các tuyến đường thôn, xóm được bê tông hóa, đi lại thuận lợi.

Số liệu từ Văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM, vốn đầu tư xây dựng NTM của tỉnh Thừa Thiên- Huế giai đoạn 2016-2018 đạt 4.915 tỷ đồng, trong đó, huy động từ DN 80 tỷ đồng; người dân 271 tỷ đồng, bao gồm đóng góp tiền, hiến 276.640m2 đất và 91.153 ngày công. Theo kế hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2019-2020, dự kiến nguồn vốn cần sử dụng 3.213 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 501 tỷ đồng; địa phương 752 tỷ đồng; huy động người dân, DN 260 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn khác.

Đến nay, tỉnh Thừa Thiên- Huế có 44 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM, tỷ lệ 42,3%. Riêng năm 2018, có thêm 14 xã đạt chuẩn. Số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đến giữa năm 2019 ước đạt 16,30 tiêu chí/xã, tăng 0,15 tiêu chí so với đầu năm.

Theo ông Phạm Quyền, Phó Chánh văn phòng BCĐ Chương trình MTQG xây dựng NTM, một trong những định hướng quan trọng trong xây dựng NTM của tỉnh là xã hội hóa nguồn lực đầu tư xây dựng NTM; phát huy vai trò chủ thể người dân, làm tốt công tác vận động tổ chức, DN, cá nhân trên địa bàn và những người con của quê hương sống, công tác xa quê đóng góp cùng xây dựng NTM.

Tỉnh cũng chỉ đạo xây dựng kế hoạch trung hạn lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án hỗ trợ. Huy động vốn đầu tư của DN đối với các chương trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; tăng cường hình thức hợp tác công tư và xã hội hóa để thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ và xử lý môi trường, giao thông, góp phần nâng cao các tiêu chí xây dựng NTM.

Đồng thời, tăng tính minh bạch, công khai dân chủ trong thực hiện các nguồn vốn để tạo sự đồng thuận trong dân. Đối với nguồn hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, ngoài đảm bảo quy định, ưu tiên cho các địa phương phấn đấu về đích đúng hạn, các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, tăng các tiêu chí NTM.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.