Về thăm Đền thờ Thánh Gióng - xã Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội, chúng tôi bất ngờ biết, địa phương này đang có nghề trồng, kinh doanh cây hoa giấy, hiệu quả sản xuất đạt rất cao. Mỗi năm các nhà nông trên địa bàn có thể thu được 60-80 tỷ đồng từ cây hoa giấy các loại, đã trừ hết chi phí vật tư, thuê đất canh tác và mướn công lao động.
Bà Hoàng Thị Thúy Nga – Phó phòng Kinh tế Gia Lâm cho biết: Hiện xã Phù Đổng có 441 hộ chuyên canh hoa giấy, sản xuất tập trung chủ yếu ở các thôn Phù Đổng 1, Phù Đổng 2 và Phù Đổng 3. Tổng diện tích trồng các cây này đã đạt gần 90ha. Bình quân 1ha hoa giấy cho thu nhập từ 550-800 triệu đồng, tùy theo năm.
Nhà vườn chuyên canh hoa giấy Lê Thanh Cao ở thôn Phù Đổng 1, cho hay: Thường xuyên trồng 0,7ha hoa giấy, sau xuất bán sản phẩm và cân đối thu chi, còn lãi công lao động ngót 400 triệu đồng/năm. “So với cấy lúa cùng chân ruộng, trồng cây hoa giấy luôn được lãi cao gấp 5-6 lần, lại không phải phun hóa chất trừ cỏ, ít sử dụng thuốc trừ sâu, đặc biệt là giảm được rất nhiều nước tưới”, anh Cao nhấn mạnh.
Ông Vũ Quang Công (hộ trồng hoa giấy trên địa bàn) cũng nói chắc như đinh: Gì chứ! 1 sào 360m2 trồng cây hoa giấy, cho thu nhập 25-30 triệu đồng, thì không phải nghĩ. Được lãi như vậy là do, cây hoa giấy rất dễ trồng, dễ nhân giống, chi phí sản xuất đầu vào thấp, sản phẩm đầu ra cao ổn định. Trong lúc cao hứng trò chuyện, ông Tiến còn buột miệng để lộ: Cây hoa giấy dễ nhân giống tới mức, những năm trước ở đây, chúng tôi mua thân cành hoa giấy rẻ như mua củi. Sau mang về cắt khúc ra giâm, tới bén rễ nhú mầm thì đưa trồng lên chậu. Chăm sóc thêm vài tháng nữa là bán được trên, dưới 100 nghìn đồng 1 chậu (1 khúc) – nhàn tênh.
Ông Đào Công Tiến ở thôn Phù Đổng 2 nhớ lại: Nghề trồng cây hoa giấy đã hình thành ở đây vào những năm 1990. Ban đầu chỉ có vài chục hộ trồng để chơi trong vườn nhà, sau cắt tỉa ghép thêm nhiều màu hoa khác nhau, rồi mời bạn bè đến cùng giao lưu, thưởng ngoạn. Không ngờ! Có một số khách đến thăm ngỏ ý muốn mua và trả giá rất cao. Tiếng lành đồn xa, cây hoa giấy từng bước trở thành sản phẩm có giá trị hàng hóa, kể từ đó. Đến nay, người trồng hoa giấy xã Phù Đổng, không chỉ xuất bán ra thị trường các cây đã nở hoa. Mà còn sản xuất cây giống cùng loại cho các nhà vườn trồng, kinh doanh hoa, cây cảnh ở khắp các tỉnh, thành miền Bắc.
Anh Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Nông dân Phù Đổng cho biết: Nghề trồng cây hoa giấy đã góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người đạt 60,2 triệu đồng/người/năm. Địa bàn xã cơ bản không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng giảm còn 1,6%. Xã Phù Đổng được UBND thành phố, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao từ tháng 8/2020. Để nghề trồng hoa giấy phát triển bền vững, Cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, luôn tạo mọi thuật lợi cho nông dân tích tụ đất canh tác, xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo hướng, buôn có bạn, bán có phường. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các viện nghiên cứu khoa học và ngành chuyên môn cấp trên, để chuyển giao kịp thời các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Thăm quan thực tế các cánh đồng trồng hoa ở Phù Đống, chúng tôi thấy: Nhiều nhà nông đã thường xuyên sử dụng bạt nông nghiệp, che phủ nền hoặc luống đất trồng cây, để không cần sử dụng hóa chất vẫn ngăn ngừa được cỏ dại phát triển. Ngoài ra còn hạn chế phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thấm xuống địa tầng, gây ô nhiễm nước ngầm, nước mặt.
Theo TS. Nguyễn Văn Tỉnh – Viện Nghiên cứu Rau quả: Cây hoa giấy có rất nhiều dư địa cho nâng cao giá trị kinh tế và giá trị thẩm mỹ. Bên cạnh áp dụng tiến bộ ghép đoạn cành, để tạo ra một cây mang được nhiều màu sắc hoa hấp dẫn khác nhau. Còn có thể uốn tỉa tạo ra các cây vừa mang nhiều sắc hoau, vừa có các dáng thế nghệ thuật bắt mắt. Đặc biệt nguồn gien cây hoa giấy rất phong phú, màu sắc hoa rất đa dạng. Các nhà khoa học của Viện sẵn phối hợp cùng địa phương, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật nói trên tới nông hộ.