| Hotline: 0983.970.780

Xã về đích nông thôn mới, người dân vẫn thiếu điện

Thứ Tư 26/06/2024 , 14:02 (GMT+7)

Xã Đắk Môl, huyện Đắk Song được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng 13 hộ dân sinh sống tại thôn Hà Nam Ninh vẫn phải tự kéo điện về nhà sử dụng.

Cuối tháng 5 vừa qua, xã Đắk Môl, huyện Đắk Song (Đắk Nông) tổ chức lễ công bố đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, hiện có 13 hộ dân sinh sống tại thôn Hà Nam Ninh thiếu điện vẫn phải tự kéo điện về nhà sử dụng.

Do địa hình và diện tích tự nhiên rộng nên ở một số khu vực của xã Đắk Môl người dân sinh sống rải rác, chỉ tập trung thành cụm dân cư nhỏ. Để phục vụ sinh hoạt hàng ngày và sản xuất, người dân nơi đây phải tự bỏ tiền để kéo điện về nhà. Đường dây điện được mắc tạm trên các trụ gỗ, tre, vắt vẻo trên nóc nhà, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nhất là vào mùa mưa, gió.

Ông Nguyễn Văn Thắng (ngụ thôn Hà Nam Ninh) cho biết, gia đình và 12 hộ dân đã sinh sống tại đây hàng chục năm qua. Do sinh sống và làm ăn ngay trên đất sản xuất nên mong mỏi lớn nhất của các hộ dân là có nguồn điện ổn định. Dù đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị, tuy nhiên đến nay gia đình ông Thắng và 12 hộ dân khác vẫn chưa được sử dụng điện lưới quốc gia.

Thiếu điện người dân phải tự bỏ tiền kéo đường dây dài hơn 1km về sử dụng. Ảnh: Quang Yên.

Thiếu điện người dân phải tự bỏ tiền kéo đường dây dài hơn 1km về sử dụng. Ảnh: Quang Yên.

“Chúng tôi sống mười mấy, hai mươi năm nay, đã nhiều lần xảy ra sự cố nên rất lo lắng mỗi khi mùa mưa đến. Tôi mong chính quyền địa phương và cơ quan điện lực tạo điều kiện, khảo sát, kéo đường lưới điện về cho các hộ dân”, ông Thắng nói.

Hiện nay, đường dây điện do 13 hộ dân thôn Hà Nam Ninh tự kéo đi qua các ao nước, ruộng lúa rất nguy hiểm. Theo thời gian, những cột điện dựng tạm đang bị mục nát, xiêu vẹo, rất dễ bị đổ, ngã. Có những đoạn đường dây điện sà xuống thấp trở thành những cái bẫy gây nguy hiểm.

Người dân địa phương tại đây cho biết, đường dây điện dài hơn 1km tự kéo này đã từng bị đứt nhiều lần. Mỗi năm vào mùa mưa bão, các trụ điện thường xuyên xảy ra ngã đổ. Do chi phí lắp đặt mới rất lớn nên người dân chỉ khắc phục, sửa chữa tạm thời để bảo đảm đủ điện cho sinh hoạt hàng ngày.

Dù xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng 13 hộ dân tại thôn Hà Nam Ninh vẫn sống trong cảnh thiếu điện. Ảnh: Quang Yên.

Dù xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng 13 hộ dân tại thôn Hà Nam Ninh vẫn sống trong cảnh thiếu điện. Ảnh: Quang Yên.

Theo bà Hoàng Thị Lương, Trưởng thôn Hà Nam Ninh để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xã Đắk Môl đã được đầu tư để nâng cấp cơ sở hạ tầng, phục vụ đời sống nhân dân. Tại thôn Hà Nam Ninh, các tuyến đường đã được làm mới, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, đi lại của người dân. Tuy nhiên, còn 13 hộ dân trong thôn đang sống trong tình cảnh “thiếu điện” nên nguyện vọng lớn nhất của các hộ dân là được sử dụng điện từ điện lưới quốc gia.

“Hơn 20 năm qua, bà con vẫn nơm nớp nỗi lo về điện. Nếu có điện, đời sống bà con sẽ tốt hơn, người dân cũng có cơ hội đưa máy móc vào sản xuất kinh tế, nâng cao thu nhập”, Trưởng thôn Hà Nam Ninh cho hay.

Ông Hoàng Tiến Hưng, Chủ tịch UBND xã Đắk Môl cho biết, chính quyền địa phương đã nắm được thông tin người dân tại thôn Hà Nam Ninh thiếu điện.

Điện được người dân kéo qua ao hồ, đồng ruộng nên rất mất an toàn vào mùa mưa. Ảnh: Quang Yên.

Điện được người dân kéo qua ao hồ, đồng ruộng nên rất mất an toàn vào mùa mưa. Ảnh: Quang Yên.

Theo ông Hưng, trong các buổi tiếp xúc cử tri địa phương đã có trả lời người dân về vấn đề này. Hiện nay công ty điện lực đã nghiên cứu và có kế hoạch kéo điện cho người dân trong thời gian tới. Tuy nhiên do người dân sống rải rác nên bên điện lực cũng tính chi phí cho phù hợp”, ông Hưng chia sẻ.

Liên quan đến việc xã đạt chuẩn NTM nhưng người dân thiếu điện, ông Hưng cho biết vẫn đảm bảo 98% số hộ dân được sử dụng điện theo tiêu chí. “Trước mắt, chính quyền địa phương yêu cầu các hộ dân gia cố hệ thống đường dây, cột trụ, tránh nguy cơ gãy đổ, mất an toàn. Về lâu dài, địa phương kiến nghị ngành điện lực đầu tư mở rộng về phạm vi mạng lưới điện để tất cả các hộ dân đều được sử dụng điện an toàn”, ông Hưng thông tin.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

OCOP Nghệ An cần những mảng màu như Tứ Phương

Muốn phát triển thương hiệu OCOP vững bền đòi hỏi lượng và chất phải song đôi, xuyên suốt hành trình đã qua, Tứ Phương luôn xem đây là yêu cầu bắt buộc.