| Hotline: 0983.970.780

Đắk Lắk không còn nợ đọng xây dựng cơ bản

Thứ Hai 13/11/2023 , 06:30 (GMT+7)

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 100 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới và 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đến nay, tỉnh Đắk Lắk có 74 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 49%, một xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và một đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh Đắk Lắk đạt 2.374/2.869 tiêu chí, bằng 82,7% kể hoạch; bình quân toàn tỉnh đạt 15,72 tiêu chí/xã; không còn nợ đọng xây dựng cơ bản trong chương trình nông thôn mới. Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn 7 xã dưới 10 tiêu chí.

Theo lãnh đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Đắk Lắk, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân về xây dựng nông thôn mới.

Số đông từ chỗ còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tham gia tích cực vào xây dựng nông thôn mới; người dân đã ủng hộ, hiến đường, phá bỏ bờ rào đóng góp tiền mặt và ngày công lao động để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.

Tuy nhiên, với đặc thù là tỉnh miền núi có diện tích rộng, dân cư ở phân tán, thưa thớt, có 54 xã thuộc khu vực III nên việc thực hiện các tiêu chí về cơ sở hạ tầng nông thôn rất khó đạt chuẩn. Kết quả đạt được nêu trên chính là những nỗ lực mà chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh đã cùng chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới thời gian qua.

Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2025 có 100 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Quang Yên.

Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2025 có 100 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Quang Yên.

Cụ thể, từ năm 2020 đến nay ước tính số tiền đóng góp của người dân để triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới là hơn 220 tỷ đồng, nhân dân hiến hơn 60.000m2 đất, đóng góp hơn 75.000 ngày công lao động.

Một số điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Đắk Lắk chung sức xây dựng nông thôn mới” như Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk; Lữ đoàn Đặc công 198... đã xây dựng, trao tặng 3 công trình đoàn kết quân dân; phối hợp vận động xây dựng 117 nhà đại đoàn kết; tặng 300 con giống các loại; tham gia làm mới 109km đường nông thôn.

Để tiếp tục hoàn thiện, đẩy nhanh Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, Đắk Lắk đặt ra kế hoạch giữ vững và nâng cao chất lượng đối với kết quả đã đạt được.

Cụ thể, đến năm 2025, Đắk Lắk phấn đấu có 100/106 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5/7 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Còn đối với cấp huyện đến năm 2025, toàn tỉnh lũy kế có 4/6 đơn vị đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; trong đó từ 1 - 2 số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Bình quân toàn tỉnh Đắk Lắk đạt 17,1 tiêu chí/xã. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng 1,3 lần so với năm 2020 và có 200 sản phẩm OCOP được cấp chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên

Theo ông Dương Tín Đức, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Đắk Lắk, địa phương sẽ nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới, nhất là vai trò của người đứng đầu. Các đơn vị phải xem xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng, một nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần thực hiện kiên trì, kiên nhẫn, thường xuyên và liên tục, phải xác định xây dựng nông thôn mới "có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc".

Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân về thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, đặc biệt là phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, nhất là đưa phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ngày càng đi vào chiều sâu, tạo sự lan tỏa rộng lớn trong cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân.

Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp, đặc biệt cán bộ cơ sở về phát triển kinh tế nông nghiệp, bảo vệ môi trường, chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch nông thôn, phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế, bảo tồn các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc… 

“Địa phương sẽ hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, đảm bảo nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và bền vững. Tăng cường thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực thực hiện Chương trình. Các đơn vị và địa phương ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư cho các địa bàn khó khăn, đảm bảo tập trung, hiệu quả tránh dàn trải, phân tán làm lãng phí nguồn vốn ngân sách.

Kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện chương trình; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể các cấp, vai trò chủ thể của người dân trong giám sát, phản biện về kết quả xây dựng nông thôn mới ở cơ sở”, ông Đức thông tin.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Phát triển sản phẩm OCOP từ nông sản chủ lực

Đắk Lắk đã tập trung vào phát triển các sản phẩm chủ lực đặc sản của địa phương như: cà phê, bơ, sầu riêng, ca cao, mắc ca…để xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP.