| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL: Xuống giống sớm để né rầy, hạn mặn

Thứ Tư 23/10/2019 , 09:09 (GMT+7)

Theo dự báo, hiện nay mực nước lũ ở ĐBSCL đang xuống nhanh vì vậy các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, Hậu Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ đang tập trung vệ sinh đồng ruộng để chuẩn bị xuống giống lúa đông xuân 2019 - 2020 đảm bảo an toàn.

14-37-46_nh_2_vu_dx_2019-2020_nm_bo_se_xuong_giong_khong_155_trieu_h
Vụ đông xuân 2019 - 2020, Nam bộ sẽ xuống giống khoảng 1,55 triệu ha.

Năm nay, Bộ NN-PTNT khuyến cáo xuống giống tập trung sớm hơn 1 - 2 tuần so với các năm, nhằm né rầy và hạn mặn cuối vụ. Cụ thể: Đợt 1: 18 - 28/10 (20/9 - 1/10 ÂL); Đợt 2: 17 - 27/11 (21/10 - 2/11 ÂL); Đợt 3: 20 - 30/12 (25/11 - 5/12 ÂL).

Theo kế hoạch, Nam bộ sẽ xuống giống khoảng 1,55 triệu ha. Cục Trồng trọt đề nghị giảm khoảng 54,5 ngàn ha để tránh bị hạn mặn ảnh hưởng nhưng tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương áp dụng phương án giảm diện tích.

Dự báo của Bộ NN-PTNT, nguồn nước cho sản xuất lúa đông xuân ở ĐBSCL sẽ gặp nhiều khó khăn. Xuống giống sớm trong tháng 10 sẽ có nhiều cơ hội tận dụng nguồn nước cho sản xuất và không bị hạn cuối vụ, nhất là đối với các tỉnh ven biển, những vùng có nhiều khả năng bị ảnh hưởng hạn mặn. Mặt khác, theo nhiều dự báo thì việc thiếu nước trong mùa khô dẫn đến xâm nhập mặn sớm, sâu hơn và cường độ cao vẫn xảy ra do thiếu nước từ thượng nguồn.

Đồng thời chủ động biện pháp thoát ngập nếu có mưa cục bộ xảy ra lớn, có thể gây ngập cho các trà lúa sớm. Việc xuống giống lúa đông xuân 2019 - 2020 sẽ có ảnh hưởng đến việc tiêu thụ lúa hàng hóa cho nông dân.

Lúa thu hoạch vào tháng 1, 2 và 3 nằm trong thời kỳ khô, nắng sẽ cho chất lượng ổn định. Xuống giống lúa trong tháng 10 sẽ có một số bất lợi ở giai đoạn đòng trỗ của cây lúa và thường cho năng suất không cao. Tuy nhiên lại khá an toàn đối với vùng bị ảnh hưởng của hạn, mặn hàng năm do vậy đây là sự lựa chọn an toàn trong giai đoạn hiện nay.

Đối với tỉnh Đồng Tháp là địa phương có lịch xuống giống sớm nhất ở ĐBSCL, dự kiến vụ đông xuân năm nay toàn tỉnh sẽ xuống giống 205.000ha. Trong đó lúa chất lượng cao chiếm 60% diện tích, tỷ lệ sử dụng giống xác nhận chiếm 70% diện tích. Áp dụng biện pháp sạ thưa, sạ hàng chiếm 50% diện tích.

Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, năm nay lũ nhỏ xuống giống lúa có sớm hơn mọi năm nhưng vẫn tuân thủ theo lịch thời vụ né rầy và né hạn được chia thành 2 đợt xuống giống chính. Đợt 1 xuống giống từ ngày 20 - 31/10 với diện tích từ 30.000 - 40.000ha tập trung các huyện đầu nguồn nước lũ rút sớm như Tháp Mười, Cao Lãnh, Tân Hồng... Đợt 2 sẽ bắt đầu xuống giống từ ngày 22/11 - 2/12). Đây là đợt xuống giống chủ lực của tỉnh. Các ô bao sản xuất 3 vụ lúa nên kết thúc xuống giống trong đợt này nhằm đảm bảo kế hoạch vụ hè thu và thu đông 2020 đảm bảo an toàn.

Còn tại TP Cần Thơ, ngành nông nghiệp vừa ban hành kế hoạch SX lúa đông xuân 2019 - 2020, với diện tích 80.170ha. Lịch thời vụ xuống giống gồm 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 2 đến ngày 8/11 và đợt 2 từ ngày 21 đến 27/11.

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ, cho biết, hiện nay ngành nông nghiệp các địa phương tập trung hướng dẫn nông dân gieo sạ trong 2 đợt nêu trên, đây là thời điểm có điều kiện thời tiết thuận lợi vì nước lũ rút. Đồng thời, theo dõi tình hình rầy vào đèn tại mỗi địa phương, rầy nâu tại chỗ, kết hợp với chế độ thủy văn để bố trí thời vụ cụ thể cho địa phương. Khi bố trí thời vụ phải tuân thủ theo nguyên tắc chung là gieo sạ tập trung, đồng loạt trên từng khu vực, từng cánh đồng.

14-37-46_nh_3_nong_dn_dbscl_tt_bt_vo_vu_lu_dong_xun_som
Nông dân ĐBSCL tất bật vào vụ lúa đông xuân sớm.

Thời gian cách giữa 2 vụ lúa tối thiểu 3 tuần, không để tình trạng trên cùng một cánh đồng có nhiều trà lúa khác nhau. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tránh tư tưởng chủ quan, gieo sạ lúa không tập trung theo lịch khuyến cáo, phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch né rầy, không gieo sạ trước khi rầy di trú đến và để tránh tình trạng có nhiều trà lúa trên cùng một cánh đồng.

Trong đó, chuẩn bị giống tốt, sử dụng giống xác nhận, sạch bệnh, có sức sống mạnh, độ nẩy mầm cao, xử lý hạt giống ngăn ngừa bệnh lúa von, đạo ôn. Các giống chủ lực được gieo sạ trong vụ đông xuân 2019 - 2020 như Jasmine 85, OM 5451, OM 4218, OM 2517; OM 7347… phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, bền vững, phù hợp với thực tế SX và thị trường.

Tỉnh An Giang dự kiến kế hoạch diện tích xuống giống vụ này là 235.200ha. Ước năng suất bình quân vụ đông xuân đạt 7,2 tấn/ha, sản lượng đạt 1.693.440 tấn.  Khuyến cáo khung lịch xuống giống tập trung, đồng loạt và né rầy chia làm 2 đợt. Đợt 1 xuống giống từ 15 - 25/11, xuống giống tập trung ở những vùng đã thu hoạch lúa thu đông sớm, vùng xả lũ và vùng 2 vụ/năm. Đợt 2 xuống giống từ 12 - 22/12, xuống giống tập trung ở những vùng đã thu hoạch lúa thu đông đại trà.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.