| Hotline: 0983.970.780

Xâm nhập mặn tại các cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần

Thứ Tư 05/04/2023 , 12:15 (GMT+7)

ĐBSCL Xâm nhập mặn tại các cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần. Riêng xâm nhập mặn tại các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn tăng cao từ ngày 17 - 23/4, sau đó giảm.

Độ mặn trên sông Cửu Long giảm, người dân trữ nước ngọt tưới cây vào mùa khô, phòng chống xâm nhập mặn. Ảnh: Minh Đảm.

Độ mặn trên sông Cửu Long giảm, người dân trữ nước ngọt tưới cây vào mùa khô, phòng chống xâm nhập mặn. Ảnh: Minh Đảm.

Xu thế mặn giảm dần trên cửa sông Cửu Long

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn): Từ ngày 1 - 10/04, mực nước tại các dòng chính sông Mê Kông biến đổi chậm và phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm.

Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu dao động theo triều. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,5m, tại Châu Đốc là 1,65m - ở mức cao hơn trung bình cùng kỳ nhiều năm từ 0,25 – 0,3m. Xâm nhập mặn ở ĐBSCL tăng dần và đạt mức cao nhất vào giữa tuần. Độ mặn cao nhất tại các trạm tương đương độ mặn cao nhất tháng 4/2022.

Đối với chiều sâu ranh mặn 4 phần nghìn, trên sông Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông phạm vi xâm nhập từ 35 - 45km; sông Cái Lớn phạm vi xâm nhập 20 - 30km. Riêng trên các nhánh sông Cửu Long, phạm vi xâm nhập mặn có xu thế ổn định và giảm từ 5km so với nửa cuối tháng 3. Trên sông Cửa Tiểu, Cửa Đại xâm nhập 30 - 35km (dự báo giữ nguyên); sông Hàm Luông, Cổ Chiên từ 35 - 40km (dự báo giảm 5km); sông Hậu từ 35 - 42km (dự báo giảm từ 6km).

Xu thế nguồn nước và xâm nhập mặn cuối mùa khô 2022 - 2023 tại ĐBSCL tương đương mùa khô 2021 – 2022. Từ đầu tháng 4 đến hết tháng 5/2023, xâm nhập mặn tại các cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần. Riêng xâm nhập mặn tại các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn tăng cao từ ngày 17 - 23/4, sau đó giảm. Rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn tại ĐBSCL ở cấp độ 1 - 2.

Người dân ven sông Tiền tưới cây sầu riêng vào mùa khô. Ảnh: Minh Đảm.

Người dân ven sông Tiền tưới cây sầu riêng vào mùa khô. Ảnh: Minh Đảm.

Hệ thống cống ven sông Tiền sẵn sàng hoạt động 

Hiện nay, các công trình xây dựng cống ngăn mặn dọc sông Tiền của tỉnh Tiền Giang đã thi công vượt kế hoạch đề ra và sẵn sàng ngăn nước mặn xâm nhập. Đến thời điểm này, 6 công trình xây cống ngăn mặn ven sông Tiền do tỉnh Tiền Giang đầu tư xây dựng đã vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, 2 công trình có quy mô lớn nhất là cống Phú Phong và Rạch Gầm (địa bàn huyện Châu Thành) chuẩn bị hoàn thành đưa vào hoạt động.

Thời gian qua, với sự quan tâm, nỗ lực của chủ đầu tư, nhà thầu các công trình thi công liên tục, đảm bảo an toàn. Hiện tại, các cửa cống đều mở để đón nguồn nước ngọt từ sông Tiền vào phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của hàng chục nghìn hộ dân khu vực này.

Từ năm 2022, nhằm giúp người dân thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là mặn xâm nhập, từ nguồn kinh phí Trung ương và địa phương, tỉnh Tiền Giang đã đầu tư 864 tỷ đồng xây dựng 6 cống ngăn mặn ven sông Tiền tại địa bàn huyện Châu Thành và Cai Lậy gồm: Cống Phú Phong, Rạch Gầm, cống Cây Còng, cống Mù U, cống Hai Tân và cống Cái Sơn. Các cống được xây dựng lộ thiên bằng bê tông cốt thép, khẩu độ cống từ 10 đến 50m, sử dụng cửa van phẳng kéo thẳng đứng, đóng mở cửa van bằng xi-lanh thủy lực.

Thi công cống ngăn mặn Phú Phong. Ảnh: Minh Đảm.

Thi công cống ngăn mặn Phú Phong. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Đàm Thanh Tuyến, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang (chủ đầu tư dự án) cho biết, việc thi công các cống đập thuận lợi, an toàn. Cũng theo ông Tuyến, trong số các cống ngăn mặn ven sông Tiền, có 2 cống lớn đã thi công đạt hơn 85%, dự kiến tháng 6/2023 sẽ đưa vào khai thác.

Đối với 4 cống còn lại, nhà thầu đang khẩn trương thi công, quyết tâm hoàn thành trong năm nay. Tất cả các khâu liên quan đến việc ngăn mặn đã được đơn vị chuẩn bị đầy đủ. Nếu xảy ra tình huống hạn mặn thì công tác vận hành sẽ nhanh chóng được triển khai, đáp ứng phòng chống nước mặn xâm nhập.

Mở 37 vòi nước công cộng hỗ trợ người dân ven biển

Xâm nhập mặn đã gây ra nỗi lo thiếu nước sạch cho người dân ĐBSCL. Theo Sở Xây dựng Tiền Giang, hiện nay toàn tỉnh còn khoảng hơn 15.200 hộ dân (chiếm 3,66% hộ dân) vùng nông thôn chưa tiếp cận được nguồn nước từ các trạm cấp nước tập trung.

Vào mùa khô hạn như hiện nay, nhiều hộ phải lo toan về nguồn nước sinh hoạt, nhất là vùng ven biển Gò Công và Tân Phú Đông. Trước tình trạng này, chính quyền và ngành chức năng địa phương đã thực hiện các giải pháp cấp bách, mở 37 vòi nước công cộng ở huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông để cấp miễn phí cho người dân sử dụng đến hết mùa khô.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuân về trên vùng biên cương

Quảng Bình Bà con dân tộc trên vùng miền núi huyện Bố Trạch đã có thêm cái tết ấm áp khi chương trình 'Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản' đến với bà con.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.